VnReview
Hà Nội

Bí mật nào đằng sau TikTok lại có thể quyến rũ Microsoft hay Walmart đến như vậy?

Thương vụ đàm phán mua TikTok vẫn đang là "đêm dài lắm mộng" với các công ty của Mỹ.

Khi ByteDance quyết định hợp nhất ứng dụng hát nhép Musical.ly và TikTok vào năm 2018, lúc đó nó đơn thuần chỉ là một ứng dụng chia sẻ video thời lượng ngắn bình thường cho giới trẻ tại Mỹ. Thế nhưng, hiện tại TikTok đã vươn mình trở thành ứng dụng có lượt tải xuống nhiều nhất trên thế giới, với độ phổ biến lớn đến mức trở thành tâm điểm của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung, vốn trước đây chỉ dành sự chú ý đến những lĩnh vực công nghệ nặng đô như chipset và mạng 5G.

Tháng 8 vừa qua, Washington đã yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi các hoạt động của ứng dụng TikTok tại Mỹ, nhằm gia tăng áp lực lên công ty của Trung Quốc do những lo ngại về sự an toàn đối với dữ liệu cá nhân của người dùng. Nhưng với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới được Bắc Kinh áp đặt vào tuần trước, bao gồm hai lĩnh vực công nghệ chính được nền tảng chia sẻ video ngắn sử dụng, đã tạo nên một "vết gợn" bất ngờ cho thỏa thuận mua bán đầy xáo trộn này. Trong số các mặt hàng hạn chế xuất khẩu mới được Bộ Thương mại Trung Quốc bổ sung (đây là lần đầu tiên Trung Quốc sửa đổi danh sách các công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu sau hơn một thập kỷ), sẽ bao gồm các công nghệ thúc đẩy thông tin cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu và công nghệ giao diện tương tác dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Cả hai công cụ này được ByteDance sử dụng để kiến tạo nên một hệ thống đề xuất nội dung đầy mạnh mẽ, cung cấp nguồn dữ liệu được chọn lọc dựa trên sở thích và hoạt động của cá nhân người dùng. Musical.ly có thể đã mang lại cho ByteDance một chỗ đứng tại thị trường Mỹ, nhưng chính những thêm thắt thuật toán âm thầm này đã cho phép công ty công nghệ Trung Quốc tạo nên động lực của riêng mình.

Kể từ khi thành lập vào năm 2012, ByteDande luôn biết cách phát triển công cụ gợi ý nội dung và sử dụng hệ thống này trên các ứng dụng thuộc sở hữu của họ, chẳng hạn như ứng dụng tổng hợp tin tức nổi tiếng của Trung Quốc Jinri Toutiao. Theo những gì được TikTok tiết lộ vào tháng 6, họ suy xét đến 3 yếu tố để kiến tạo nên sức mạnh đề xuất của mình: thứ nhất, tương tác của người dùng trên ứng dụng, như là thích một clip hay theo dõi tài khoản; thứ hai, nội dung video chứa những gì, chẳng hạn như âm thanh và hashtag; và cuối cùng người dùng thuộc môi trường nào, như là tùy chọn ngôn ngữ, quốc gia hay loại thiết bị mà họ sử dụng. Ngoài ra, ứng dụng cũng sẽ gợi ý một số lượng nội dung nhất định không thuộc phạm vi tương tác yêu thích của người đó.

Theo trang tin;South China Morning Post, sự thay đổi chính sách mới đây của Trung Quốc có thể hàm ý rằng "rất khó xảy ra" một thỏa thuận mua bán nhanh chóng mảng hoạt động của TikTok tại Mỹ trước ngày 15 tháng 9 theo yêu cầu từ chính phủ nước này.

Nhưng tại sao TikTok lại có sức quyến rũ đến như vậy đối với những công ty có ý định mua lại?

"Công nghệ chỉ thực sự hữu ích khi thuật toán và dữ liệu người dùng đều tốt. Một phần lý do vì sao các ứng dụng của ByteDance lại có nhiều lợi thế trước đối thủ chính là nhờ dữ liệu người dùng của họ", theo Hao Peiqiang, người từng là một kỹ sư phần mềm và đang điều hành một blog công nghệ và tư vấn cho các công ty.

Sau khi ByteDance thâu tóm ứng dụng karaoke Musical.ly và hợp nhất nó với TikTok, họ đã giới thiệu thuật toán của mình với nền tảng lip-sync (hát nhép) và được người dùng hưởng ứng nhiệt tình với bằng chứng là thời gian mà họ dành cho ứng dụng."Tinh tế" là những gì mà Eugene Wei, một chuyên gia về sản phẩm nhận định về sự thay đổi này.

