VnReview
Hà Nội

Kể từ hôm nay 15/9, Huawei sẽ sống sao sau khi bị Mỹ cách ly khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu?

Bắt đầu từ ngày 15/9, chế tài Mỹ áp đặt lên Huawei chính thức có hiệu lực. Tất cả các nhà cung ứng sẽ không được giao hàng chứa công nghệ của Mỹ tới Huawei, nếu không có giấy phép từ chính phủ Mỹ.

Bất cứ sản phẩm nào được làm ra có dính dáng tới công nghệ Mỹ đều phải được cấp phép từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, nếu muốn giao tới công ty Trung Quốc. Quy định này sẽ ảnh hưởng tới một danh mục linh kiện trải dài, từ chip điều khiển màn hình cho tới thấu kính camera, bảng mạch in (PCB). Hãng Trung Quốc được cho là đã tích trữ hầu hết các loại chip quan trọng kể từ cuối năm 2018, nhưng vấn đề là liệu chúng có đủ?

Wu Chia-chau, Chủ tịch của Nanya Technology, nhận xét: "Linh kiện điện tử cực kỳ phức tạp. Chỉ cần bạn thiếu bất kỳ linh kiện nào trong danh mục, sản phẩm sẽ không thể lắp ráp hoàn chỉnh - smartphone, laptop, trạm gốc". Giám đốc của Viện Nghiên cứu An ninh & Phòng thủ Quốc gia Đài Loan là ngài Su Tze-yun nói rằng, Huawei có thể tìm đến những linh kiện chất lượng kém hơn để thay thế.

"Tuy nhiên, điều đó sẽ làm giảm sức cạnh tranh và kéo lùi họ 10 năm so với đối thủ" - Su nói.

Huawei có thể bị sụp đổ vì lệnh cấm vận của Mỹ? (ảnh: Reuters)

Nhưng đó chưa phải điều tồi tệ nhất với công ty Trung Quốc. Với lượng nhân viên toàn cầu lên tới hơn 190.000 người cùng doanh thu hàng năm hơn 124 tỷ USD, họ đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt các nhân tài. Hàng trăm người đã rời bỏ Huawei để tới làm việc cho các công ty đối thủ.

Và đằng sau đó là bức tranh lớn hơn của ngành công nghiệp. Các đơn vị cung ứng buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất và kinh doanh vì bị mất một khách hàng lớn. Các đối thủ cạnh tranh của Huawei như Apple, Samsung, Xiaomi, Oppo, Vivo, Ericsson, Nokia,... cũng phải sắp xếp lại chiến lược kinh doanh để nhanh chân chiếm lấy phần mà Huawei để lại.

Vì sao Mỹ muốn triệt hạ Huawei?

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Huawei trong vài năm gần đây có liên hệ mật thiết tới tham vọng của chính phủ Trung Quốc, điều đó khiến Mỹ quan ngại. Mọi chuyện trở nên căng thẳng kể từ khi con gái ông Nhậm Chính Phi và cũng là CFO của Huawei bị bắt giữ ở Canada. Mỹ cáo buộc bà đã vi phạm lệnh cấm vận Iran của Mỹ, cố tình thực hiện những giao dịch lén lút cuối năm 2018.

Căng thẳng bắt đầu từ khi CFO Huawei bị bắt giữ tại Canada

Sau đó, Mỹ tiến thêm một bước khi đưa Huawei vào danh sách thực thể không đáng tin cậy, buộc công ty Trung Quốc không được tiếp cận với công nghệ Mỹ. Các hãng như Micron, Qualcomm, Google muốn làm ăn với Huawei phải xin được giấy phép chấp thuận từ chính phủ. Một năm sau, những lệnh cấm mới được đưa ra lại càng siết chặt hơn trước.

Theo cập nhật mới nhất, ngay cả những nhà cung ứng không phải công ty Mỹ như TSMC (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc),... cũng phải xin giấy phép nếu muốn thực hiện giao dịch với Huawei. Bởi vì sản phẩm của họ có sử dụng công nghệ xuất phát Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Huawei bị cô lập bởi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có bao nhiêu hãng đã xin được giấy phép?

Mặc dù đã có một số công ty cho biết đang xin giấy phép theo quy định, nhưng vẫn không rõ Mỹ đã đồng ý với những trường hợp nào. Trong số các hãng công nghệ Mỹ, có hai hãng xác nhận đã có được giấy phép là Intel và Qualcomm.

Hai hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới là Samsung và Sk Hynix đang cố xin giấy phép để làm ăn tiếp với Huawei (ảnh: AnandTech)

Ở bên ngoài, MediaTek của Đài Loan cũng tiết lộ với báo;Nikkei là đã nộp đơn xin giấy phép. Các công ty Hàn Quốc như Samsung Electronics, Samsung Display, SK Hynix cũng đã bắt đầu xin được cấp phép để nối lại hoạt động kinh doanh với Huawei.

Riêng TSMC, hãng đúc chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, vẫn chưa cho biết có nộp đơn xin cấp phép hay không.

Kinh doanh smartphone của Huawei sẽ ra sao?

Trước lúc thời khắc sinh tử ập đến, Huawei đã kịp hoàn thành tham vọng lật đổ Samsung để trở thành hãng smartphone lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, niềm tự hào của hãng là con chip Kirin cài đặt trên các flagship không còn trụ vững được nữa. Huawei đã phải thừa nhận rằng họ không còn tiếp tục phát triển thế hệ Kirin mới vì mất đi năng lực sản xuất chip, xuất phát từ đối tác TSMC dừng giao dịch sau ngày 15/9.

