VnReview
Hà Nội

Game console sẽ tạo ra 45 tỷ USD doanh thu trong năm nay, Microsoft, Sony và Nintendo thu đậm

Báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường trò chơi điện tử Newzoo cho biết, các hãng kinh doanh máy chơi game cầm tay năm nay sẽ vô cùng phát đạt.

Ngày nay, có hơn 700 triệu người chơi game qua console. Newzoo cho biết, thị trường này năm nay sẽ tăng trưởng 6,8%, đạt doanh thu 45 tỷ USD. Tất cả các công ty tham gia đều sẽ kiếm bộn tiền, từ sản xuất máy chơi game cho tới phát hành game. Đại dịch bùng phát đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp game phát triển mạnh mẽ.

Khi mọi người phải "chôn chân" trong nhà, việc có một máy chơi game để giải trí rõ ràng là lựa chọn của rất nhiều người. Hơn nữa, các công ty trong ngành như Microsoft, Sony và Nintendo đều đã tạo ra một cộng đồng hâm mộ lớn mạnh riêng, có hệ sinh thái hoàn chỉnh. Điều này giúp họ giữ chân người chơi gắn bó lâu hơn và chi tiền.

Mua game digital lên ngôi

Nhà phân tích Daniel Ahmad đến từ Niko Partners cho hay: "Chúng ta đang tiến tới mốc mà bán phần cứng cũng sinh lời, phần mềm thì đã luôn luôn sinh lời và các dịch vụ mạng khác đóng vai trò quan trọng hơn, giúp gắn kết chặt chẽ người dùng trong hệ sinh thái console mà họ đã đầu tư". Quay vòng ba thành phần này giúp sinh lời trên đầu người ngày càng cao.

Máy chơi game của Microsoft đang cháy hàng vì nhu cầu quá cao (ảnh: Getty Images)

Cả ba công ty đều đẩy mạnh hình thức mua bán kỹ thuật số trên chợ thay vì lưu trữ vật lý. Cách này giúp họ đạt tỉ suất lợi nhuận cao hơn, Ahmad giải thích với tờ CNBC. Lấy ví dụ với một bản game giá 60 USD, nếu được bán ra tại cửa hàng băng đĩa thì nhà phát hành kiếm được 35 USD, còn một lượt mua hàng kỹ thuật số thì đem về tới 45 USD.

Cả Sony và Nintendo đều báo cáo tăng trưởng hai chữ số đối với loại hình tải game tử cửa hàng phân phối kỹ thuật số. Tỉ lệ mua hàng so với mua băng đĩa cũng ngày càng áp đảo. Xu hướng này tiếp tục sẽ giúp các hãng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Tận dụng điều này, cả Microsoft lẫn Sony đều phát hành một phiên bản console loại bỏ ổ đĩa.

Hệ sinh thái

Trong vài năm tới, hệ sinh thái sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Microsoft đang nỗ lực mở rộng cơ sở khách hàng tới nhiều nền tảng hơn, từ máy tính Windows, Xbox cho tới smartphone. Trọng tâm của họ là dịch vụ gaming đám mây xCloud, nằm trong gói thuê bao Xbox Game Pass. Người chơi có thể chơi ở bất kỳ đâu trên bất kỳ thiết bị nào, miễn là có mạng.

Sony và Nintendo đều lấy game độc quyền làm lợi thế trong thị trường console (ảnh: USgamer)

Trong khi đó, Sony lại chọn game độc quyền là "vũ khí" chủ đạo. Cùng với đó là các dịch vụ thuê bao PlayStation Plus, PlayStation Now để "trói chân" người chơi trong hệ sinh thái PlayStation. Các nhà phân tích nói rằng chiến lược này kế thừa từ đời PS4, khi máy chơi game Sony áp đảo hoàn toàn đối thủ bằng dàn game độc quyền chất lượng.

Đồng hương của Sony là Nintendo cũng có lối suy nghĩ tương tự, đặt cược vào kho nội dung độc quyền. Công ty sở hữu những tài sản trí tuệ có mức độ nhận biết cao nhất ngành công nghiệp, với lượng fan hùng hậu từ già cho tới trẻ. Đây là một lợi thế cho phép họ đứng ngoài cuộc chiến giữa Sony và Microsoft.

Thực tế, Nintendo Switch là một máy chơi game độc đáo, tương đối khác biệt với hai dòng Xbox và PlayStation. Kho game của Nintendo cũng mang tính đặc trưng cao và hướng tới đối tượng riêng, gần như không cạnh tranh trực tiếp với nhóm khách hàng chủ đạo của hai hệ kia. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng Nintendo đã bị tụt lại ở lĩnh vực dịch vụ.

Để bù đắp, Nintendo đang tích cực thúc đẩy dịch vụ trả phí của mình, nhằm tăng doanh số từ bán phần mềm.

Ngành game năm nay tạo ra 160 tỷ USD doanh thu, là miếng bánh mà không ai muốn bỏ qua (ảnh: Newzoo)

Nhóm Big Tech

Console tuy tạo ra tới 45 tỷ USD doanh thu nhưng vẫn chỉ chiếm 28% dung lượng thị trường. Toàn ngành game năm nay có thể đạt tới tổng doanh thu 160 tỷ USD, theo Newzoo. Do vậy, nhóm Big Tech đã nhanh chóng tham gia vào cuộc chơi náo nhiệt này hòng chia phần. Google, Amazon và Facebook đều nhắm vào cloud gaming tương tự Microsoft.

Hướng đi này phù hợp với họ bởi xét cho cùng, dù có rất nhiều tiền nhưng Facebook hay Google cũng vẫn chỉ là tay ngang ở thị trường game. Họ không có các IP game hàng đầu để lôi kéo khách hàng, ngay cả Microsoft là tay chơi lão làng hơn cũng đã phải từ bỏ. Nói về IP game, nội dung độc quyền hay cộng đồng hâm mộ, người Nhật có thể "nghiền nát" bất cứ ai định thách thức họ, như PS4 đã làm với Xbox One.;

Theo Ahamd, nhóm Big Tech đang phân hóa thành hai thái cực. Google và Amazon cố gắng cạnh tranh với Steam của Valve hay Epic Games trong hoạt động phân phối trò chơi. Trong khi Facebook đang tận dụng streaming game để thúc đẩy công cụ quảng cáo của họ.

Ambitious Man

Chủ đề khác