VnReview
Hà Nội

Với iPhone 12, Apple đã bít mọi cánh cửa với dịch vụ sửa iPhone ngoài

Sau hàng loạt bài test, đối chiếu kết quả với nhiều kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại, và nghiên cứu kỹ các tài liệu tập huấn của Apple bị tuồn ra ngoài, iFixit kết luận rằng camera của iPhone 12 khó mà hoạt động được một cách trơn tru khi được thay vào một chiếc iPhone 12 khác.

Lỗi phần cứng này, cùng với nhiều dấu hiệu tìm thấy trong các hướng dẫn sửa chữa từ Apple, cho thấy một sự thật rõ ràng hơn bao giờ hết: Apple, cố ý hay hờ hững, đang khiến việc sửa chữa những chiếc iPhone trở nên cực kỳ khó khăn nếu không có bàn tay của họ nhúng vào. Đây có lẽ là một lỗi mà Apple sớm muộn cũng sẽ khắc phục. Thậm chí đã từng có tiền lệ về việc nhiều phần linh kiện iPhone hoạt động một cách "hên xui" khi được mang sang thay cho một iPhone khác.

Nhưng cũng có khả năng Apple muốn ngăn chặn mọi hành vi sửa chữa camera và màn hình iPhone mà chưa được sự cho phép từ họ. Tài liệu tập huấn nội bộ của Apple nói với các kỹ thuật viên được uỷ quyền rằng, bắt đầu với iPhone 12 và các biến thể của nó, họ sẽ cần chạy ứng dụng System Configuration - vốn là một ứng dụng độc quyền và liên kết đến máy chủ của hãng mỗi lần khởi chạy - mới có thể sửa chữa hoàn toàn camera và màn hình.

Quả là một tình huống đáng quan ngại.

Chiếc iPhone chỉ Apple mới có thể sửa

iFixit từng cho iPhone 12 điểm sửa chữa 6/10 khi thực hiện mổ xẻ thiết bị này hồi tuần trước. Giống như hầu hết những mẫu iPhone khác, iPhone 12 cũng được thiết kế để có thể mở ra và sửa chữa được, kể cả khi Apple khăng khăng chỉ nên để các kỹ thuật viên của họ làm điều đó. Hầu hết các linh kiện của iPhone 12 có thể được thay thế, thiết kế của máy ưu tiên sử dụng ốc vít hơn là keo dính, và các thành phần quan trọng như màn hình và pin là những thứ dễ sửa chữa nhất.

Nhưng sau khi chứng kiến những kết quả cực kỳ khó hiểu trong bài test camera sau khi sửa chữa - đồng thời so sánh và trùng khớp với kết quả bài test của YouTuber Hugh Jeffreys - iFixit quyết định phải tìm hiểu kỹ hơn một chút. Camera của iPhone 12, khi được thay sang một chiếc iPhone 12 khác, có vẻ hoạt động tốt khi vừa khởi động ứng dụng chụp ảnh, nhưng sẽ ngừng hoạt động khi bạn thực hiện bất kỳ thao tác nào trong quá trình sử dụng. Nó không chuyển sang camera siêu rộng, chỉ chụp được ở một vài chế độ nhất định, và thường xuyên treo và hoàn toàn không có phản ứng gì.

Test camera iPhone 12 sau khi sửa chữa

Nếu bạn chưa biết, thì cho đến thời điểm này, camera iPhone thông thường có thể dễ dàng được trao đổi giữa các mẫu iPhone giống nhau. Kể cả trong bài test của iFixit đối với iPhone 12 Pro, họ cũng không gặp vấn đề gì: mọi chức năng camera đều hoạt động tốt.

Trước đây đã từng có một số tiền lệ về việc nhiều thành phần linh kiện iPhone không "hợp tác" khi được tháo lắp sang một iPhone khác, dù rằng Apple không hề cố tình gây ra điều này. Hãng có 3 nhà sản xuất khác nhau đảm nhận màn hình LCD của iPhone 7 và 8 Plus; tráo đổi giữa chúng có thể gây ra hiện tượng "cú chạm ma" và nhiều vấn đề về phản hồi khác. Cụm Taptic Engines (thành phần đảm nhận tính năng rung) được thay thế trên iPhone 7 và 8 cũng thường có "triệu chứng" lạ, và chỉ được khắc phục nếu bạn khôi phục lại số serial của engine nguyên bản.

