VnReview
Hà Nội

Sau 20 năm, Mac OS X Public Beta đã mở ra kỷ nguyên mới cho máy Mac như thế nào?

Vào ngày 13/9/2000, Apple tung ra Mac OS X Public Beta, phiên bản OS X dành cho người dùng đại trà đầu tiên được trang bị thanh Dock.

Nó còn là phiên bản Mac OS đầu tiên có giao diện Aqua bắt mắt, đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới dành cho máy Mac, và là thứ để lại dấu ấn mạnh mẽ cho đến tận 20 năm sau.

Phao cứu sinh cho Apple

Vào cuối thập niên 1990, hệ điều hành Mac OS cổ điển của Apple đã biểu hiện rõ sự già cỗi. Nó không hỗ trợ bộ nhớ được bảo vệ, đa nhiệm ưu tiên, hay kiểm soát quyền truy cập ở cấp độ người dùng. Nó còn dễ gặp những tình huống treo cứng hệ thống.

Thiết kế giao diện của Mac OS lúc bấy giờ cũng tụt lại đằng sau so với Windows. Apple biết rằng Mac OS cần một đợt tái thiết kế toàn diện từ gốc đến ngọn. Tuy nhiên, vấn đề tương thích phần mềm đã buộc Apple phải duy trì kiến trúc hệ thống cơ bản mà hãng đã sử dụng từ năm 1984.

Giao diện desktop của Mac OS X Public Beta

Sứ mệnh tìm kiếm giải pháp thay thế cho Mac OS cổ điển là một quá trình dài hơi và đầy rắc rối, với sự góp mặt của nhiều dự án nội bộ, đồng thời Apple còn phải tìm kiếm một mục tiêu thâu tóm có thể mang lại cho họ những công nghệ mới. Và Apple quyết định mua lại NeXT của Steve Jobs vào năm 1997 với ý định biến hệ điều hành NeXTSTEP của hãng thành bộ khung cho một phiên bản Mac OS mới, hiện đại hơn.

Sau khi giao trọng trách cho đội ngũ phát triển NeXT của Steve Jobs, Apple bắt đầu đánh giá lại những nhu cầu của người dùng Mac cổ điển và tìm cách biến NeXTSTEP trở nên dễ tiếp cận hơn đối với một lượng lớn người dùng. Kết quả là họ cho ra Mac OS X.

Không như Mac OS cổ điển (nhưng giống như NeXTSTEP), Mac OS X được dựa trên một nhân BSD giống Unix gọi là Darwin. Điều này giúp hệ điều hành trở nên cực kỳ ổn định và xây dựng nên nền tảng cho phép Mac trở thành một nền tảng tuyệt vời dành cho các nhà phát triển. Các phiên bản hiện đại sau này của macOS vẫn dựa trên nhân Darwin.

Sau khi một vài phiên bản beta sớm của OS X được chuyển đến tay các nhà phát triển vào đầu năm 2000, Apple quyết định bán hệ điều hành mới này dưới dạng đĩa CD-ROM thông qua website của mình với giá 29,95 USD để người dùng Mac có thể tự mình thử nghiệm phần mềm mới.

Đĩa CD Mac OS X Public Beta được bán trên website Apple thời đó

Các khách hàng đã mua đĩa CD cũng sẽ được giảm giá 30 USD khi mua Mac OS X 10.0 sau này (phiên bản Public Beta hết hạn vào ngày 14/5/2001). Một năm rưỡi là quãng thời gian quá đủ để mọi người có thể thử nghiệm hệ điều hành mới và trao đổi những ý kiến đóng góp giá trị cho Apple.

Cuộc cách mạng Aqua

Vào năm 1999, Apple tung ra một phiên bản ban đầu của OS X dựa trên các nguyên mẫu gọi là Rhapsody. Nó về cơ bản chính là NeXTSTEP được phủ giao diện Platinum của Mac OS cổ điển.

Dù mang trong mình nhiều công nghệ mới, diện mạo nhàm chán của Rhapsody không gây được sự hào hứng với nhiều người. Nó cũng không mang lại cảm hứng cho các nhà phát triển, những người lúc bấy giờ tỏ ra khá cáu kỉnh bởi phải viết lại phần mềm Mac của họ cho nền tảng mới.

Giao diện Platinum trên Mac OS 9 (phía sau) và Aqua trên Mac OS X (phía trước)

Apple biết rằng họ sẽ cần một thứ gì đó đặc biệt mới mong thu hút được thêm sự chú ý. Công ty liền âm thầm bắt tay vào nghiên cứu một giao diện mới hào nhoáng gọi là Aqua. Giao diện này hỗ trợ các biểu tượng cỡ lớn, bóng đổ, và các thành phần trong suốt. Các nút bấm đầy màu sắc cùng nhiều thứ khác cũng có diện màu trong mờ đầy tươi mới.

