VnReview
Hà Nội

Sạc không dây từ xa của Xiaomi là tương lai của công nghệ không dây?

Một bộ sạc có thể phát ra năng lượng, bạn không cần cắm dây vào thiết bị, thậm chí là không cần đặt lên đế sạc.

Hiện tại, công nghệ sạc không dây chỉ mới có thể tăng tính tiện dụng cho người dùng khi cần sạc pin thiết bị. Bạn không cần phải cắm mớ dây nhợ lùng nhùng hay lo ngại cổng sạc bị bụi bám kín. Tuy nhiên, điện thoại vẫn cần phải đặt trên đế sạc và chiếc điện thoại sẽ mất đi sự linh hoạt khi sạc không dây.

Xiaomi, một công ty công nghệ Trung Quốc, đã ra mắt một video trên Youtube quảng bá một số chi tiết về hệ thống sạc không dây tầm xa chuẩn bị ra mắt, Mi Air Charge. Hệ thống này gồm một trạm phát với kích thước bằng tủ đầu giường nhỏ, bên trong có 144 ăng-ten. Những ăng-ten này sẽ phát "chùm sóng mmWave biên độ cực hẹp" đến các ăng-tenthu sóng đặc biệt tích hợp trên điện thoại di động trong phòng. Khi đó, thiết bị sẽ được sạc với công suất khoảng 5W, một mức khá thấp so với những bộ sạc không dây hiện đại trên thị trường hiện nay.

Một trạm phát có khả năng sạc nhiều thiết bị cùng lúc. Vì vậy, chỉ cần bạn sử dụng các thiết bị có khả năng tương thích với công nghệ sạc này trong phạm vi của hệ thống, chúng sẽ được sạc cùng lúc mà không cần phải kết nối với bộ sạc hay đặt trên đế sạc.

Video vừa tung ra của Xiaomi vẫn chưa cung cấp quá nhiều thông tin chi tiết như thời điểm công nghệ này được sản xuất thương mại, hay thông tin về giá cả. Trong đoạn video ngắn, Xiaomi không đưa ra bất cứ lời hứa hẹn nào. Để bộ sạc này có thể hoạt động, các thiết bị đầu cuối phải được tích hợp bộ thu sóng và chuyển hoá nó thành năng lượng. Hiện cũng có một số công ty đang nghiên cứu bộ sạc không dây tầm xa dựa trên loại ốp lưng điện thoại đặc biệt tích hợp bộ thu sóng và pin dự phòng.

Sạc không dây tầm xa không phải là một ý tưởng quá mới mẻ. Vài năm trước, Disney đã triển khai ý tưởng từ Tesla và tạo ra một căn phòng có khả năng sạc không dây sử dụng công nghệ Khoang cộng hưởng tĩnh (quasistatic cavity resonance – QSCR). Những bức tường và trần nhà được làm bằng nhôm sẽ truyền điện năng từ tụ điện tới cuộn dây đồng nằm giữa phòng. Các thiết bị điện tử trong căn phòng này sẽ được sạc điện thông qua từ trường.

Ảnh: Disney Research

Công ty Ossia đã nghiên cứu một loại pin có khả năng sạc không dây từ xa hơn 5 năm qua, đầu tiên là phát triển pin AA và sau đó là mở rộng nghiên cứu sang pin dành cho điện thoại thông minh với khả năng sạc từ khoảng cách đến 9m. Ngoài ra, chúng ta cũng đã được nghe về các dự án và những thiết bị thử nghiệm khá hứa hẹn được trình bày tại CES. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thiết bị chính thức nào được thương mại hoá. Hãng Energous cũng có một kế hoạch tương tự với hệ thống WattUp. Hệ thống này sử dụng sóng RF để sạc các thiết bị với công suất lên đến 15W mà không cần bất cứ liên kết vật lý nào.

Ngoài ra còn có hệ thống Wi-Charge của PowerPuck sử dụng chùm tia hồng ngoại để sạc điện cho thiết bị với khoảng cách lên đến 9m mà không bị suy giảm công suất theo khoảng cách. Tuy nhiên, hệ thống này sử dụng nguồn năng lượng thấp, nó phù hợp với những thiết bị nhỏ, ít tốn năng lượng hơn, như khoá thông minh hay cảm biến an ninh. Công ty này cũng thông báo họ đã hợp tác với nhiều công ty khác, trong đó, đối tác gần đây nhất là hãng khoá thông minh Alfred.

Với những hình ảnh trong video của Xiaomi, thiết bị này sẽ rất hứa hẹn nếu nó thật sự có khả năng hoạt động như quảng cáo. Bộ phát sóng có kích thước khá lớn. Với công nghệ sóng mmWave, Xiaomi cho biết thiết bị vẫn có thể hoạt động tốt với các vật cản. Ngoài ra, công nghệ sóng mmWave còn liên quan đến khả năng truyền dữ liệu qua mạng 5G.

Điều đáng chú ý là Xiaomi không đưa ra ngày ra mắt sản phẩm cũng như không rõ thiết bị này có được thương mại hoá hay không. Nhưng đây vẫn là một bước tiến gần hơn với khả năng thương mại hoá một hệ thống sạc không dây tầm xa trong tương lai không xa.

Minh Bảo;(Tham khảo Popular Science)

Chủ đề khác