Kể cả khi những vấn đề với camera của iPhone 12 chỉ là lỗi nhất thời, vẫn có lý do để chúng ta quan ngại. Tài liệu tập huấn nội bộ của Apple nói với các kỹ thuật viên được uỷ quyền rằng, bắt đầu với iPhone 12 và các biến thể của nó, họ sẽ cần chạy ứng dụng System Configuration - vốn là một ứng dụng độc quyền và liên kết đến máy chủ của hãng mỗi lần khởi chạy - mới có thể sửa chữa hoàn toàn camera và màn hình.

Điều đó không có nghĩa một camera hay màn hình iPhone sẽ hoàn toàn không hoạt động được nếu không có sự tham gia của một kỹ thuật viên chính thức trong quá trình sửa chữa. iFixit đã tiến hành nhiều lần tráo đổi màn hình giữa các mẫu iPhone 12 và chúng hoạt động đúng như kỳ vọng, trừ một cảnh báo của Apple hiện ra trên màn hình rằng các màn hình này có thể không "chính hãng" (dù rằng chúng là hàng chính hãng). Nhưng chính sách mới của Apple lại không hề tốt cho các cửa hàng sửa chữa độc lập. Apple đang đặt ra một giới hạn khác lên một thành phần cốt lõi của iPhone. Tại sao một chiếc camera lại cần phải có số serial được chứng nhận từ xa bởi Apple trước khi cho phép người dùng chụp ảnh bằng điện thoại của họ?

Xét tình trạng hoạt động được nhưng đầy lỗi, xét việc đã từng có tiền lệ các thành phần được tráo đổi hoạt động không đúng chức năng, và xét việc vấn đề này không hề xuất hiện trên iPhone 12 Pro, chúng ta có thể hi vọng Apple sẽ khắc phục lỗi xảy ra sau khi tráo đổi camera iPhone 12 bằng một bản cập nhật phần mềm trong tương lai. Nhưng kết hợp với tài liệu System Configuration, và đủ vấn đề rắc rối mà Apple đặt ra trước khi cho phép một chiếc iPhone hoạt động hoàn chỉnh, thì có thể đoán được tình hình sẽ không sớm được cải thiện trừ khi có một sự thay đổi lớn - từ bên trong Apple, từ nhu cầu của khách hàng, hay từ luật pháp.

Kiểm tra số serial không phải là một hình thức bảo mật

Module camera của iPhone 12

Từ trước đến nay, việc iPhone hoạt động "chụp giật" khi được thay vào một món linh kiện chính hãng từ một chiếc iPhone khác không phải là điều mới mẻ. Các kỹ thuật viên không thuộc mạng lưới được uỷ quyền của Apple thường khác phục vấn đề bằng các công cụ có phần chuyên sâu với khả năng thay đổi số serial lưu trữ trong những con chip EEPROM siêu nhỏ. Đây có thể được gọi là vấn đề số serial "mềm", thường chỉ khắc phục được bởi các cửa hàng chuyên sửa chữa điện thoại, còn những người thích mày mò, vọc vạch có lẽ phải chấp nhận "bó tay".

Một loại vấn đề số serial khác là vấn đề "cứng", liên quan đến cảm biến Touch ID trên iPhone 5s: cảm biến này không thể được thay thế nếu không nhờ kỹ thuật viên của Apple tái lập trình con chip Secure Enclave trên iPhone. Chuyện tương tự cũng xảy ra với Face ID trên iPhone X: thay màn hình và cảm biến của máy, bạn sẽ phải khóc ròng. Rồi iPhone XR, XS, và XS Max xuất hiện, tất cả đều cảnh báo bạn nên mang máy đến Apple để sửa chữa sau khi bạn thay pin cho thiết bị. Tất nhiên, iPhone 11 ra mắt một năm sau đó cũng không thoát được cảnh báo theo kiểu "hoạt động được đấy, nhưng bạn nên mang đi sửa ngay đi"! Mỗi thế hệ iPhone đều tìm cách loại bỏ khả năng khôi phục điện thoại về tình trạng nguyên bản của người dùng. Và dù qua mỗi năm, Apple lại lấy đi một vài chức năng nếu bạn sửa chữa thiết bị tại các cửa hàng ngoài mạng lưới của hãng, chúng giống như những sự đánh đổi mà người dùng có thể lựa chọn thực hiện hoặc không.

