VnReview
Hà Nội

"Thành phố iPhone" tấp nập chưa từng có, công nhân lắp ráp ngay sau vài giờ tuyển

Đơn xin việc chất đống mỗi ngày, ngay cả người chưa từng có kinh nghiệm lắp ráp cũng được nhận vào nhà máy, đây là tình trạng sản xuất tại nơi chuẩn bị cho hàng triệu đơn hàng iPhone 12 sắp tới trên khắp thế giới.

Hôm 14/10 vào lúc 0h Việt Nam, loạt sản phẩm iPhone mới đã ra mắt sau thời gian dài chờ đợi. Chỉ còn không lâu nữa, 4 mẫu iPhone 12 sẽ "đổ bộ" ra thị trường do đó Apple đang gấp rút chuẩn bị để đáp ứng đủ nhu cầu mua của người dùng. Thời điểm này, tại phân xưởng lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới của Apple ở Đài Loan, Foxconn, mọi công việc đang được đẩy lên mức cao nhất. Từ khâu tuyển dụng nhân lực đến sản xuất đều hoạt động hết công suất vì lần này có tới 4 máy iPhone.

Theo SCMP, mỗi ngày, trung tâm tuyển dụng của gã khổng lồ công nghệ Foxconn cứ "đều đều" nhận được tới khoảng 2.000 đơn xin việc cho vị trí lắp ráp, những công nhân ứng tuyển này có thể đến từ bất cứ nơi nào nhưng phần lớn là người di cư.

Trung tâm lắp ráp iPhone của Apple lớn nhất thế giới, nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu iPhone 12

Trong những ngày này, tình trạng người đến xin việc tại Foxconn luôn luôn đông đúc, diễn ra nhanh chóng và từ rất sớm. Theo đó, ngay từ lúc bình minh đã có hàng loạt ứng viên đến nộp đơn và sau khi vừa có tin trúng tuyển thì họ không cần đợi quá lâu, chỉ nội trong chiều hôm đó, đã có thể đến phân xưởng để bắt đầu công việc lắp ráp của mình. Tại đây, ban điều hành công ty cho biết họ chỉ mất vài giờ để biến công nhân nhập cư trẻ hoặc không có tay nghề từ các vùng nông thôn Trung Quốc thành một "tay lão luyện" trong dây chuyền sản xuất.

Ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, khung cảnh đông nghẹt người tại trung tâm tuyển dụng của nhà máy Foxconn xuất hiện từ sáng tới đêm. Tuy vậy, mọi thứ không hề có dấu hiệu trì trệ mà vẫn diễn ra trơn tru, nhanh chóng như một cỗ máy vừa được "bôi nhớt". Chỉ cần đủ điều kiện ứng tuyển thì người đó sẽ được đưa vào xưởng sau vài giờ, không riêng mỗi trung tâm tuyển dụng ở Trịnh Châu mà các nơi tuyển dụng khác của Foxconn cũng vậy.

Bên ngoài các khu vực ứng tuyển, hàng trăm người đã xếp hàng chờ đợi từ trước với tâm trạng đầy háo hức. Xe buýt và tàu cao tốc đi qua đi lại liên tục để phục vụ nhu cầu sử dụng của hàng nghìn người. Mặc dù chưa biết được nhận hay không nhưng ai cũng mang theo một khối hành lý, họ đều mong rằng đêm đầu tiên của mình sẽ là ở trong ký túc xá nhà máy, nơi dành cho công nhân chính thức.

Tiêu chuẩn để trúng tuyển tương đối thấp và đơn giản, cụ thể, chỉ cần có thân hình tốt cũng như nằm trong trong độ tuổi từ 16 đến 48 thì các ứng viên đều có khả năng cao được nhận vào làm lắp ráp ở nơi được mệnh danh là "thành phố iPhone" này.

