VnReview
Hà Nội

Quên máy ảnh đi, Fujifilm sắp trở thành hãng sản xuất thiết bị y tế lớn nhất nước Nhật

Được nhiều người Việt Nam biết tới là một hãng máy ảnh, nhưng Fujifilm lại dự báo lãi kỷ lục nhờ vào kinh doanh thiết bị y tế. Sắp tới, Fujifilm được dự báo sẽ trở thành hãng thiết bị lớn nhất Nhật Bản.

Tại một thị trấn gần Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, một công ty con của tập đoàn Fujifilm đang nâng cấp nhà máy với dự trù ngân sách 986 triệu USD. Đây là nơi công ty sản xuất dược phẩm, mặt hàng rất cần thiết khi thế giới phải đối phó với đại dịch như hiện nay. Dự án nâng cấp được quản lý bởi các kỹ sư Nhật Bản, là một phần trong kế hoạch trở thành hãng thiết bị y tế hàng đầu đất nước.

Năm 2020, thế giới phải đối phó với dịch COVID-19 liên quan tới đường hô hấp, khiến cho nhu cầu về thuốc điều trị cúm Avigan tăng vọt. Fujifilm nhờ thế mà phất lên mau chóng, thu nhập từ kinh doanh y tế đã bù đắp cho toàn bộ những suy giảm của thiết bị văn phòng, máy ảnh số. Kết quả đó đã biến họ trở thành một trong các công ty Nhật tận dụng được thời dịch để thúc đẩy tăng trưởng.

Cánh cửa dẫn Fujifilm tới mảng kinh doanh hốt bạc này là kỹ nghệ chính xác, một di sản công nghệ thừa hưởng từ thời Fujifilm còn kinh doanh máy ảnh phim trước đây. Trong khi cơ thể có cơ chế tạo ra kháng thể tự nhiên để chống lại virus và vi khuẩn, một số loại thuốc lại được tạo ra từ phòng thí nghiệm.

Fujifilm ngày càng đầu tư và mở rộng các hoạt động kinh doanh y tế của mình (ảnh: Nikkei)

Các loại thuốc này được thiết kế để tấn công có chỉ định các tế bào ung thư và tác nhân gây bệnh khác. Tuy nhiên, loại thuốc kháng thể được sản xuất bằng cách nuôi cấy tế bào gốc lại khó sản xuất, chi phí cao. Năm 2011, Fujifilm đã tiếp nhận một hợp đồng tổ chức phát triển và sản xuất (CDMO) dược phẩm sinh học từ Merck. Họ tin rằng công nghệ chế tạo phim của mình có thể ứng dụng vào ngành dược phẩm.

Sau đó, công ty gửi các kỹ sư tới nhà máy Merck tại Mỹ và Anh để giám sát hoạt động sản xuất. Họ đưa ra những biện pháp cải tổ quyết liệt, tìm hiểu những nguyên nhân cốt lõi để giải quyết tận gốc vấn đề thay vì xử lý mang tính đối phó. Việc sản xuất vì thế trở nên ổn định, tỉ lệ thành công đạt tới 95%, cao hơn mức 70% trước đây.

Giám đốc Takatoshi Ishikawa của Fujifilm cho biết: "Tỉ lệ này cao hơn hẳn các đối thủ của chúng tôi". Đến 2019, nhận thấy tiềm năng nhà máy công nghệ sinh học của Biogen tại Đan Mạch, Fujifilm đã mua lại với giá 94 tỷ yên. Nhà máy phải tăng công suất vì nhận được vô số yêu cầu từ các hãng dược phẩm trên thế giới, đơn hàng đổ về nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống.

Tổng thống Mỹ tới thăm một cơ sở của Fujifilm vào tháng Bảy năm nay (ảnh: AP)

Sức mạnh từ các hợp đồng CDMO sinh học ngày càng hiện rõ trong thời dịch. Fujifilm vừa đồng ý sẽ đảm nhận hoạt động sản xuất thuốc do quỹ của Bill Gates tài trợ. Theo thỏa thuận, công ty thay mặt cho quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, sẽ sản xuất các thành phần điều trị COVID-19 cho công ty dược phẩm Mỹ Eli Lilly.

Tổng thống Trump đặc biệt hoan nghênh sự tham gia của công ty Nhật Bản. Ông đã cam kết đầu tư 265 triệu USD để sản xuất vaccine tại nhà máy đặt tại Bắc Carolina. Đây là nơi hãng nhận đơn hàng sản xuất vaccine từ hai hãng thuốc Novanax và Tonix Pharmaceuticals. Vì nhu cầu cao như vậy, Fujifilm ước tính sẽ chi gần 3 tỷ USD để thâu tóm thêm các hợp đồng CDMO trong tương lai, cũng như mở rộng đầu tư.

Dự báo tới hết năm tài khóa 2020 (tháng Ba năm 2021), hoạt động kinh doanh này sẽ mang về gần 1 tỷ USD doanh thu, chiếm 10% thị phần toàn cầu. Fujifilm sẽ trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai trong ngành, chỉ sau Lonza của Thụy Sĩ. Trước đây, hãng từng kỳ vọng doanh thu đạt 1 tỷ USD khi năm tài khóa 2021 kết thúc. Nhưng với tình hình thuận lợi, mục tiêu này có thể hoàn thành sớm hơn một năm.

