VnReview
Hà Nội

Các hãng làm smartphone thuê của Trung Quốc đang phất lên nhanh nhờ Samsung

Samsung Electronics đang đẩy mạnh thuê ngoài (outsourcing) cho khẩu phát triển sản phẩm để duy trì mức chi phí cạnh tranh. Với sự thay đổi này, số lượng thiết bị được gia công ngoài đã chiếm đến hơn 1/3 số lượng thiết bị trên thị trường.

Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, chỉ trong vòng nửa đầu 2020, các sản phẩm được thuê ngoài đã chiếm tới 36% số lượng smartphone;toàn cầu. Theo ước tính, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm nữa, con số này sẽ tăng thêm 14%.

Xu hướng này bắt nguồn từ các đơn vị sản xuất vừa và nhỏ, nhưng rất nhanh chóng truyền bá rộng rãi ra toàn ngành, thậm chí, đến cả một ông lớn với túi tiền "rủng rỉnh" như Samsung cũng nhanh chóng "bắt trend". Outsourcing sẽ phần nào làm hạ nhiệt thị trường smartphone ở thời điểm hiện tại, tương tự những gì nó đã làm với thị trường TV màn hình phẳng trước đó.

Mặc dù outsourcing sẽ giúp giảm chi phí và giá bán cho người tiêu dùng, nhưng các nhà sản xuất sẽ mất đi khả năng tạo ra sự nổi bật trong thiết kế. Và đặc biệt, xu hướng này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty chuyên outsourcing, mà hầu hết đều tập trung ở Trung Quốc, nơi mệnh danh là công xưởng của thế giới.

Samsung đã từng là một nhà sản xuất tự hành mọi thứ từ khâu thiết kế cho đến sản xuất hàng loạt. Nhưng điều này đã nhanh chóng thay đổi, chỉ trong nửa cuối của 2019, tập đoàn Hàn Quốc bắt đầu tiến hành thuê outsourcing trên quy mô lớn, và hiện lại, Samsung đã có hơn 50 triệu thiết bị được gia công ngoài, chiếm đến 20% số lượng sản phẩm mỗi năm.

Samsung cho biết họ chỉ cho gia công ngoài với một số sản phẩm nhất định để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì hiện Samsung đang cung cấp các sản phẩm đa dạng phân khúc nhằm thích ứng với thị trường thế giới, nên việc tự gia công toàn bộ các sản phẩm sẽ không đạt được hiệu quả.

Điển hình với series Galaxy M, Samsung đã outsourcing hoàn toàn với dòng sản phẩm này để hạ giá sản phẩm xuống dưới mức 200 USD, nhằm đánh vào thị trường Ấn Độ cũng như các thị trường mới nổi khác. Vậy còn Apple thì sao? Mặc dù iPhone cũng được Apple tiến hành outsourcing, nhưng họ vẫn tự thực hiện các công đoạn thiết kế, bao gồm cả đặc điểm kỹ thuật của các bộ phận, đó là cách mà hãng giữ lại khả năng tạo sự khác biệt trong thiết kế của mình.

Trước khi Samsung tham gia vào cuộc chơi outsourcing thì các hoạt động này chủ yếu tập trung quanh các nhà sản xuất vừa và nhỏ. Điển hình như Xiaomi, toàn bộ quá trình phát triển sản phẩm của hãng này đều được outsourcing.

Theo Atsushi Osanai, một giáo sư tại Đại học Waseda tại Tokyo đồng thời cũng là một chuyên gia về quản lý công nghệ, một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động outsourcing là do sự thương mại hóa ngày một gia tăng với các sản phẩm smartphone. Các nhà sản xuất phải chạy đua trong quá trình sản xuất màn hình, camera hay các bộ phận khác để đảm bảo các thiết bị được bán ra trên các thị trường nhỏ cũng có thể giữ một số tính năng nhất định.

Có thể thấy ngoại trừ phân khúc cao cấp, tâm điểm cạnh tranh của thị trường smartphone đang là giá cả sản phẩm, và việc outsourcing sẽ cho phép các nhà sản xuất có thể hạn chế chi phí phát sinh. Chi phí sản xuất sẽ giảm xuống nhờ vào việc sử dụng các bộ phận đại trà và chuyên môn thiết kế chi phí thấp từ các nhà cung cấp dịch vụ.