Giao diện Aqua là một bất ngờ lớn khi Steve Jobs lần đầu công bố nó tại Macworld Conference and Expo vào tháng 1/2000 (video bên dưới). Trong bài giới thiệu, Jobs đã phấn khích trình diễn những tính năng đồ hoạ mà ngày nay chúng ta xem là hiển nhiên phải có, như bóng đổ bên dưới các cửa sổ, phóng lớn các biểu tượng, và các biểu tượng độ phân giải cao.

Steve Jobs giới thiệu giao diện Aqua

Giao diện Aqua đã thay đổi qua năm tháng, ngày nay Apple không còn nhắc đến nó bằng cái tên này nữa. Dẫu vậy, nó vẫn là bộ khung của giao diện macOS Catalina ra mắt năm ngoái.

Mac OS X Dock cũng xuất hiện trong màn demo vào tháng 1/2000 đó. Nó mang lại một giải pháp linh hoạt và tiện lợi để khởi chạy và quản lý các ứng dụng. Nó còn mang lại cho Mac OS chức năng tương tự taskbar của Windows, nhưng đẹp hơn nhiều.

Những điểm tương đồng và khác biệt đáng chú ý

Sự giống nhau giữa Mac OS X Public Beta 20 năm trước và macOS Catalina hiện nay là cực kỳ ấn tượng. Chúng đều có Dock, biểu tượng độ phân giải cao, ba nút điều khiển cửa sổ (đỏ, vàng và xanh lá), hỗ trợ PDF, và chạy trên nền Darwin.

Thanh Dock trên Mac OS X Public Beta

Mac OS Public Beta cũng có một lượng lớn các ứng dụng tích hợp sẵn mà hẳn người dùng Mac đã quen thuộc: Preview, Mail, TextEdit, Address Book, Stickies, QuickTime, Calculator, và một phiên bản ban đầu của trò Chess nữa.

Thư mục Applications trên Mac OS X Public Beta

Mac OS X Public Beta hiển nhiên có một số điểm khác biệt đáng chú ý so với Mac OS X và các bản macOS về sau. Một trong số đó là logo Apple nằm ở trung tâm của menu bar thay vì ở góc trên bên trái.

Logo Apple nằm ở trung tâm menu bar

Dù giao diện sọc kẻ và các nút bấm trong mờ như những viên kẹo của Mac OS X Public Beta được giữ lại cho đến Mac OS X 10.2, chúng đã được thay thế bởi giao diện trông như kim loại phay xước trên Mac OS X 10.3 Panther.

Mac OS X Public Beta còn thiếu một số chức năng tiện lợi, như Expose, Widgets, Notifications, và Launchpad. Nó cũng không có App Store, vốn chưa hiện hữu cho đến năm 2011 trên OS X 10.6 Snow Leopard.

Một số ứng dụng nổi bật khác cũng vắng mặt. Thay vì Safari (ra mắt năm 2003), Mac OS X Public Beta đi kèm với một phiên bản Internet Explorer với giao diện Aqua đặc biệt.

Internet Explorer trên Mac OS X Public Beta

Nó còn được trang bị một ứng dụng tìm kiếm tiên tiến gọi là Sherlock, sau này được thay thế bởi Spotlight.

Bạn cũng sẽ không tìm thấy iTunes hay Apple Music, mà chỉ có một trình chơi nhạc đơn giản tên Music Player, có chức năng chơi CD hay MP3. Tuy nhiên, bộ ứng dụng khá đa dạng tích hợp sẵn cũng đã khiến Mac OS X Public Beta trông tương đối hiện đại rồi.

Di sản tiếp nối

Avie Tevanian, cựu giám đốc công nghệ phần mềm tại Apple, và là một nhà phát triển Mac OS X, từng nói rằng Apple thiết kế OS X với tầm nhìn rằng hệ điều hành này sẽ hoạt động tốt trong từ 20-30 năm.

Vào năm 2000, 30 năm rõ ràng là một quãng thời gian dài không tưởng để một kiến trúc phần mềm có thể tồn tại và hoạt động hiệu quả. Ấy thế nhưng, khi chúng ta sắp tiến đến cuối năm 2020, OS X (nay là macOS) vẫn tiếp tục đảm đương những cỗ máy Mac ngày một hiện đại và mạnh mẽ hơn. Và nó có lẽ sẽ tiếp tục làm điều đó trong ít nhất một thập kỷ tới, dù Apple có đang tính đến khả năng chuyển đổi kiến trúc nền tảng đi chăng nữa.

Minh.T.T (Tham khảo;HowToGeek)

Chủ đề khác