VnReview
Hà Nội

Tiết lộ shock về thị trường console Nhật: Xbox One chỉ chiếm 0,1% thị phần, PS4 bán kém cả PS3

Khi cuộc chiến console thế hệ tiếp theo đang đến, Microsoft và Sony cho thấy những hướng đi khác nhau trong cách tiếp cận thị trường Nhật Bản.

Trong khi Microsoft cố tìm cách để thu hút khách hàng tại Nhật Bản đến với máy chơi game và dịch vụ của họ, Sony lại tỏ ra ưu ái người Mỹ hơn cả. Công ty Nhật thậm chí đã chuyển trụ sở kinh doanh tới California vào năm 2016 và biến Mỹ trở thành thị trường lớn nhất. Thực tế, cả hai ông lớn console này đều bị một đối thủ cực mạnh gây khó khăn ở Nhật là Nintendo, ông trùm console tại xứ sở hoa anh đào.

Sony đang sơ hở tại thị trường Nhật;

Nhật Bản là thị trường trò chơi điện tử lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc, do vậy công ty Mỹ tin rằng cần phải đạt được thành công tại đây dù phải trả giá rất lớn. Ở thế hệ Xbox One, sự hiện diện của họ gần như là con số 0 tròn trĩnh, do vậy dư địa để phát triển vẫn còn khá nhiều. "Xbox có một cơ hội để biến thị trường Nhật trở thành cứ địa lớn thứ hai sau Mỹ, nếu như công ty có hướng đi đúng đắn" - nhà phân tích Hideki Yasuda của Viện nghiên cứu Ace nói.

Theo người nay, sự tập trung của Sony ở thị trường Nhật Bản đang giảm dần và người hâm mộ đã bắt đầu để ý. Đây là cơ hội tốt cho Microsoft phản công tại Nhật. Sony đang ngày càng chú ý vào thị trường Mỹ, do doanh số của PS4 tại quê nhà không cao như kỳ vọng ban đầu, Bloomberg trích dẫn nguồn tin nội bộ giấu tên. PlayStation 4 có thể tung hoành ở bất cứ đâu, là máy console bán chạy nhất toàn cầu, nhưng ở chính quê nhà thì mọi chuyện không dễ dàng như thế.

Nhật Bản là thị trường video game lớn thứ ba thế giới (nguồn: Newzoo)

Theo tạp chí video game Famitsu, doanh số của PS4 hiện ở mức 113 triệu đơn vị so với người tiền nhiệm PS3, chỉ đạt 87 triệu. Nhưng ở thị trường quê nhà, PS4 thậm chí còn không bán nổi tới 10 triệu máy và còn thua cả doanh số PS3. Nhà phân tích Damian Thong từ Macquarie Group cho hay, thị trường Nhật đóng góp chỉ 10% doanh thu của đơn vị trò chơi điện tử, trong khi Mỹ dẫn đầu chiếm tới 35%, gấp 3,5 lần.

Đáp lại những ý kiến của giới phân tích, người phát ngôn Natsumi Atarashi từ Sony phản bác. Cô nói mọi suy đoán Sony đang giảm sự tập trung ở thị trường Nhật là không chính xác, không phản ánh chiến lược kinh doanh của tập đoàn. Lấy dẫn chứng rằng PS5 được phát hành tại Nhật sớm nhất trên toàn cầu, phát ngôn viên Sony nhấn mạnh "thị trường quê hương là quan trọng nhất với họ".

Tuy nhiên, Bloomberg lại dựa trên một nguồn tin từ chính trụ sở tại California, nói rằng ban lãnh đạo ở Mỹ đã rất chán nản khi đội marketing không hoàn thành mục tiêu doanh số ở Nhật. Hệ quả là chiến dịch quảng bá PS5 trên toàn cầu không đưa thị trường này vào trục chính. Các nhân viên tại Tokyo đang phải chờ hướng dẫn gửi từ California, theo lời một số người ở đây.

Sony đang giảm sự tập trung vào thị trường Nhật Bản (ảnh: Video Game Chronicle)

Đội ngũ hỗ trợ các lập trình viên cũng đã bị tinh giản khoảng 1/3 so với thời kỳ cao điểm. Hợp đồng với một số nhà sáng tạo game ở studio Nhật Bản, một trong các studio lâu đời nhất của Sony, đã không được làm mới. Theo nguồn tin từ phía California, văn phòng tại Mỹ cảm thấy không cần thiết phải tạo ra những game mà chỉ kinh doanh tốt tại Nhật, theo thị hiếu người Nhật.

