VnReview
Hà Nội

Digital Trends: tên gọi “TV QNED” của LG dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng

Trong ngành công nghệ, hiếm có cuộc đụng độ nào dai dẳng và khốc liệt như của Samsung và LG. Hai công ty Hàn Quốc cạnh tranh trên nhiều mặt trận từ đồ nhà bếp cho tới thiết bị điện lạnh, smartphone trong tay bạn cho tới TV tại phòng khách.

Tên gọi "TV QNED" dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng.

Năm ngoái, cuộc chiến giữa hai ông lớn Hàn Quốc đã leo thang tới đỉnh điểm tại mặt trận TV. LG cho rằng cái tên "TV QLED" của Samsung có thể khiến người mua hàng nhầm lẫn, tưởng đó là công nghệ màn hình chấm lượng tử phát quang điện (QDEL). QDEL là một công nghệ màn hình tự phát sáng gần giống OLED, đều không cần đèn nền mà mỗi điểm ảnh tự tạo ra ánh sáng cho mình.

Thực tế, các TV QLED mà Samsung đang kinh doanh đều dùng công nghệ màn hình LCD truyền thống, được bổ sung thêm chấm lượng tử dạng QDEF để tăng cường dải màu, độ sáng. Vì vẫn là LCD, chúng vẫn cần đèn nền LED chiếu sáng, không có đặc tính phát quang như công nghệ LG đề cập bên trên cũng như TV OLED của họ.

LG và Samsung luôn là cặp "oan gia ngõ hẹp" ở thị trường TV

LG sợ rằng khách hàng sẽ gộp chung cả TV QLED lẫn OLED vào cùng loại màn hình phát quang, mà theo quan điểm của hãng, chỉ có TV OLED của họ mới là màn hình phát quang đúng nghĩa. Công ty vẫn luôn quảng cáo sản phẩm sở hữu khả năng bật tắt điểm ảnh, từ đó tạo nên màu đen sâu hoàn hảo. LG muốn khách hàng hiểu rằng, trên thị trường hiện nay chỉ có TV OLED mới cung cấp màn hình phát quang.

Mỗi hãng lại tự bảo vệ quan điểm của mình và phủ định đối phương. LG và Samsung lao vào cuộc chiến marketing với những quảng cáo châm chọc, đá xoáy nhau. Thậm chí tại sự kiện IFA năm ngoái, LG công kích trực tiếp dòng sản phẩm của Samsung. Sau đó tại quê nhà Hàn Quốc, cả hai công ty mở họp báo để đấu tố nhau và bảo vệ sản phẩm của mình.

Đỉnh điểm là gửi đơn khiếu nại lên tổ chức FTC Hàn Quốc nhờ phân xử, sau đó cả hai đã phải giảng hòa, cam kết không tái diễn tình trạng bóc mẽ TV QLED và OLED nữa. Tuy nhiên, có vẻ LG vẫn chưa nguôi ngoai khi mới đây, họ tung ra dòng "TV QNED" dựa trên công nghệ LCD. Theo Digital Trends, hành động của LG cho thấy hãng quyết định sẽ hành động giống Samsung.

LG sẽ đặt QNED vào phân khúc LCD cao cấp, dưới dòng OLED và trên NanoCell.

Công nghệ QNED

Ban đầu, trước khi LG đăng ký thương hiệu và kinh doanh các sản phẩm TV QNED, trong ngành đã biết tới một loại màn hình phát quang mới đang được phát triển. QNED này có nghĩa là Quantum Nano Emitting Diode, một loại màn hình LED mới ứng dụng công nghệ chấm lượng tử vào Blue LED. Vật liệu chế tạo các diode này là GaN, khác với OLED dùng vật liệu hữu cơ.

Samsung Display được cho là đang tích cực theo đuổi công nghệ này. Họ đang hoàn thiện công nghệ QD-OLED để thương mại hóa vào năm sau. Đây là màn hình OLED phân loại Blue OLED, sử dụng bộ chuyển màu chấm lượng tử (QDCC) để tạo thành điểm ảnh cấu trúc RGB. Công nghệ này dự kiến sẽ cạnh tranh trực tiếp với White OLED của LG Display trên thị trường tấm nền OLED cỡ lớn.

Bên cạnh OLED, Samsung Display còn muốn ứng dụng chấm lượng tử lên cả màn hình LED vô cơ (Inorganic LED, phân biệt với Organic LED là loại hữu cơ). Màn hình sẽ là các chip LED hình ống hoặc que, gọi là Nanorod. Sử dụng vật liệu vô cơ GaN và phát ra ánh sáng xanh dương, nên gọi là Blue LED. Phía trên các diode này cũng đặt bộ đổi màu chấm lượng tử, tương tự loại Blue OLED nhắc đến ở trên. Đây là QNED.

