VnReview
Hà Nội

Thương vụ thâu tóm ARM của Nvidia gây ra phản ứng dữ dội trong ngành chip

Công ty Nvidia vừa thông báo đạt được thỏa thuận mua lại hãng bán dẫn ARM của SoftBank Group, trị giá 40 tỷ USD. Thương vụ này được cho là khiến các đối thủ cạnh tranh của Nvidia lo ngại về kiến trúc ARM.

ARM có một vị trí không thể cạnh tranh được trong ngành bán dẫn. Họ là công ty cung ứng thiết kế và các bản quyền sở hữu trí tuệ (IP) cho hầu hết các công ty trong ngành, cấp phép công nghệ chip tới các khách hàng nổi tiếng như Intel, Qualcomm, Samsung, MediaTek, Apple,...

Chính việc thúc đẩy cấp phép công nghệ thay vì tự cạnh tranh với khách hàng đã giúp công ty mở rộng tầm ảnh hưởng. Ước tính, hiện đang có tới 160 tỷ chip bán dẫn trên thế giới vận hành dựa trên nền tảng ARM cung cấp. Một hệ sinh thái khổng lồ trải dài từ smartphone trong tay bạn cho tới máy nướng bánh mì, hay bất cứ thứ gì không cần đến hiệu suất quá mạnh mẽ.

Nvidia chi 40 tỷ USD thâu tóm ARM (ảnh: FT)

Phó chủ tịch của hãng nghiên cứu CCS Insights cảnh báo, thương vụ hàng chục tỷ USD có nguy cơ bị phản đối từ chính các khách hàng của ARM hiện tại. Bởi nhiều trong số này đang cạnh tranh với chính Nvidia. Nếu thương vụ diễn ra trót lọt, "việc Nvidia tiếp quản thành công ARM sẽ gây bất lợi tới hệ sinh thái công nghệ bán dẫn này" - Geoff Blader cho biết.

Hoạt động độc lập là yếu tố quan trọng đóng góp cho thành công ngày hôm nay của ARM. Nếu họ đánh mất điều đó, giá trị của công ty sẽ bắt đầu bị xói mòn trong mắt các đối tác. Về cơ bản, không ai lại muốn đối thủ thâu tóm công ty đang cung cấp các công nghệ cơ bản tạo nên sản phẩm của mình. Trong khi đó, CEO của Nvidia lẫn ARM lại khẳng định với Reuters rằng họ sẽ không can thiệp vào hoạt động của công ty.

Công ty Mỹ hứa hẹn sẽ duy trì trụ sở chính của ARM ở Anh quốc, cũng như đảm bảo mô hình cấp phép hiện tại vận hành bình thường. Thậm chí Nivdia còn có ý định đưa thêm một số công nghệ của mình vào chương trình cấp phép. Đó là các thiết kế cơ bản dành cho GPU, nhằm tiếp cận mạng lưới khách hàng của ARM.

Thương vụ được cho là sẽ bị phản đối bởi các khách hàng của ARM do lo ngại mất cân bằng cạnh tranh (ảnh: Techspot)

Nvidia "nhấn mạnh rằng ARM vẫn sẽ tiếp tục là một đơn vị cung ứng trung lập, họ không được can thiệp vào bất kỳ hoạt động cấp phép nào của công ty Anh. Thậm chí cả khi đó là công ty đang có sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Nvidia" - nhà phân tích tại The Linley Group nói.

Tuy nhiên, sau khi được công bố vài giờ đã có những lo ngại đầu tiên về tính cân bằng bị phá vỡ bởi thỏa thuận. Một giám đốc Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc sẽ căm ghét chuyện đó". Lý do bởi Nvidia là công ty Mỹ và Mỹ đang đàn áp ngành bán dẫn Trung Quốc. Họ lo ngại việc hợp tác với ARM có thể bị tác động vì động cơ chính trị.

Một số quan chức cấp cao tại Hàn Quốc cũng lo ngại tương tự. Theo họ, việc Nvidia là một hãng làm chip lại trở thành công ty mẹ của ARM sẽ khiến áp lực cạnh tranh của Qualcomm, Samsung và nhiều hãng khác gia tăng. Đặc biệt là trong lĩnh vực xe tự lái và Internet of Things, ví dụ tăng phí cấp phép bản quyền hòng tạo lợi thế cho Nvidia dẫn trước.

Ngành công nghiệp có thể hướng tới các kiến trúc thay thế ARM sau thương vụ (ảnh: MyBoardband)

Một nguồn tin ngành công nghiệp Hàn Quốc cho biết: "Các khách hàng ARM có thể tìm tới giải pháp thay thế trong dài hạn". Theo Blader của CCS Insights, thương vụ này sẽ thúc đẩy các công ty đầu tư vào RISC-V, một công nghệ thay thế cho nền tảng ARM mã nguồn mở. RISC-V hiện đang không bị kiểm soát bởi bất kỳ công ty lớn nào, biến nó thành ứng cử viên sáng giá.

Một nguồn tin thân cận khác từ Mỹ cũng đồng tình, cho rằng Nvidia tiếp quản ARM sẽ khiến các hãng lớn lo ngại. Họ sẽ đổ tiền đầu tư vào RISC-V và hướng tới thay thế thiết kế ARM trong dài hạn.

Ambitious Man

Chủ đề khác