Hai sự kiện quảng bá chính cho thế hệ PS5 mới nhất được đặt lịch vào 5 giờ sáng ở Tokyo, giúp người hâm mộ từ Mỹ và châu Âu dễ theo dõi hơn. Và đặc biệt, có một số phần không được dịch sang tiếng Nhật. Một quyết định cho thấy sự lơ là của Sony với quê hương là thay đổi về tay cầm. Người Nhật giờ phải dùng nút "X" để đồng ý và "O" để từ chối, trong khi suốt hơn hai thập kỷ qua, chức năng hai nút này tại Nhật vốn ngược lại.

Các nhà bán lẻ địa phương cũng nói rằng lô hàng PS5 đầu tiên không thực sự đáng kể, dường như còn ít hơn cả hồi mở bán PS3. Vậy nên, nhà phân tích Kazunori Ito của Morningstar Research cho rằng ban lãnh đạo của PlayStation đã không còn coi Nhật Bản là một thị trường quan trọng nữa. Nếu muốn biết về tình hình kinh doanh ở đây, bạn phải chủ động hỏi, không thì Sony cũng bỏ qua luôn.

Doanh số PS5 có thể không bằng PS4 nếu Sony bỏ mặc thị hiếu của khách hàng Nhật (ảnh: Poket-lint)

Một nhà tư vấn khác tại Tokyo thì có cái nhìn khá bi quan rằng doanh số PS5 tại thị trường Nhật có thể còn thấp hơn cả PS4. Theo người này, doanh số sẽ phụ thuộc lớn vào việc đội ngũ tại Nhật Bản truyền đạt những nhu cầu của người Nhật tới Mỹ như thế nào. Khi cân nhắc tới cán cân quyền lực giữa hai nơi, ông không kỳ vọng PS5 sẽ có kết quả tốt tại Nhật.

Cơ hội dành cho Microsoft

Mặc dù thế hệ Xbox One đã thất bại thảm hại tại Nhật, Microsoft vẫn kiên trì thuyết phục khách hàng ở đây rằng họ cần một chiếc Xbox. Lần này, công ty bán sản phẩm cùng thời điểm với thị trường toàn cầu, thay vì muộn hơn gần một năm so với thị trường Mỹ như Xbox One. Đây là một nỗ lực lớn của Microsoft.

Theo tạp chí Famitsu, thị trường console Nhật trong năm 2020 tính tới ngày 1/11 đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Nintendo. Thị phần Xbox One tại đây chỉ chiếm 0,1%, PS4 khá khẩm hơn một chút thì đạt 10,1%. Còn ngôi vương thuộc về Nintendo Switch, chiếm tới 89,8% và được coi như không còn đối thủ.

Cơ hội cho Microsoft đã đến khi Sony không quan tâm tới nhu cầu của người Nhật, thiết kế PS5 quá khổ (ảnh: kakuchopurei)

Để cải thiện tình hình trên, Microsoft đã điều chỉnh lại kế hoạch phát triển Xbox Series X. Họ tung ra mẫu Xbox Series S có kích thước nhỏ nhất từ trước đến nay, nhằm chiều chuộng người Nhật. Thế hệ trước bị chỉ trích có kích thước quá lớn so với phòng khách truyền thống của người Nhật, khiến việc bố trí rất khó khăn. Điều này lại vô tình cho thấy Sony đã bỏ bê khách hàng Nhật Bản như thế nào.

PlayStation 5 có kích thước rất lớn, lớn nhất trong lịch sử dòng PlayStation. Rõ ràng công ty đang để cho Microsoft có thêm sơ hở tấn công vòa nhóm khách hàng tại quê nhà họ. Và chưa hết, Microsoft cũng đẩy mạnh liên hệ với các nhà phát triển tại Nhật, theo lời Sarah Bond, một nhà sáng tạo game có quan hệ rộng trong hệ sinh thái gaming của Microsoft.

Không chỉ cố gắng bán được nhiều máy chơi game hơn cho người Nhật, Microsoft cũng muốn lôi kéo mọi người đăng ký dịch vụ Game Pass Ultimate, trong đó bao gồm cả tùy chọn cloud gaming. Với một khoản phí thuê bao cố định hàng tháng, bạn sẽ có hơn 100 đầu game để chơi trên bất kỳ thiết bị nào hỗ trợ, từ iPhone, điện thoại Android tới laptop,...

Ở Nhật, Nintendo mới là vua của thị trường console (ảnh: Nintendo Soup)

Tuy nhiên, liệu những cố gắng này có giúp Microsoft chiếm được niềm tin của thị trường video game lớn thứ ba hay không, vẫn không ai dám chắc. Theo một nhà tư vấn trong ngành, công ty Mỹ vẫn còn phải đối diện với khó khăn trong thời gian dài nữa. Người này cho biết: "Mọi dấu hiệu đều cho thấy trong vài năm nữa, Nintendo vẫn sẽ là vị vua ở đây. Và tôi cũng không hiểu Microsoft sẽ lật đổ vị trí thứ hai của Sony kiểu gì".

Ambitious Man

Chủ đề khác