Bạn có thể tranh luận rằng việc cảnh báo một người dùng iPhone về những linh kiện không chính hãng, đặc biệt nếu chiếc điện thoại đó từng qua một vài đời chủ trước khi được mua lại, là điều rất hữu ích. Mô hình bảo mật của Apple có thể không hoàn hảo, khiến hãng lo ngại thay thế Touch ID hay Face ID từ bên thứ 3 có thể tiềm ẩn vấn đề nào đó (nghe có vẻ khó tin, bởi nhóm bảo mật của Apple có thể xem là đứng đầu thế giới, và Google lẫn Samsung đều cho phép người dùng thay thế cảm biến vân tay mà không có bất kỳ giới hạn nào). Nhưng module camera chính không phải là một linh kiện bảo mật. Nó là một thành phần dễ hư hỏng, và có thể được thu thập từ các iPhone đã hỏng khác. Buộc phải kiểm tra xác thực một quy trình đơn giản như thay thế camera là động thái gây khó khăn cho thị trường sửa chữa và bán lại iPhone. Nó chẳng mang lại lợi ích hiển nhiên nào cho người mua iPhone cả, chỉ khiến người dùng hụt hẫng mà thôi. Hay tệ hơn nữa: đó là âm mưu được Apple dự tính trước nhằm khiến thiết bị của người dùng trở nên lỗi thời.

Thiết kế để dễ sửa hơn?

Apple nhấn mạnh trong báo cáo môi trường gần đây rằng 76% lượng khí thải tạo ra bởi các sản phẩm của hãng được tạo ra trong quá trình sản xuất. Hãng khẳng định "biến việc sửa chữa trở nên tiện lợi hơn và đáng tin cậy hơn có liên hệ trực tiếp";đến các mục tiêu môi trường của hãng. Và Apple nói rằng hãng đã "thực hiện những lựa chọn về thiết kế để các sản phẩm dễ sữa hơn". Xét một lượng rất lớn iPhone đang hiện diện trên thế giới, và nhu cầu tiềm tàng của việc tận dụng lại linh kiện của chúng, thật khó để hiểu được làm thế nào mà động thái làm khó dễ, ngăn trở người dùng tiếp cận những giải pháp sửa chữa phổ biến của Apple lại phù hợp với những mục tiêu họ nói ở trên.

Thay vào đó, Apple lại đang bóp nghẹt tự do của chúng ta. Quyền được sửa chữa nói rằng chúng ta có thể sửa đồ dùng của chính mình ngay tại nhà mà không cần sự cho phép của nhà sản xuất. Dự luật Quyền được sửa chữa tại nhiều bang của Mỹ yêu cầu bất kỳ nhà sản xuất nào đòi hỏi phải sử dụng một công cụ để sửa thiết bị của họ đều phải tung công cụ đó ra cho cộng đồng, không chỉ các kỹ thuật viên của hãng. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ "mở cửa" cho các chuyên gia sửa chữa độc lập và những người dùng thích mày mò được tiếp cận côn cụ cấu hình phần mềm của Apple. Mọi người sẽ có thể tháo camera, màn hình và nhiều linh kiện khác từ những iPhone bị vứt bỏ, dùng chúng để sửa iPhone của chính mình, và sử dụng máy thêm một thời gian nữa.

Chúng ta cần một giải pháp lâu dài. Không phải những giải pháp nửa vời, hết lần này đến lần khác hi vọng Apple không cố tình gây ra vấn đề. Rõ ràng, cách duy nhất là phải đảm bảo người tiêu dùng được tiếp cận những công cụ sửa chữa giống như những gì Apple cung cấp cho kỹ thuật viên của họ vậy. Chúng ta có quyền sửa điện thoại của mình!

Minh.T.T (Tham khảo iFixit)

Chủ đề khác