VnReview
Hà Nội

Nikon khốn đốn vì lệ thuộc vào Intel cũng đang bê bết

Intel mua khoảng 70% đến 90% thiết bị sản xuất chip từ công ty Nhật Bản, tạo nên sự phụ thuộc mà bây giờ đang phản tác dụng lên chính Nikon.

Báo;Nikkei đưa tin, tập đoàn Nikon hơn 100 năm tuổi đang bước vào giai đoạn khó khăn. Công ty cho biết sẽ bước vào giai đoạn tái cơ cấu khắc khổ, bước đầu là cắt giảm 2.000 việc làm tương ứng 10% tổng nhân sự. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ kinh doanh máy ảnh lao dốc và sự sa sút của Intel trên thị trường bán dẫn.

Intel đi lùi đã kéo Nikon tụt lại

Theo các quan chức ngành công nghiệp, tập đoàn sắp tới sẽ áp dụng chiêu bài giảm giá hòng phản công trên thị trường thiết bị sản xuất chip, cho thấy cố gắng vượt khó của họ. Nổi tiếng với máy ảnh và ống kính, ít ai biết Nikon đã từng nhà sản xuất thiết bị đúc chip lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thời thế thay đổi, khi Intel đánh mất vị thế vào tay các đối thủ, Nikon cũng đi xuống theo.

Cả hai công ty đã kéo nhau cùng đi xuống (ảnh: Nikkei)

Ước tính 70-90% doanh số bán thiết bị bán dẫn của hãng phụ thuộc vào Intel. Vậy nên khi công ty Mỹ bị tụt lại, Nikon cũng đành phải thay đổi chiến lược để sinh tồn. Họ sẽ giảm bớt phụ thuộc vào "mối ruột" này và hướng tới thị trường Trung Quốc. Kỳ vọng mức giá hấp dẫn sẽ thu hút khách hàng mua thiết bị của mình.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nikon đã phải thừa nhận hồi đầu tháng Mười Một rằng tốc độ đón nhận khách hàng mới đang chậm hơn kỳ vọng, chủ yếu do đại dịch bùng phát.

Trước đây, Nikon từng hưởng lợi khi các nhà sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử nội địa phát triển. Nhưng khi các công ty này rút lui dần khỏi lĩnh vực chip hoặc thu hẹp, họ đã quay sang Intel. Khoảng năm 2002, Nikon gặp khó khăn về tài chính và đã được đối tác Mỹ giúp đỡ với số tiền hơn 96 triệu USD. Từ đó, hai bên hình thành quan hệ hợp tác lâu dài.

Trong giai đoạn nửa đầu năm tài khóa 2020 (từ tháng Tư đến hết tháng Chín), Nikon đã bán được 9 máy đúc chip cho Intel, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. "Doanh số của máy phơi bán dẫn đã giảm mạnh, một phần bởi một khách hàng lớn đã cắt giảm đáng kể đầu tư", Nikon nói trong hội nghị công bố kết quả kinh doanh. Ở đây, "khách hàng lớn" là ám chỉ Intel.

Intel đã làm liên lụy đến Nikon (ảnh: Intel)

Tụt hậu công nghệ

Tuy nhiên, yếu tố sa sút của Intel chỉ là một phần, vấn đề lớn hơn mà Nikon phải đối mặt là họ không thể bắt kịp ASML. Đối thủ Hà Lan hiện là công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất các máy quang khắc EUV, công nghệ đúc chip tiên tiến nhất hiện nay. Khi nhu cầu thu nhỏ tiến trình bán dẫn ngày càng tăng, Nikon bị gạt ra khỏi cuộc chơi náo nhiệt mà ASML làm chủ.

Nguyên nhân khiến cả Nikon và Canon từng làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị đúc chip, nay lại bị tụt lại trước đối thủ châu Âu là do chi phí. Cả hai công ty Nhật đều bỏ qua việc phát triển thiết bị quang khắc EUV vì lo ngại khoản đầu tư phát triển khổng lồ của nó, chưa kể thời gian tiêu tốn có thể kéo dài rất nhiều năm.

Ban lãnh đạo Nikon lúc đó đã gạt bỏ kế hoạch thúc đẩy công nghệ quang khắc EUV, vì không thể giải thích một cách hợp lý tính kinh tế của khoản đầu tư này. Một nguyên nhân khác là về kỹ thuật, Nikon có xu hướng dựa vào các thành phần nội địa để phát triển sản phẩm, trong khi ASML thì đặt hàng từ nước ngoài một số bộ phận. Do đó, ASML linh hoạt hơn trong cuộc đua.

ASML là công ty duy nhất hiện nay sản xuất được máy quang khắc EUV (ảnh: Reuters)

Công ty Hà Lan hiện là nhà sản xuất máy quang khắc lớn nhất thế giới, độc quyền dòng sản phẩm quang khắc EUV có giá mỗi đơn vị hơn 120 triệu USD. Các công ty đúc chip như Samsung, TSMC phải xếp hàng để mua máy từ ASML. Công nghệ này quan trọng tới mức Trung Quốc cũng thèm khát và từng bị Mỹ xen vào, gây khó dễ khi muốn mua thiết bị bán dẫn của ASML.