Hai công nghệ QD-OLED và QNED mà Samsung Display đang theo đuổi (ảnh: DSCC)

Tuy nhiên, sản phẩm mà LG vừa thông báo lại không sử dụng công nghệ này. Thay vào đó, chúng là các TV LCD với tấm nền IPS như các TV LG trước đây. Công nghệ mới là bổ sung chấm lượng tử lên trước hệ thống đèn nền LED, kết hợp với bộ lọc NanoCell của LG, từ đó cải thiện hiệu suất sản sinh màu. Đại diện LG đã tuyên bố "Q" nghĩa là chấm lượng tử, "N" ám chỉ NanoCell. Đồng thời, xác nhận "TV QNED" của họ không giống công nghệ Samsung theo đuổi.

Ý đồ của LG

Nếu không thể đánh bại được họ, hãy dùng chính cách của họ để khắc chế ngược lại. Sở dĩ LG chọn một cái tên gây bất ngờ với giới công nghệ như vậy, trong khi đã có dòng OLED vốn được công nhận từ lâu, là bởi chỉ có LG kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu "QNED".

Bằng cách đi trước Samsung khi công nghệ màn hình QNED ở trên chưa kịp thương mại hóa (một số còn nghi ngờ nó sẽ mãi chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu, không thể bán ra thị trường), LG đã cướp lấy "ánh đèn sân khấu" từ tay Samsung.

Việc này cũng tương tự như Samsung đặt tên các TV LCD của mình là "QLED" trong khi về bản chất, đó là màn hình LCD với đèn nền LED chứ không phải màn hình QLED - chấm lượng tử phát quang điện. Cả hai hãng đều tìm cách bán TV LCD bằng những cái tên mới, và họ "vô tình" chọn những cái tên vốn được người trong giới dùng để gọi loại màn hình phát quang.

Dưới bàn tay "ma thuật" của LG và Samsung, công chúng giờ sẽ hiểu QNED và QLED là các biến thể dựa trên LCD (ảnh: LG)

Sau này, giả sử có hãng nào đó ra mắt sản phẩm dùng màn hình phát quang QNED hay QLED thực sự, cũng không thể tiếp thị bằng cái tên đó, hơn nữa lại phải giải thích với khách hàng sự vượt trội so với công nghệ cũ. Đặc biệt là phân biệt với các TV LCD đang marketing bằng những cái tên mĩ miều "QNED", "QLED".

Thật may mắn vì cái tên OLED đã quá phổ biến và thông dụng. Nếu bạn mua TV OLED, có thể yên tâm đó là sản phẩm dùng màn hình phát quang đích thực, không phải LCD. Trên thị trường, cũng chỉ có những sản phẩm này được gọi bằng đúng cái tên xứng đáng với công nghệ mà chúng sử dụng.

Người dùng sẽ bị rối

Chắc chắn TV không còn là một thị trường sôi động nữa, khi mà có quá nhiều các nhà sản xuất tham gia, công nghệ thì đã bão hòa. Áp lực cạnh tranh của những hãng dẫn đầu như LG và Samsung đã khiến họ đưa ra các chính sách marketing kém thân thiện như vậy. Những chiến lược được tạo ra nhằm tạo niềm tin ở người mua rằng, sản phẩm của họ đang có công nghệ vô cùng ưu việt, vượt trội đối thủ cạnh tranh.

Trên thị trường hiện nay, chỉ có TV OLED là loại sử dụng màn hình phát quang và có tên gọi chính xác về công nghệ hiển thị

Có thể các công ty Hàn Quốc sẽ nhận được lợi ích lớn là số bán đi lên, giành lấy thị phần của các đối thủ khác. Nhưng về lâu dài, chính người dùng sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực. Bỗng nhiên, chúng ta bị bủa vây bởi những cái tên trông khá giống nhau - QLED, QNED, OLED,... Cách diễn giải ban đầu của các loại công nghệ màn hình phát quang dần bị "bóp méo" không còn đúng nữa, khi mọi người quen với cách hiểu mới.

Chỉ có hai công nghệ màn hình chủ đạo là LCD truyền dẫn ánh sáng và OLED tự phát sáng trên thị trường TV. Nhưng, các nhà sản xuất đang sử dụng những cái tên viết tắt đại diện cho từng loại công nghệ khác nhau, "hô biến" mỗi chữ cái trong đó để thay đổi ý nghĩa theo hướng có lợi cho họ. Cuối cùng, tạo ra một mớ bòng bong tên gọi gây bối rối cho mọi người khi đứng trước quầy TV.

Ambitious Man

Chủ đề khác