VnReview
Hà Nội

Cùng là hệ sinh thái phụ kiện nam châm, Motorola thất bại nhưng Apple lại đi đúng hướng với MagSafe

Motorola trên thực tế đã từng tận dụng sức mạnh của nam châm từ lâu trước khi iPhone 12 xuất hiện. Nhưng nếu như Motorola thất bại, thì Apple nhiều khả năng sẽ thành công.

Bốn năm trước, nam tài tử Ashton Kutcher đứng trên sân khấu triển lãm Tech World của Lenovo tại San Francisco và vén màn một dòng smartphone hoàn toàn mới - Moto Z. Anh gọi chúng là "một thế lực thực sự thay đổi cục diện cuộc chơi". Tại sao? Bởi dòng điện thoại Motorola mới này được trang bị 4 nam châm bên trong vỏ máy. Bạn có thấy quen quen không?

Với các nam châm này, người dùng sẽ có thể gắn một loạt các phụ kiện từ Motorola, gọi là Moto Mods, vào mặt lưng của thiết bị Moto Z mới của họ. Các phụ kiện này bao gồm một module tương tự máy chiếu có thể hiển thị một hình ảnh kích cỡ 70-inch của màn hình điện thoại của bạn lên bất kỳ bề mặt hay bức tường nào; một module camera 360 độ; một thỏi pin dự phòng từ tính, giúp kéo dài thời gian sử dụng điện thoại thêm 20 tiếng; một chiếc loa; một máy in từ tính; và một vài ốp lưng tháo gỡ được.

Dù các phụ kiện Moto Mod của Motorola khá thú vị, những loại phụ kiện từ tính lúc bấy giờ không nhận được sự chú ý của người tiêu dùng. Một thời gian ngắn trước khi tung ra Moto Z3 năm 2018, nhiều tin đồn nổi lên cho biết Motorola đang tìm cách hoãn kế hoạch hợp tác với các nhà sản xuất phụ kiện từ tính Moto Mod bên thứ ba. Công ty tiếp tục phát triển dòng Moto Z trong 3 năm huy hoàng nữa, sau đó âm thầm tung ra chiếc Moto Z4 vào năm 2019, đặt dấu chấm hết cho dòng sản phẩm này. Công ty chưa bao giờ nhắc đến Moto Z5, cũng không có gì đáng ngạc nhiên xét màn ra mắt buồn tẻ của Z4.

Do đó, quả là mỉa mai khi đến năm 2020, Apple quyết định tái sinh danh xưng MagSafe của mình và trang bị nam châm cho iPhone 12. Nhưng nếu như Motorola thất bại trong việc biến nam châm thành một trào lưu smartphone có khả năng duy trì lâu dài, thì có một vài lý do khiến chúng ta tin rằng lần thử sức với nam châm này của Apple sẽ khác.

Hãy bắt đầu với bản thân cụm nam châm. Cách sử dụng nam châm của Apple khá khác biệt so với cách sử dụng nam châm của Motorola. Series Moto Z được thiết kế đặc biệt để trở thành những chiếc điện thoại kiểu module, và chúng thậm chí còn có cổng kết nối 16 chân để kết nối các module đến nguồn điện của thiết bị. Những phụ kiện module này đơn giản là dính vào mặt lưng điện thoại bằng nam châm thay vì thông qua phần "cằm" như LG G5.

Dù iPhone 12 có nam châm, nhưng nó không thực sự là một chiếc điện thoại module, và đó là mấu chốt khác biệt. Trong sự kiện trực tuyến của Apple, Deniz Teoman, phó chủ tịch mảng phần cứng của Apple, đã giải thích rằng công ty tích hợp nam châm vào cuộn cảm, vốn được dùng cho chức năng sạc không dây chuẩn Qi. Các nam châm bên trong iPhone 12 được tối ưu cho việc "căn chỉnh và tính hiệu quả", có nghĩa là các phụ kiện sẽ dính vào đúng vị trí cần dính mà bạn không phải tự mình di chuyển chúng. Hai cảm biến mới - một cuộn NFC đơn và một từ kế - cũng được tích hợp vào iPhone 12, cho phép điện thoại cảm nhận được lực của từ trường.

Avi Greengart, nhà phân tích công nghệ tiêu dùng tại Techsponetial cho biết thiết kế kiểu module khiến các kỹ sư rất thích thú, nhưng người tiêu dùng thông thường thì không. "Bạn bắt đầu với một tấm cơ bản, sau đó bạn thêm nhiều thứ vào đó, nhưng đó không phải là cách mà người tiêu dùng mua sản phẩm. Bản thân chiếc điện thoại cần phải là một thứ gì đó mà họ muốn mua ngay và dùng tốt ngay mà chẳng cần thêm thứ gì".

Mục đích sử dụng chính của cụm nam châm ở mặt lưng iPhone 12 là mang lại cho người dùng một cách dễ dàng hơn để sạc thiết bị. Các phụ kiện chỉ là những tính năng bổ sung. Và chính Apple cũng đưa ra những món phụ kiện rất đơn giản, như một đế sạc, một chiếc ví, và một chiếc ốp từ tính.