Quyết định tấn công vào lĩnh vực y tế đã đem lại trái ngọt cho công ty Nhật Bản (ảnh: Fujifilm)

Công ty Nhật Bản đã có kinh nghiệm từ lâu với kinh doanh sản phẩm y tế. Bắt đầu từ năm 1936, họ sản xuất phim chụp X Quang chỉ sau hai năm thành lập. Dựa trên công nghệ quang học, công ty phát triển các thiết bị X Quang, hệ thống thông tin hình ảnh phục vụ thăm khám và điều trị. Cho tới sau những năm 2000, Fujifilm gặp khó khăn khi nhu cầu với phim chụp ảnh đi xuống vì máy ảnh số trở nên phổ biến.

Lúc này, họ đưa ra quyết định chiến lược là giảm tập trung vào phim chụp ảnh, điều hướng sang phim phục vụ y tế và các thiết bị tinh thể lỏng, văn phòng,... Chủ tịch Shigetaka Komori khi đó xem y tế là lĩnh vực trọng tâm trong công cuộc cải cách, họ xúc tiến các vụ thâu tóm và sáp nhập, nhằm nhanh chóng có chỗ đứng trong ngành này.

Vào năm 2008, Fujifilm nhảy vào thị trường dược phẩm thông qua vụ mua lại 66% cổ phần ở Toyama Chemical. Tiếp theo, thâu tóm Japan Tissue Engineering năm 2014, Cellular Dynamics International năm 2015, Wako Pure Chemical Industries trị giá 155 tỷ yên từ Takeda Pharmaceutical vào năm 2017. Càng ngày họ lại càng bành trướng, dựa trên kinh nghiệm sẵn có trong quá khứ sản xuất phim, cũng như các bí quyết chế tạo máy móc thừa hưởng từ hàng thập kỷ "lăn lộn" trong ngành máy ảnh.

Máy nội soi của Fujifilm giúp tăng khả năng phát hiện ung thư giai đoạn đầu (ảnh: DOTmed)

Một lợi thế lớn khác của Fujifilm là họ tự sản xuất chính phần mềm vận hành, trong khi các đối thủ sản xuất máy móc y tế thường thuê ngoài phần này. Teiichi Goto, giám đốc Fujifilm cho biết: "Chúng tôi đang ở một vị trí thuận lợi vì chúng tôi nắm trong tay cả thiết bị và công nghệ thông tin hình ảnh".

Ví dụ, các ống nội soi ruột kết của Fujifilm được gắn với một nguồn sáng giúp phát hiện sự khác biệt nhỏ về màu sắc của màng niêm mạc và mạch máu. Phần mềm dựa trên trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích hình ảnh thu được. Cách tiếp cận song song này giúp bác sĩ tránh được việc sai lầm trong chuẩn đoán ung thư, đặc biệt ở giai đoạn đầu của bệnh tình.

Vào thời điểm đại dịch bùng phát, Goto đã nói với các nhân viên trong công ty: "Giờ là lúc chúng ta thu hoạch thành quả của chiến lược xoay trục kinh doanh bấy lâu". Thuốc Avigan nhận được sự quan tâm lớn từ chính phủ các nước, để chuẩn bị tăng gia sản xuất, công ty mẹ đã gửi thêm 20 đến 30 nhân viên nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, tiến độ mở rộng năng suất đầu ra.

Thương vụ 1,5 tỷ USD sẽ giúp Fujifilm trở thành công ty sản xuất thiết bị y tế lớn nhất Nhật Bản (ảnh: Fujifilm)

Công ty kỳ vọng lợi nhuận hoạt động của kinh doanh y tế sẽ đạt 45 tỷ yên trong năm nay, tăng 36% so với năm ngoái và chiếm 25% trong tổng lợi nhuận hợp nhất. Lãi ròng tập đoàn dự kiến 125 tỷ yên, tiến gần tới mức kỷ lục của năm tài khóa 2017 là 140 tỷ yên. Đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế có thành tích ấn tượng, nếu so với các đồng nghiệp như Canon, Ricoh,...;

Sắp tới, Fujifilm sẽ hoàn thành vụ mua lại mảng kinh doanh chuẩn đoán hình ảnh từ tập đoàn Hitachi, trị giá 1,5 tỷ USD. Nikkei dự đoán, doanh thu của các mảng kinh doanh liên quan tới y tế của Fujifilm sau khi chốt thương vụ này sẽ tăng mạnh, đạt 700 tỷ yên. Công ty sẽ trở thành hãng sản xuất trang thiết bị y tế lớn nhất Nhật Bản dựa theo doanh thu, vượt qua người dẫn đầu hiện nay là Terumo.

Tuy vậy, công ty vẫn chưa phải hãng thiết bị y tế lớn nhất khi xét đến lợi nhuận, mặc dù kinh doanh máy móc và hợp đồng CDMO sinh học có tỉ suất sinh lời rất cao. Công ty dự báo tỉ suất lợi nhuận sẽ đạt 8,3% trong năm tài khóa 2020 sắp kết thúc. Con số vẫn thấp hơn Terumo (15%) và Olympus (18,6%).

Ambitious Man (Tham khảo Asia Nikei)

Chủ đề khác