Intel cũng đã mua thiết bị của ASML nhưng họ cần thời gian để xây dựng dây chuyền bán dẫn mới. Trong thời gian đó, công ty Mỹ đã thua cuộc trước các đối thủ gồm Nvidia, AMD, Qualcomm khi họ dựa vào dây chuyền 7nm của TSMC và Samsung để sản xuất chip. Thậm chí khách hàng của Intel là Apple đã tự thiết kế chip cho laptop và nhờ TSMC gia công.

Lẽ tất nhiên, doanh thu của Nikon bị giáng một đòn trực tiếp khi máy móc không bán được nhiều cho Intel như trước. Intel thậm chí đã tuyên bố sẽ đi thuê ngoài đúc chip hòng bắt kịp tốc độ của đối thủ, như vậy có nghĩa họ sẽ cắt giảm đầu tư cho hoạt động tự sản xuất. Doanh số máy đúc chip của Nikon càng giảm mạnh nếu công ty không tìm ra sự thay thế tương xứng cho Intel.

Mỗi hệ thống có chi phí hơn 120 triệu USD, được Samsung và TSMC săn đón từng chiếc một (ảnh: Nikkei)

Thua kém đồng hương Canon

Theo triển vọng kinh doanh hiện tại của công ty Nhật Bản, kết thúc năm tài khóa 2020, họ có thể đạt doanh thu 430 tỷ yên. Một con số đáng báo động khi đã giảm một nửa so với 840 tỷ yên của năm tài khóa 2015. Có một khoản sụt giảm đáng kể liên quan tới kinh doanh máy ảnh và thiết bị thu hình khác, từ 520 tỷ yên xuống chỉ còn 140 tỷ yên.

Không chỉ giảm cực mạnh doanh thu, đơn vị này còn gây ra lỗ 45 tỷ yên cho Nikon. Trong bốn mảng kinh doanh, chỉ duy nhất thiết bị sản xuất màn hình LCD và bán dẫn là ghi nhận lợi nhuận, dù triển vọng chỉ là 1 tỷ yên. Tất cả các con số đều cho thấy Nikon đang bước vào một cuộc khủng hoảng mới. Việc sa thải 10% lực lượng lao động có thể mới chỉ là khởi đầu.

Một bất lợi khác của công ty là không sản xuất thiết bị lắng đọng chân không dùng cho sản xuất màn hình OLED. Đồng hương Canon hiện đang sở hữu công ty con Canon Tokki dẫn đầu thế giới về phân khúc này, vị thế tương tự ASML được nhắc đến ở trên. Khi xu hướng sử dụng OLED nở rộ trên smartphone và TV, Canon đã hưởng lợi. Ngoài ra, ở thị trường máy ảnh và ống kính, Canon cũng có vị thế cao hơn Nikon.

Nikon đã bị Sony vượt mặt trên thị trường máy ảnh (ảnh: NikonRumors)

Cả hai được cho là đã tụt lại ở thị trường máy ảnh khi Sony lên ngôi với dòng không gương lật. Tuy nhiên, trong công cuộc chuyển đổi từ DSLR sang mirrorless, Canon vẫn vượt trội hơn Nikon. So với người đồng hương, rõ ràng cơ cấu nguồn thu và vị thế trên thị trường của Nikon yếu hơn hẳn dù cả hai có nhiều nét tương đồng về thị trường tham gia hoạt động.

Trái ngược với một Nikon đang khủng hoảng, Canon lại tiếp tục mở rộng kinh doanh camera giám sát an ninh, thông qua thương vụ thâu tóm Axis Communications hồi 2015. Sau thương vụ, họ đã leo lên top 3 hãng sản xuất camera giám sát trên toàn cầu. Ngoài ra, công ty cũng đang đánh giá chặt chẽ hai mảng khác là máy in thương mại và thiết bị y tế, đều là những thị trường phất lên trong kỳ đại dịch bùng phát vừa qua.

Nikon sa thải nhân sự và dịch chuyển sản xuất hòng cứu lấy mảng camera đang thua lỗ (ảnh: NikonRumors)

Ánh sáng le lói

Một điểm tích cực trong kế hoạch tương lai của Nikon là các công ty Trung Quốc đang bị Mỹ đàn áp. Họ sẽ có xu hướng mua thiết bị càng ít dính dáng tới Mỹ càng tốt, giúp Nikon có thêm những khách hàng mới.

Nikon cũng tiến hành chuyển hoạt động sản xuất camera từ Nhật Bản về Thái Lan, hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí hoạt động của đơn vị này 63 tỷ yên. Về phát triển sản phẩm, hãng tập trung vào nhóm khách hàng chuyên nghiệp và dân đam mê nhiếp ảnh.

Kế hoạch cải tổ của Nikon kỳ vọng có thể đạt lợi nhuận trở lại khi năm tài khóa 2021 kết thúc.

Ambitious Man

Chủ đề khác