Tất nhiên, các hãng sản xuất phụ kiện/ốp lưng nổi tiếng chuyên về Apple sẽ nhảy vào cuộc chơi MagSafe để mang đến những chức năng mới cho iPhone 12. Teoman nói rằng ông không thể chờ cho đến lúc thấy được "những cách tận dụng MagSafe thật tân tiến", với mục tiêu là tạo dựng "một hệ sinh thái hoành tráng và luôn mở rộng".;Belkin đã công bố một đế giữ điện thoại trên xe hơi MagSafe và một đế sạc MagSafe vừa sạc được iPhone lẫn Apple Watch cùng lúc; trong khi OtterBox thì có một chiếc ốp iPhone 12 tương thích MagSafe. Các module Moto tương tự có vai trò thiết yếu hơn đối với quá trình sử dụng Moto Z, nhưng Motorola rõ ràng có ý định muốn người dùng Moto Z thay đổi phụ kiện mỗi ngày nhằm tăng cường chức năng của thiết bị. Apple thì không.

Ramon Llamas, giám đốc nghiên cứu phụ trách nhóm thiết bị và màn hình của IDC, cho rằng đó chính là một trong những vấn đề Motorola vấp phải khi triển khai ý tưởng nam châm - các module Moto Mod đều là những phần bổ sung không cần thiết, giống với những tính năng đã có trên nhiều smartphone hiện đại. "Hầu hết các mod của họ là các phần mở rộng hay các tính năng trùng lặp với những gì Moto Z làm được - camera, pin dự phòng, hay loa. Hầu hết các smartphone thời đó đã chụp được ảnh chất lượng cao, và việc thêm một mod để chụp được ảnh chất lượng DSLR hầu như chỉ hấp dẫn với một bộ phận người dùng nhất định mà thôi"

Moto Mods

Một điểm trừ khác: Moto Mod không chỉ mang hơi hướm mánh khoé quảng cáo, chúng còn đắt đỏ đến kinh ngạc. Một chiếc loa JBL gắn thêm có giá 125 USD, camear 360 độ thì 310 USD, và máy in ảnh Polaroid có giá 195 USD. iPhone 12 có một cụm camera đỉnh cao, loa tuyệt hay, và...có mấy ai cần đến một cái máy in 195 USD cơ chứ?

Apple rõ ràng đã học được một vài bài học từ Motorola khi không biến MagSafe thành một điểm nhấn câu khách của iPhone 12. Với bất kỳ ai đã xem buổi ra mắt, trọng tâm của dòng iPhone mới là 5G, tiếp đó là thiết kế mới và những cải tiến về camera. "Moto thổi phòng Mods lên bởi họ cần một thứ gì đó để trở nên nổi trội hơn giữa đám đông Android. Có nghĩa là họ đã đặt rất nhiều tâm sức vào các Mods nhưng rồi chúng không giúp điện thoại trở nên cuốn hút hơn khi thành thực mà nói, chúng khá đáng thất vọng so với quảng cáo" - theo lời Daniel Gleeson, nhà phân tích di động tại Omdia.

Gleeson nói rằng Apple không đi vào vết xe đổ với MagSafe. Nếu Apple "quan trọng hoá" MagSafe, điều đó có nghĩa iPhone 12 sẽ bị đánh giá dựa trên chất lượng của các phụ kiện bên thứ ba. "MagSafe chỉ là một phần trong phép màu thành công đến từ sự giản đơn của iPhone, khi những tính năng tương tự trên các nhãn hiệu khác tỏ ra khá cồng kềnh và lỗi thời so với giải pháp của Apple" - anh nói.

Xét cho cùng, lý do tại sao hướng đi của Apple đối với cụm nam châm trên iPhone 12 sẽ không thất bại là khá đơn giản. Apple là một công ty hai nghìn tỷ đô, bán hàng triệu chiếc iPhone mỗi năm. So với Motorola chỉ bán được số Moto Z tương ứng 0,3% thị trường Mỹ tính đến tháng 6/2020. Thậm chí chiếc điện thoại của Motorola còn không lọt được vào top 50 của Anh nữa.

Do đó, trong khi các nhà sản xuất phụ kiện chắc chắn sẽ tung ra hàng loạt các sản phẩm tương thích MagSafe để cắn được một phần miếng bánh mà Apple đã tạo ra, thì ngoài những phụ kiện của đối tác có mặt lúc ra mắt, các hãng khác rõ ràng không hề bận rộn như vậy khi nhắc đến Moto Mods. Chưa hết, Apple còn kiểm soát nhiều hơn thế. Trong khi các nhà bán lẻ sẵn lòng dành không gian trên kệ cho các phụ kiện MagSafe, họ không có ý định tương tự dành cho Moto Mods. Dẫu vậy, nếu có một điều Moto Mods có thể cho chúng ta biết, thì đó chính là nếu hướng đi mềm mỏng, linh hoạt của Apple phát huy hiệu quả, tiềm năng đối với MagSafe sẽ là rất lớn.

Minh.T.T (Theo WireUK)

Chủ đề khác