Đồng thời, hệ điều hành tự xây dựng HarmonyOS 2.0 cũng sẽ bắt đầu thay thế hoàn toàn Android kể từ năm sau. Bởi Huawei không còn khả năng có thể làm việc cùng Google được nữa. Như vậy là hai thành phần quan trọng nhất của một chiếc smartphone - bộ xử lý di động và hệ điều hành - đều phải chịu tổn thất nặng nề.

Huawei buộc phải chuyển sang sử dụng hệ điều hành riêng từ năm sau (ảnh: FT)

Huawei đang dần mất đi thị trường châu Âu, nơi từng là khu vực tiêu thụ smartphone Huawei mạnh nhất bên ngoài Trung Quốc. Doanh số quý 2 của họ tụt 16%, trong khi Samsung và Xiaomi lại tận hưởng tăng trưởng lần lượt 20% và 48%. Tất cả đều dự đoán rằng, Samsung cùng Xiaomi, Oppo sẽ chạy đua hòng giành giật khoảng trống mà Huawei để lại.

Donnie Teng của công ty chứng khoán Nomura Securites cho biết số phận của smartphone Huawei đang rất bất định. "Đối với flagship Mate 40 sắp tới, chúng tôi dự đoán rằng ngay cả thị trường Trung Quốc quê nhà cũng không giúp được gì" - ông cho biết. Thị phần smartphone toàn cầu của công ty sẽ nhanh chóng bị cuốn đi theo lệnh cấm vận, khi họ phải chắt chiu đến từng linh kiện điện tử.

Năm 2019, Huawei đạt doanh số 240 triệu máy nhưng đến năm nay, con số có thể chỉ còn 195 triệu đơn vị. Và đến 2021, giảm tiếp xuống còn 50 triệu, theo hà phân tích Jeff Pu của GF Securities dự đoán. Chỉ sau hai năm, họ bị thiệt hại tới 80% doanh số do Mỹ đàn áp.

Sản phẩm của Huawei tại châu Âu rất được ưa chuộng nhưng đã bị lệnh cấm phá hủy tất cả (ảnh: EISA) 

Vậy phần còn lại của Huawei thì sao?

Kinh doanh viễn thông đã là nền tảng cho sự tăng trưởng của Huawei cũng như tham vọng của chính quyền Bắc Kinh. Từ một năm trước, họ đã bắt đầu tích trữ chip nhiều nhất có thể. Tuy nhiên vì công ty phải gấp rút tái thiết kế sản phẩm và loại bỏ những thành phần liên quan tới Mỹ, việc cài đặt trạm gốc 5G của Trung Quốc đã bị chậm lại.

Ở một số quốc gia như Anh, Huawei đã bị giới hạn tham gia vào mạng lưới viễn thông. Vì họ vẫn là hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất cũng như ký được hợp đồng xây dựng hạ tầng 5G nhiều nhất hiện nay, lệnh cấm của Mỹ sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới cả các khách hàng của công ty Trung Quốc.

Khi Huawei không thể hoàn thành nhiều đơn hàng cũng như ký thêm hợp đồng mới, các đối thủ như Samsung, Ericsson, Nokia, NEC và Fujitsu sẽ hưởng lợi. Trong số này, Samsung được cho là thu lợi ích lớn nhất khi Huawei xuống dốc. Bằng chứng là hợp đồng viễn thông 6,7 tỷ USD công ty vừa ký với nhà mạng Mỹ Verizon.

Điện thoại và thiết bị mạng Samsung sẽ "ngư ông đắc lợi" khi Huawei bị cấm vận

Các nhà cung ứng chịu ảnh hưởng như thế nào?

Doanh thu tháng của MediaTek đã tăng vọt 42%. Novatek, một hãng cung cấp chip điều khiển màn hình (DDIC), cũng báo cáo doanh thu tháng tăng 30%. Còn TSMC đạt tăng trưởng 16%. Trong ba tháng từ tháng Sáu tới tháng Tám, tổng giá trị xuất khẩu của Đài Loan tới Trung Quốc đã nhảy vọt 30%. Tất cả là vì gấp rút gửi thật nhiều hàng hóa tới cho Huawei, tích trữ trước khi lệnh cấm Mỹ có hiệu lực.

Nhưng đó chỉ là quãng thời gian khi còn có thể kinh doanh tự do với công ty Trung Quốc. Doanh thu sẽ giảm mạnh khi không còn chuyến hàng nào được gửi đi nữa, cần có thời gian để họ cân bằng trở lại khi bù đắp bằng các hợp đồng mới. Ví dụ TSMC, công ty có 20% doanh thu đến từ Huawei. Nhanh chóng sau khi bị Mỹ áp đặt, họ đã bổ sung đơn hàng từ Apple, Nvidia, AMD.

Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp nào cũng có thể xoay sở kịp với tình hình mới. ASE Tech là hãng đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới dự báo sẽ chịu suy giảm doanh thu năm nay nặng nề. Còn Samsung và SK Hynix cũng tỏ ra kém lạc quan. Ngay cả Sony cung cấp cảm biến hình ảnh cho điện thoại Huawei cũng dự báo bị thất thu hàng tỷ USD vì lệnh cấm.

Ambitious Man

Chủ đề khác