VnReview
Hà Nội

Sau bao vất vả, Google đã hoàn tất thương vụ mua lại Fitbit

Sau quá trình đánh giá về mặt luật pháp ở cả hai phía thì mới đây Google đã thông báo họ vừa hoàn tất thương vụ mua lại công ty thiết bị đeo Fitbit.

Fitbit chính thức thuộc quyền sở hữu của Google

Việc Google đang sở hữu và sử dụng một lượng lớn thông tin về sức khỏe của người dùng chính là một điểm đáng quan ngại về mặt luật pháp của thương vụ này. Bởi sau cùng thì quảng cáo có tính định hướng vẫn là tâm điểm chú ý của gã khổng lồ công nghệ.

Do đó, cũng chẳng bất ngờ khi thấy cả Google và Fitbit đều cố gắng tìm cách giải quyết các đồn đoán từ bên ngoài thông qua thông cáo về thương vụ nêu trên. Về phần mình, Google đã sớm khẳng định rằng nguyên do dẫn tới thương vụ này chủ yếu là vì "phần cứng", bởi đây là lĩnh vực mà công ty này đang gặp khó trong vài năm trở lại đây. Bất chấp việc Google cố gắng đến đâu, họ vẫn chẳng thể tìm được vị trí tương xứng với Apple trong danh mục sản phẩm đeo.

Cụ thể, Rick Osterloh, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng thiết bị và dịch vụ của Google, có viết:

"Thương vụ này ngay từ đầu đã tập chung vào thiết bị chứ không phải dữ liệu, và chúng tôi đã nêu rõ quan điểm từ đầu rằng mình sẽ bảo vệ quyền riêng tư của toàn bộ người dùng Fitbit. Chúng tôi đã làm việc với cơ quan chức năng trên toàn cầu dựa trên hướng tiếp cận là làm sao để đảm bảo được kì vọng của người dùng về sự riêng tư. Đặc biệt là trong đó có một loạt cam kết phản ánh rằng dữ liệu sức khỏe của người dùng Fitbit sẽ không được sử dụng cho quảng cáo của Google, theo đó dữ liệu này cũng sẽ được phân loại và tách riêng ra khỏi dữ liệu quảng cáo Google.

Bộ API hiện cho phép các thiết bị theo dõi vận động và đồng hồ thông minh tương tác với điện thoại Android sẽ vẫn được giữ nguyên. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cho phép người dùng đồng bộ hóa dữ liệu ứng dụng bên thứ ba vào tài khoản Fitbit. Cam kết này áp dụng trên toàn cầu nên tất cả người dùng đều được hưởng lợi từ nó. Ngoài ra, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng các nước để họ chắc chắn rằng Google đang giữ vững những cam kết của mình".

James Park, CEO và là đồng sáng lập của Fitbit, cũng viết tương tự: "Niềm tin của người dùng vẫn sẽ là yếu tố tối quan trọng, chúng tôi vẫn sẽ duy trì các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư vả bảo mật mạnh mẽ. Đem quyền kiểm soát dữ liệu tới tay người tiêu dùng và luôn minh bạch về từng loại thông tin và mục đích mà chúng được thu thập. Google sẽ tiếp tục bảo vệ tính riêng tư của người dùng Fitbit và đã thực hiện một loạt cam kết với cơ quan quản lí ở nhiều quốc gia. Đây là yếu tố xác nhận rằng dữ liệu sức khỏe của người dùng Fitbit sẽ không được sử dụng cho quảng cáo Google. Google cũng khẳng định rằng họ vẫn sẽ cho phép người dùng Fitbit tùy ý kết nối với các dịch vụ của bên thứ ba".

Cấp độ và tính nhạy cảm của dữ liệu thu thập bởi những loại thiết bị tiêu dùng như này đang ngày càng tăng thêm. Không những thế, các công ty như Fitbit hay Apple cũng đang tập trung đưa sản phẩm của mình ngang tầm thiết bị y tế. Hai công ty này đều đã thực hiện nhiều nghiên cứu về sức khỏe, tìm cách để FDA thông qua và làm việc với các công ty bảo hiểm. Chẳng khó để nhận thấy rằng, xu hướng trên sẽ chỉ có tăng chứ không thể giảm.

Để thương vụ 2,1 tỷ USD này được hoàn tất, các bên đều phải chấp nhận một phần nhượng bộ. Cụ thể, sau khi "bật đèn xanh" cho Google mua lại Fitbit, châu Âu đã đưa ra không ít cảnh báo. Khi ấy, có trang tin đã viết: "Những cam kết sẽ xác định dữ liệu được thu thập sẽ được Google sử dụng cho quảng cáo như thế nào, khả năng liên kết giữa điện thoại Android và sản phẩm đeo tới từ các đối thủ cạnh tranh sẽ được đảm bảo như thế nào và liệu người dùng có được tiếp tục chia sẻ dữ liệu sức khỏe theo ý muốn nữa không".

Trong đó, một phần của thỏa thuận là Google phải đồng ý không được sử dụng dữ liệu của Fitbit cho quảng cáo trong 10 năm tới, Ủy bản châu Âu cũng phải có quyền được kéo dài thời hạn này thêm 10 năm nữa. Google còn phải đồng ý tiếp tục duy trì quyền truy cập của các nhà phát triển bên thứ ba tới bộ API của Android, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh.

Fitbit được thành lập từ năm 2007. Kể từ ấy, công ty này trở thành biểu tượng của thị trường thiết bị đeo theo dõi vận động. Tuy vậy, công ty này lại gặp khó trong việc duy trì vị thế đi đầu ấy trước sự xuất hiện của đồng hồ thông minh, để rồi cuối cùng là họ phải để tuột mất mảng thị phần tương đối lớn vào tay của Apple Watch. Sau đó Fitbit cũng đã tự mở đường cho mình bằng những sản phẩm như Versa, song dường như đã là quá trễ để họ có thể tự mình thay đổi thế cục.

Thương vụ này cũng rất có ý nghĩa đối với Google khi mà họ không thể tìm được cách để tạo dấu ấn với hệ điều hành Android Wear/Wear OS. Nắm trong tay được Fitbit cũng có nghĩa là nắm trong tay một nhà sản xuất phần cứng đã có tên tuổi. Thương vụ này cũng khá tương đồng với việc Google mua lại một phần tài sản của HTC để phục vụ phát triển dòng điện thoại Pixel, duy chỉ khác ở điểm cái tên Fitbit vẫn còn đủ uy tín để tiếp tục "sống" thêm trong thời gian tới. Một điểm cũng đáng phải nói chính là sự phát triển của Fitbit như hiện nay cũng là nhờ vào một số thương vụ mà công ty này đã thực hiện, trong đó có việc mua lại nhà tiên phong của lĩnh vực đồng hồ thông minh – Pebble.

Cuối năm 2019, Google cũng đã thâu tóm công nghệ sản xuất đồng hồ thông minh của Timex với giá 40 triệu USD. Đây là động thái cho thấy rằng công ty dường như đang lấy Apple Watch làm mục tiêu trực tiếp. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi vì đây là dòng sản phẩm đã mang tới cho Apple không chỉ là doanh thu phần cứng mà còn mở ra cánh cửa dễn tới nhiều loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác mà điển hỉnh chính là dịch vụ Fitness+ mới được ra mắt gần đây. Nếu CES năm nay biết nói thì điều nó khẳng định chính là tập luyện tại nhà đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh khổng lồ với nhiều lợi thế sẵn có. Thậm chí là Samsung cũng đang muốn dấn thân vào "mảnh đất" này.

Trung ND (Tham khảo TechCrunch)

Chủ đề khác