Người tìm việc xếp hàng dài bên ngoài cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam

Bằng chứng từ một công nhân nữ mới được nhận gần đây cho thấy để vào Foxconn dễ như thế nào. Cô này mới ngoài 20 tuổi và theo chia sẻ thì cô ấy chưa bao giờ làm việc trong bất kỳ nhà máy sản xuất thiết bị điện tử nào trước đây, thay vào đó, chỉ có tay nghề y tá do trong quá khứ đã được đào tạo tại một trường dạy nghề. Tuy vậy, giờ cô đã nhân viên lắp ráp iPhone chính thức mặc dù lúc đầu quyết định nộp đơn vào Foxconn "chỉ cho vui". Cô nói: "Tôi thấy mệt mỏi khi làm y tá nên thử ứng tuyển vào đây".

Nhu cầu về công nhân của Foxconn thời điểm này phải nói là "vô số kể" vì ngay trong tuần tới lô iPhone 12 đầu tiên sẽ được bán, hơn nữa, Apple cũng cần đủ số hàng có sẵn để khách hàng có thể đặt trước từ tuần này. Với số lượng máy cần chuẩn bị lớn đến như vậy, các nhà máy luôn ở trạng thái làm việc 24/7. Thêm vào đó, các nhà phân tích cũng kỳ vọng thế hệ iPhone 12 mới gồm nhiều cải tiến, đặc biệt hỗ trợ kết nối 5G sẽ có doanh số "ngất ngưởng" trong lần này.

Mặc dù hiện tại mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không được tốt do đang trong thời kỳ xung đột căng thẳng. Nhưng thực tế từ sự chuyên nghiệp của Foxconn ở khâu sản xuất iPhone thì không thể phủ nhận một điều rằng chưa ai bảo đảm được các khâu trong dây chuyền lắp ráp "con cưng" của Apple tốt như Trung Quốc. Với khả năng tổ chức lao động hiệu quả, chỉ tốn chi phí rẻ trên quy mô lớn, huy động được nguồn lao động khổng lồ thì đất nước này vẫn chưa có đối thủ trên thế giới dù họ vẫn đang chịu áp lực từ Mỹ.

Shen Chen, nhân viên bán hàng làm việc ở một trong những trung tâm tuyển dụng của Foxconn, cho biết họ nhận được ít nhất 2.000 đơn xin việc mỗi ngày. Thêm vào đó, cô chia sẻ thêm để tuyển đủ chỉ tiêu cho nhà máy, trung tâm luôn phải hoạt động liên tục từ thứ Hai đến thứ Bảy trong khung giờ 7 giờ sáng tới 4 giờ chiều.

Cô nhân viên này nói: "Mỗi ngày chúng tôi đều phải tuyển dụng và xử lý tất cả các đơn xin việc nhanh nhất có thể do sự "khát" nhân lực của các nhà máy. Mọi công đoạn tuyển dụng được diễn ra mau lẹ nhưng vẫn kỹ càng, nếu đủ điều kiện, công nhân chỉ tốn vài giờ để chờ đợi từ lúc nộp đơn đến khi nhận việc". Không phải tự nhiên mà nhiều người đổ xô vào Foxconn nhiều như vậy mà do chính sách đãi ngộ nhân viên của công ty này rất tốt. Cho nên khi cần nhân lực, gã khổng lồ công nghệ của Đài Loan không tốn quá nhiều thời gian để "thu thập".

Những công nhân của xưởng Foxconn tại tỉnh Hà Nam tiết lộ lý do họ đăng ký vào làm việc ở đây là vì phúc lợi cao và có ký túc xá cho công nhân. Đặc biệt, phải kể đến tiền thưởng, đây là một trong những điểm hấp dẫn nhất khi làm ở Foxconn. Cụ thể, công nhân mới vào có thể được lãnh tới 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.488 USD) nếu trong ba tháng đầu tiên làm tối thiểu được 55 ngày.