Theo công ty nghiên cứu thị trường App Annie, người dùng TikTok trên những thiết bị Android đã dành ra tổng cộng hơn 68 tỷ giờ sử dụng ứng dụng vào năm ngoái, gấp 3 lần so với con số ghi nhận vào năm trước đó. Còn những số liệu trong đơn khiếu nại pháp lý mà ByteDance đệ trình chống lại chính phủ Mỹ vào cuối tháng 8 đã cho thấy ứng dụng này có gần 92 triệu người dùng hoạt động định kỳ hàng tháng tại Mỹ vào tháng 6 năm 2020, gấp 8 lần so với tháng 1 năm 2018,.

Theo công ty phân tích Sensor Tower, TikTok là ứng dụng không phải trò chơi được tải xuống nhiều nhất trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2020, thu hút hơn 596 triệu lượt cài đặt ứng dụng, không tính đến phiên bản Trung Quốc là Douyin.

Thật ra, những nền tảng cơ bản của thuật toán mà TikTok sử dụng, tương tự với những thuật toán có trong những ứng dụng từ các tập đoàn công nghệ khác, dẫu vậy chính những tính năng riêng có mà mỗi công ty tích hợp vào đã tạo nên sự khác biệt của công cụ AI, Wong Kam-fai, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Trung văn Hương Cảng cho biết.

Wong vốn không phải là người đánh giá cao công cụ AI của TikTok, nhưng ông vẫn cho rằng một hệ thống đề xuất mới với dữ liệu người dùng mới có thể được xây dựng lại cho ứng dụng trong khoảng thời gian một năm hoặc lâu hơn, tuy nhiên việc mất đi công cụ hiện tại sẽ tạo nên một "tác động rất lớn" đến giá trị lúc này của TikTok.

Wong chỉ ra rằng một số người dùng, kế đó là các nhà đầu tư, nhiều khả năng sẽ không thể chờ đợi thêm một thời gian nữa để TikTok xây dựng lại một thuật toán mới.

"Bạn không thể chờ đợi để đội ngũ của họ xây dựng lại thuật toán của ứng dụng khi mà TikTok đã trở nên quá phổ biến với người dùng. Điều đó chẳng khác nào việc bạn phải ngưng xem chương trình TV yêu thích của mình vì lý do kỹ thuật… Tôi không nghĩ người dùng có thể chấp nhận điều này. Đối với những công ty sẵn sàng trả giá cho thương vụ như Microsoft và Walmart, cái họ cần là có thể mua lại ứng dụng và ngay lập tức kiếm lợi từ đó. Nếu phải chờ thêm một thời gian để mọi thứ có thể hoạt động trơn tru, có thể họ sẽ không còn mặn mà với thương vụ này nữa", Wong nói.

Dẫu vậy, không phải tất cả các chuyên gia đều cho rằng công cụ AI của TikTok thực sự độc đáo. Julian McAuley, phó giáo sư tại Đại học California San Diego, người nghiên cứu lĩnh vực này, cho biết: "Mặc dù TikTok có thể sẽ không tồn tại được nếu không có hệ thống đề xuất của mình, nhưng điều đó không có nghĩa hệ thống của họ có gì đặc biệt".

"Những nền tảng tác động ban đầu của hệ thống đề xuất là từ những công ty thương mại điện tử. Chẳng hạn như, Amazon đã sử dụng công nghệ gợi ý trong gần hai thập kỷ, mặc dù các hệ thống lúc đầu chỉ đề xuất sự liên quan giữa các mục đơn giản, hơn là thứ gì đó đầy phức tạp dựa trên máy học. Netflix cũng là một động lực lớn của công nghệ đề xuất vào giữa những năm 2000, với đỉnh điểm là Giải thưởng Netflix (2006), dẫn đến rất nhiều học thuật quan tâm đến công nghệ đề xuất", McAuley cho biết.

Tuy nhiên, trong thế giới điện thoại thông minh, công nghệ này đang bị chỉ trích vì vấn đề mà người dùng trong đời sống công nghệ hiện đại gặp phải, đó là "bong bóng bộ lọc" (filter bubble), theo cách nào đó bao quanh người dùng là những nội dung nhằm củng cố thành kiến của riêng họ và từ chối tất cả những thông tin không phù hợp với thế giới quan của cá nhân người dùng.

"Các công ty muốn tối ưu hóa các chỉ số tương tác và không muốn đưa vào những nội dung đa dạng hoặc thậm chí là cân bằng hơn nếu như điều đó làm ảnh hưởng đến các chỉ số chính của họ. Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà những nhu cầu đối với những thông tin bị cá nhân hóa cho bản thân chưa bao giờ cao như vậy", McAuley cho biết.

Giang Vu theo SCMP

Chủ đề khác