Theo Counterpoint, đa số các sản phẩm được gia công ngoài sẽ có mức giá từ 150 USD trở xuống. Và outsourcing đã đẩy số lượng smartphone tung ra thị trường vượt đỉnh: khoảng 570 triệu thiết bị đã được bán ra chỉ trong vòng nửa năm. Và nói gi đi nữa thì các thiết bị có mức giá thấp này cũng đang đóng vai trò rất quan trọng với việc phát triển tại các thị trường mới nổi, nơi vẫn còn nhiều "đất diễn" cho các nhà cung cấp.

Các đơn vị outsourcing trong ngành smartphone sẽ được chia thành hai loại là OEM (Original Equipment Manufacturer – đơn vị sản xuất thiết bị gốc) và ODM (Original Design Manufacturing – Đơn vị sản xuất thiết kế gốc). Về ODM, đây sẽ là các đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu thiết kế đến sản xuất hàng loạt.

Gần đây thì loại hình ODM đã và đang tăng trưởng rất mạnh. Họ sẽ nhận các đơn đặt hàng từ khách hàng, gồm các yêu cầu về hình thức bên ngoài cũng như thông số kỹ thuật. Sau đó, các đơn vị này chịu trách nhiệm xử lí các bản thiết kế, lắp ráp các bộ phận và cuối cùng là cung cấp các thiết bị hoàn chỉnh mang thương hiệu chủ quản.

Và, không mấy bất ngờ khi cả ba đơn vị outsourcing lớn nhất thế giới đều tập trung ở Trung Quốc, chiếm đến 70% thị phần trong thị trường dịch vụ này. Trong số đó, dẫn đầu là Huaqin Technology tại Thượng Hải, đơn vị này đã tăng trưởng đến 80% số lượng thiết bị sản xuất chỉ trong vòng nửa năm nhờ vào các đơn đặt hàng từ Samsung. Vào năm ngoái, Huaqin đã kêu gọi được 1 tỷ nhân dân tệ vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Intel hoặc Qualcomm. Phần lớn số vốn đầu tư khổng lồ đó đều được đơn vị này đổ vào mở rộng quy mô sản xuất.

Đơn vị đứng thứ hai, Wingtech Technology, thành lập từ năm 2006 với vai trò là một đơn vị outsourcing về thiết kế. Nhưng sau đó họ đã chuyển đổi hình thức sang ODM vào năm 2008 sau khi xây dựng các nhà máy và bắt đầu tăng trưởng nhờ vào các đơn hàng từ Xiaomi.

Hiện tại, Wingtech đã mở rộng danh mục sản xuất sang tai nghe không dây và một số thiết bị khác, và theo phân tích của công ty Cinda Securuties (Trung Quốc) thì sự mở rộng này sẽ đưa Wingtech lên đà tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới. Nào năm ngoái, Wingtech còn mua lại Nexperia, một công ty bán dẫn của Hà Lan từ tay một công ty quản lý tài sản Trung Quốc.

Nói thêm một chút về ODM thì loại hình này bắt đầu xuất hiện từ năm 1990 trong ngành sản xuất PC. Sau đó đến TV, và theo thống kê thì hiện có đến 40% các sản phẩm TV trên thị trường được sản xuất theo mô hình này. Nhìn vào cách các nhà sản xuất cạnh tranh về giá bán cũng như mức độ tăng trưởng hiện tại, ODM chắc chắn sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp smartphone, nhưng nó sẽ gây khó cho các nhà sản xuất muốn tạo sự khác biệt.

Hệ quả của hoạt động outsourcing cho thấy các nhà sản xuất smartphone nên cố gắng để cân bằng khối lượng công việc giữa nội bộ công ty với các đơn vị ngoài trong các khâu phát triển sản phẩm, nhưng nhìn qua sự tăng trưởng liên tục của các đơn vị outsourcing từ Trung Quốc thì rõ ràng, sức hút từ hoạt động này là "không thể chối từ". Một đại diện sản xuất linh kiện điện tử tại Nhật Bản đang hợp tác với Samsung và Oppo đã nhận xét về các đơn vị outsourcing Trung Quốc rằng: "Họ sở hữu những chuyên gia hàng đầu trong việc lắp ráp các linh kiện và thiết kế sản phẩm giá rẻ."

Trần Vũ Đức

Chủ đề khác