Hiện tại, tổng số công nhân đang làm việc cho nhà máy Foxconn tại Đài Loan rơi vào khoảng 250.000 người. Nhiều phóng viên từ các trang báo nổi tiếng đã đặt ra câu hỏi về các thỏa thuận làm việc chi tiết khi tuyển dụng số lượng lớn nhân công của Foxconn, tuy nhiên, công ty này từ chối tiết lộ và lấy lý do liên quan đến vấn đề "nhạy cảm thương mại".

Hành lý chất đống của những công nhân nhập cư bên ngoài cơ sở sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu khi họ làm thủ tục đăng ký

Khoảng một thập kỷ trước, nhà máy đầu tiên của Foxconn chỉ là một địa điểm "vô danh" nằm ở vùng nông thôn ngoại ô Trịnh Châu. Hồi đó, danh tiếng của Foxconn không mấy nổi tiếng. Không chỉ thế, công ty còn gặp khủng hoảng do xuất hiện một loạt các vụ tự tử của nhân viên trong năm 2010 tại nhiều cơ sở khác nhau. Chính điều này đã thu hút sự chú ý của truyền thông và khiến hoạt động của Foxconn bị trì trệ, thậm chí một số khách hàng "thân thiết", bao gồm cả Apple cũng công khai chỉ trích và tiến hành điều tra công ty công nghệ Đài Loan.

Sau thời gian khủng hoảng, ngày nay, khu phức hợp Trịnh Châu với sự có mặt của "anh lớn" Foxconn đã là một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất ở Trung Quốc, giúp đất nước này luôn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại đây, nhà máy Foxconn nhờ tiềm lực to lớn nghiệm nhiên là "trung tâm kinh tế" của các khu vực xung quanh. Hàng năm, khu công nghiệp đón một số lượng lớn những người trẻ tuổi đến làm việc, tất cả bọn họ đều được trả mức lương cao để duy trì ưu thế thị trường cho công ty.

Trong khi nhiều thành phố nội địa Trung Quốc đang phải hứng chịu làn sóng di cư của nhiều người trẻ thì khu vực xung quanh nhà máy Foxconn vẫn giữ được đông đúc. Trịnh Châu luôn có một bầu không khí sôi động ngang ngửa các khu mua sắm nổi tiếng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Hàng ngày, những người bán hàng rong với đa dạng loại hình từ bán quần áo, trái cây, đồ dùng trong nhà đến thức ăn nhẹ đứng chật cứng các con đường gần ký túc xá nhân viên của Foxconn. Một người bán mì cho biết mặc dù phải trả 100 nhân dân tệ "phí mặt bằng" mỗi ngày để có được một chỗ nhưng vẫn thấy vui vì đổi lại công việc của anh kinh doanh rất tốt. Giá tại đây tương đối rẻ, ví dụ, một tô phở nóng, sự lựa chọn của nhiều nhân viên nhà máy tan làm muộn, thường chỉ có giá 5 nhân dân tệ (tương đương 0,74 USD).

Ngoài ra, một đặc điểm nổi bật khác của khu vực này là có một số lượng lớn các trung tâm lao động giúp người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm. Chỉ tính riêng xung quanh Wojin Commercial Plaza đã có ít nhất 10 trung tâm tuyển dụng và chúng nằm liên tiếp nhau. Thời gian này, do Foxconn đang cần nhân lực, các trung tâm này đều tuyên truyền cho đối tác của Apple. Trong số đó, một cửa hàng phát qua loa cho biết nhà máy Foxconn đang tìm kiếm 20.000 công nhân. Đồng thời, các đại lý khác cũng tung ra những thông điệp rầm rộ như "Tin tốt, tin tốt, Foxconn đang tuyển dụng" hoặc "Hãy nắm bắt cơ hội vào làm ở Foxconn càng sớm càng tốt".

