VnReview
Hà Nội

Hãng bán dẫn hàng đầu Trung Quốc cũng "khốn cùng" trước lệnh cấm từ Mỹ

Những tưởng SMIC, nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, có thể giúp Huawei thoát khỏi lệnh cấm vận do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra. Nhưng SMIC vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của lệnh cấm và chịu tác động không mấy khả quan.

Theo Phone Arena, Mỹ đã thay đổi quy tắc xuất khẩu để các bên gia công chipset sử dụng công nghệ Mỹ không thể bán linh kiện cho Huawei. Trong đó, lệnh cấm này có hiệu lực lên cả các vi xử lý do chính Huawei thiết kế và làm chủ. Mặc dù đã tìm mọi cách để khắc phục vấn đề không thể sử dụng hệ điều hành Android do Google tước giấy phép, lệnh cấm chip đã gây thiệt hại nặng nề đến Huawei.

Năm 2020, Huawei đã ra mắt chip Kirin 9000 được sản xuất trên tiến trình 5 nm đầu tiên của hãng cùng với dòng smartphone cao cấp Mate 40. Nhưng phần lớn số chip đó đều là hàng tồn kho được Huawei dự trữ trước khi lệnh cấm có hiệu lực và đến nay đã dần cạn kiệt.

Trước tình hình bị bao vây khắp nơi, Huawei đã chuyển giao một số thiết kế chip HiSilicon Kirin của mình cho SMIC sản xuất. Tuy nhiên, do giới hạn về công nghệ nên SMIC chỉ có thể cung cấp chip sử dụng tiến trình 14 nm và 28 nm. Số tiến trình càng thấp càng cho phép Huawei làm ra những bộ vi xử lý mạnh về hiệu năng và tiết kiệm năng lượng.

Cũng trong năm 2020, trước khi quy tắc xuất khẩu mới có hiệu lực, Huawei đã thuê SMIC sản xuất chip Kirin 710A dùng trên các máy phân khúc tầm trung. Với tiến trình 14 nm hiện đại nhất mà công ty có được, SMIC đã sản xuất linh kiện cho Huawei.

Vì vậy, với Kirin 9000 dựa trên tiến trình 5 nm, SMIC không thể giúp Huawei sản xuất và vượt qua lệnh cấm Mỹ. Ngoài ra, do một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến có nguồn gốc từ Mỹ, SMIC đã bị ảnh hưởng và bị ngăn cung cấp chip 14 nm và 28 nm cho Huawei, The Wall Street Journal nhấn mạnh.


Doanh số bán chip 14 nm và 28 nm của SMIC cho Huawei

Kết quả là doanh số chip SMIC bán cho Huawei đã giảm từ 14,6% trong quý III xuống còn 5% trong quý IV năm 2020. Việc thay đổi quy tắc xuất khẩu có hiệu lực vào giữa tháng 9/2020 đã giải thích sự gia tăng doanh số trong 10 tuần đầu tiên của quý III và giảm mạnh vào quý IV.

Tháng 12/2020, SMIC đã bị chính quyền Trump đưa vào danh sách bị cấm tiếp cận với công nghệ do Mỹ sản xuất và phải xin giấy phép mới có thể tiếp tục lưu hành. Các vi xử lý được SMIC sản xuất bằng tiến trình 10 nm trở xuống sẽ đối mặt với việc không được Mỹ thông qua. Trước đó, công ty kỳ vọng có thể tiến tới dây chuyền 7 nm và 10 nm, nhưng lệnh cấm Mỹ đã cản chân họ.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết nguyên nhân dẫn đến quyết định này là để "ngăn chặn công nghệ quan trọng hỗ trợ các nỗ lực tổng hợp quân-dân sự của chính phủ Trung Quốc". Cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tuyên bố khi thông báo SMIC bị liệt vào danh sách cấm vận được đưa ra như sau: "Chúng tôi không cho phép công nghệ hiện đại của Mỹ giúp xây dựng quân đội cho một kẻ thù ngày càng hiếu chiến. Nhờ mối quan hệ của SMIC với tổ chức công nghiệp quân sự, Trung Quốc đã tích cực áp dụng các nhiệm vụ tổng hợp lực lượng quân sự và trợ cấp do nhà nước chỉ đạo.

SMIC là hình ảnh minh họa hoàn hảo những rủi ro của việc Trung Quốc sử dụng công nghệ Mỹ để hỗ trợ hiện đại hóa quân đội nước này. Việc đưa SMIC vào danh sách thực thể là biện pháp cần thiết để đảm bảo Trung Quốc không thể tận dụng công nghệ của Mỹ để nâng cao trình độ công nghệ địa phương nhằm hỗ trợ các hoạt động gây bất ổn quân sự".

Ngọc Diệp (Theo Phone Arena)

Chủ đề khác