VnReview
Hà Nội

Hai ông lớn công nghệ Trung Quốc khẩu chiến căng thẳng về những hành xử độc quyền

Hôm 2/2, công ty chủ sở hữu của TikTok, ByteDance, đã kiện tập đoàn Tencent với cáo buộc rằng đối thủ có trụ sở tại Bắc Kinh này vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc. Theo đó, Tencent được cho là đã chặn quyền chia sẻ nội dung từ ứng dụng Douyin (phiên bản nội địa của TikTok) thông qua WeChat và QQ.

Theo báo;SCMP, ByteDance đang yêu cầu Tencent bồi thường 90 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD) vì hành động chặn liên kết đến Douyin của công ty này trên các nền tảng nhắn tin WeChat và QQ. Đại diện phát ngôn của ByteDance cho biết: "Chúng tôi tin rằng các công ty Trung Quốc nên cạnh tranh trên tinh thần giúp nhau thúc đẩy sự đổi mới cho ứng dụng cũng như mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Nhưng Tencent lại làm điều trái ngược. Chúng tôi đã đệ đơn chống độc quyền đối với Tencent để bảo vệ quyền lợi của công ty và những người dùng của Douyin"

Về phía Tencent, công ty này cũng có động thái đáp trả qua bài viết đăng trên tài khoản WeChat chính thức của họ. Cụ thể, Tencent cho biết rằng họ không nhận được bất kỳ tài liệu nào liên quan đến vụ kiện và các cáo buộc của ByteDance là "vu khống ác ý" và "không đúng sự thật". Tencent tuyên bố cũng sẽ công khai chống lại ByteDance và cáo buộc rằng nhà phát triển TikTok đã "phá hỏng" hệ sinh thái ứng dụng của mình cũng như vi phạm quyền người dùng. 

Cũng vào hôm 2/2, ByteDance đã nhanh chóng phủ nhận tin đồn rằng Douyin chặn người dùng liên kết nội dung đến WeChat và QQ và cho biết các cáo buộc nhắm vào họ đã được lên kế hoạch từ trước. Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh lại bổ sung rằng họ chỉ chặn liên kết từ Douyin đến WeChat và QQ của những người sáng tạo nội dung liên quan đến tài chính và sức khỏe. Theo ByteDamce, những nội dung này có nhiều nguy cơ lừa đảo cũng như hoạt động bán hàng bất hợp pháp trên ứng dụng.

Các video về tài chính, gồm nhiều nội dung liên quan đến kinh tế và quản lý tài sản, là một trong những video phổ biến nhất trên Douyin. Theo nguồn tin nội bộ của công ty, tính đến tháng 11/2020, các video tài chính có tổng cộng gần 100 triệu người dùng đã tương tác và khoảng 29 triệu người sáng tạo nội dung. "Đây là một chiến lược khá phổ biến trong ngành dùng để giảm sức giảm sức ảnh hưởng của đối thủ trên internet và không có điều luật cấm nào đối với hành vi này", Ge Jia, nhà phân tích đã nghiên cứu về ngành công nghiệp này trong hơn hai thập kỷ. 

Hôm 1/2, ByteDance cho biết Douyin sẽ không cho phép những người sáng tạo nội dung liên quan đến tài chính và sức khỏe mà có lượng tương tác cao trên nền tảng này, chuyển hướng người theo dõi của họ đến hai ứng dụng của Tencent gồm WeChat và QQ."Nhiều vấn đề sẽ xảy ra nếu những người sáng tạo nội dung liên quan đến tài chính và y tế phát video trên các nền tảng khác ngoài Douyin. Chẳng hạn như một số người có thể tận dụng để bán các khóa học, cổ phiếu bất hợp pháp hoặc tư vấn y tế trên WeChat hoặc QQ, điều này có thể gây thiệt hại cho tài sản và sự an toàn cá nhân của người dùng", ByteDance chia sẻ trong bài viết đăng trên trang Weibo chính thức của công ty. 

Ngoài ra, ByteDance cho biết chính sách này chỉ áp dụng đối với những người sáng tạo nội dung về lĩnh vực tài chính và chăm sóc sức khỏe. Do đó, những nhà sáng tạo các nội dung còn lại vẫn có thể nhập thông tin liên hệ bao gồm chi tiết về tài khoản WeChat vào Douyin. Tuyên bố này của ByteDance được đưa ra để bác bỏ những tin đồn lan truyền trước đó nói rằng công ty đang cố gắng chặn Tencent khỏi nền tảng mạng xã hội của mình. Trong đó có thể kể đến bài đăng do trang Leiphone của Trung Quốc đưa tin với nội dung là một số người dùng đã bị Douyin yêu cầu xóa các thông tin liên hệ "không liên quan" trên ứng dụng, ẩn ý đề cập đến WeChat. Không lâu sau đó, bài báo này đã bị gỡ xuống. 

Trước đây, ByteDance từng phản đối chính sách cấm liên kết nội dung từ Douyin đến WeChat và cả bộ công cụ văn phòng đám mây Feishu. Vào năm 2019, ByteDance đã đệ đơn kiện chống độc quyền Tencent nhưng vụ việc không có chút tiến triển. Tiếp đó, tháng 12/2020, tòa án ở thành phố Phúc Châu, nơi diễn ra vụ khởi kiện cho biết các vụ kiện sau đó đã được điều qua cho tòa án ở Thâm Quyến xử lý. 

Tính đến tháng 8/2020, ứng dụng Douyin đã thu hút đến 600 triệu người dùng. Hiện tại, mạng xã hội này đang chuẩn bị bổ sung thêm nhiều tính năng xã hội và trò chơi trực tuyến. Không chỉ có ByteDance lấn sân sang lĩnh vực game của Tencent, mà trước đó Tencent cũng đã ra mắt tính năng video ngắn trên ứng dụng WeChat của mình vào năm ngoái. Như đã biết, năm ngoái, ByteDance còn mở rộng sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thông qua việc khởi chạy lại các ứng dụng chăm sóc sức khỏe trực tuyến trên nền tảng Xiaohe. Hôm 1/2, hãng vừa cho ra mắt Xiaohe Yidian, một cuốn bách khoa toàn thư về y tế tương tự như một sản phẩm của Tencent. Có thể nói, cuộc chiến thương mại của hai gã khổng lồ giải trí Trung Quốc đang khá căng thẳng. 

Theo SCMP, đây không phải là lần đầu tiên mà Douyin chặn liên kết nội dung từ các ứng dụng khác. Hồi tháng 10/2020, nền tảng này đã chặn người dùng liên kết đến các website của nhà phát triển bên thứ ba như Taobao, JD.com trong bối cảnh ByteDance tăng cường đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử. 

Chí Tôn

Chủ đề khác