Bên ngoài một trung tâm tuyển dụng của Foxconn ở Trịnh Châu, những ứng viên vượt qua vòng phỏng vấn đang xếp hàng dài để đợi xe buýt đưa đi khám sức khỏe

Theo tiết lộ từ một trung tâm, toàn bộ quá trình tuyển dụng để làm việc tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới có thể chỉ mất vài giờ. "Nếu bạn kết thúc cuộc phỏng vấn trước 11 giờ sáng, bạn có thể đi kiểm tra sức khỏe và bắt đầu công việc vào buổi chiều", một đại diện trung tâm cho biết. Các trung tâm lao động không "giấu diếm" mà công khai đặt các bảng thông báo trình bày chi tiết về chính sách đãi ngộ, tiền lương và tiền làm thêm giờ, cũng như thông tin về chỗ ở, bữa ăn và các phúc lợi khác. Tại đây, không hiếm để bắt gặp cảnh người thân, vợ chồng cùng nhau đi xin việc.

Một cặp vợ chồng đến từ Yuzhou, Henan, là một trong số những người tìm việc đang xếp hàng tại trung tâm tuyển dụng, bọn họ, mỗi người xách một chiếc vali. Chàng trai trẻ này cho biết khi vừa nghe tin về đợt tuyển dụng lớn này của Foxconn từ một người họ hàng đang làm việc tại nhà máy thì anh cùng vợ đã đến nộp hồ sơ ngay.

Theo chia sẻ từ một số công nhân làm việc tại nhà máy, mức lương theo giờ hiện là khoảng 30 nhân dân tệ (4,50 USD). Về giờ làm, một số công nhân trả lời với phóng viên từ tờ South China Morning rằng kể từ tháng 8 mỗi ca của họ đã kéo dài 10 tiếng. Tại đây, vào những kỳ nghỉ lễ như Quốc khánh, những nhân viên đi làm sẽ được nhân ba lương một giờ, nghĩa là 90 nhân dân tệ.

Người dân địa phương nói rằng số lượng công nhân tại nhà máy đã tăng lên đáng kể so với trước khi bùng phát đại dịch, điều này cho thấy vai trò của Foxconn quan trọng như thế nào trong chuỗi cung ứng của Apple khi nhiều nơi trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với việc gián đoạn sản xuất do đại dịch. Nhờ thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 mà đa số những người xin việc đều ở trong thể trạng sức khỏe tốt nhất trước khi vào nhà máy. Tuy vậy, các xưởng sản xuất vẫn bắt buộc nhân viên phải đeo khẩu trang ở tất cả các khu vực.

Các gian hàng đồ hàng bày bán rất nhiều bên ngoài nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu

Coco Feng, người phụ nữ đã điều hành một nhà hàng gần nhà máy sản xuất của Foxconn gần bảy năm, cho biết rằng cửa hàng của cô ấy chưa bao giờ tấp nập và đông đúc như hai tháng gần dây. Chính sự kết hợp giữa nguồn cung lao động dồi dào, dịch vụ hậu cần tiên tiến và các chính sách hỗ trợ tốt của chính phủ đã khiến địa điểm Trịnh Châu trở thành cơ sở lý tưởng để sản xuất.

Bất chấp những lời bàn tán gần đây về việc nhiều công ty điện tử, điển hình như Foxconn, bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và chuẩn bị chuyển cơ sở sản xuất sang các thị trường khác như Ấn Độ, thậm chí sang Mỹ nhưng theo các chuyên gia đây là điều hoàn toàn "viển vông". Trung Quốc vẫn là nơi quan trọng nhất đối với các cơ sở lắp ráp, sản xuất thiết bị.

Hiện giờ, với những người đang tìm kiếm cơ hội việc làm ở một Trung Quốc hậu đại dịch, mối quan tâm hàng đầu không phải vấn đề "tách rời" giữa các công ty và Trung Quốc. Zhao, một nhân viên Foxconn cho biết: "Đó không phải là điều chúng tôi lo lắng. Điều chúng tôi quan tâm nhất là đi làm và được trả lương".

Chí Tôn (Tham khảo SCMP);

Chủ đề khác