VnReview
Hà Nội

Người dùng cần bao nhiêu ví điện tử trong điện thoại?

Hiện nay người dùng có xu hướng cài nhiều ví điện tử, ứng dụng thanh toán, tài chính số trong máy để đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng, nhưng thực tế có thể điều này là không cần thiết.

Thị trường Việt Nam hiện nay đang có 60% dân số là những người trẻ, dưới 35 tuổi, có hiểu biết về công nghệ và sẵn sàng tiếp nhận các dịch vụ mới. Sự ủng hộ của Chính phủ trong thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp cho các ví điện tử, giải pháp thanh toán trên điện thoại bùng nổ trong những năm gần đây.

Với người dùng, không còn khó để có thể sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán trong đời sống. Tại nhiều cửa hàng tiện lợi, quán cafe, khách hàng có thể bắt gặp các nhãn dán mã QR ở quầy thanh toán. Khách hàng chỉ cần quét mã này để có thể trả tiền dịch vụ.

Anh Linh, chủ quán cafe ở Tô Ngọc Vân - Hà Nội chia sẻ: "Số lượng các thanh toán qua ví điện tử ở cửa hàng chưa tới 10% mỗi ngày nhưng đó vẫn là lựa chọn tốt của khách khi không muốn sử dụng tiền mặt. Việc thanh toán qua ví cũng rất thuận tiện do không cần các bước đăng ký với ngân hàng phức tạp như máy POS, đồng thời cũng có khách có sẵn các giảm giá nên họ có thể tận dụng ưu đãi của mình".

Thanh toán qua ví điện tử là một trong những lựa chọn phổ biến vì độ thuận tiện

Số lượng ví điện tử tại Việt Nam đang rất lớn khiến cho mọi dịch vụ buộc phải tìm một thị trường riêng để tiếp cận khách hàng. Có ví tập trung vào khả năng thanh toán cho các mua sắm trực tuyến, có ứng dụng hướng tới người dùng các dịch vụ liên quan đến chuyển tiền. Điều này đang khiến cho người dùng phải cài trên điện thoại của mình và để tiền trong vài ứng dụng ví điện tử khác nhau.

Theo khảo sát của Q&Me được công bố vào cuối năm 2020, 88% thị phần ví điện tử ở Việt Nam đang thuộc về 4 cái tên: Momo, ViettelPay, AirPay và ZaloPay. Đây cũng là những thương hiệu có được sự trung thành của người dùng lớn nhất, thể hiện ở hạng mục có khách hàng đang sử dụng dịch vụ thường xuyên.

Dịch vụ nào phù hợp với nhu cầu nào?

Cũng theo khảo sát, có những yếu tố chính để khách hàng lựa chọn một ứng dụng thanh toán. Trong số này quan trọng nhất là sự tiện lợi khi sử dụng, có thể thanh toán nhiều dịch vụ, không mất phí sử dụng và có các chương trình khuyến mại.

Các ví điện tử, dịch vụ thanh toán tại Việt Nam (ảnh: Topdev)

Với nhu cầu về thanh toán tại các điểm mua sắm truyền thống, 2 cái tên nổi bật là Momo và GrabPay khi có độ phủ đáng kể ở khu vực thành phố, đặc biệt là các điểm café, cửa hàng. ViettelPay xuất hiện ở nhiều danh mục thanh toán nhất gồm: thanh toán cước viễn thông, thanh toán khoản vay, thanh toán hóa đơn. Riêng với khả năng thanh toán Online, cái tên dẫn đẫu lại là AirPay, do sự liên kết chặt chẽ với Sàn Thương mại điện tử Shopee.

Chi phí sử dụng cũng là một yếu tố tạo ra khác biệt giữa các ví điện tử. Momo hay ZaloPay sẽ tính phí khi khách hàng nạp tiền từ thẻ ghi nợ, chỉ miễn phí rút tiền về tài khoản ngân hàng trong 3 giao dịch đầu tiên. Ngược lại, ViettelPay tương đối chú trọng tới việc ưu tiên nạp rút cho khách hàng khi miễn phí nạp rút tới 50.000.000đ/ tháng từ thẻ ngân hàng và các điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước.

So sánh phí sử dụng của một số ứng dụng

Chạy đua khuyến mại cuối năm

Một yếu tố khác để các ví điện tử có thể lôi kéo hoặc giữ chân người dùng của mình. Nhân dịp cuối năm, các ví điện tử trong nước đều đồng loạt đưa ra các chương trình khuyến mại. Theo thường lệ các năm, Momo thường đưa ra một số trò chơi trong ứng dụng của mình. Các trò chơi này ngoài việc mang tính vui vẻ như xem bói, còn có cả các giải thưởng, cần người dùng phải phối hợp với nhau để hoàn thành việc tìm kiếm quà tặng.

ViettelPay trong thời gian Tết lại hướng tới miễn toàn bộ phí mọi giao dịch chuyển khoản tới số thẻ, số điện thoại, số tài khoản, đồng thời lì xì và tặng quà các khách hàng sử dụng ứng dụng. Ngoài ra, Tết 2021, ViettelPay cũng triển khai tính năng lì xì công nghệ - giúp người dùng có thể lì xì mà không cần mang tiền mặt, hạn chế tiếp xúc. ;

ViettelPay trong Tết 2021 tạo ưu đãi cho người dùng thông qua việc miễn phí các dịch vụ trong ứng dụng.

Có thể thấy mỗi ứng dụng hiện nay đều có một lợi thế riêng và đang áp dụng một chiến lược tiếp cận khách hàng riêng. Có dịch vụ hướng tới khách hàng của một hệ thống thương mại điện tử, có thể hướng tới khách hàng sử dụng dịch vụ di chuyển.

Tiềm năng của thị trường ví điện tử ở Việt Nam vẫn còn tương đối rộng mở, khi tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trên cả nước mới chỉ ở mức 14% (theo nhận định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được sân chơi này, các ví điện tử cần phải nhanh chóng tạo ra sự khác biệt từ chính sản phẩm. Moca với hệ sinh thái Grab đang làm khá tốt điều này khi gắn liền với các ứng dụng thiết yếu tại đô thị như đặt xe, vận chuyển đồ ăn…

Bên cạnh đó, không thể bỏ qua ViettelPay với việc từng bước tiến vào lĩnh vực tài chính cá nhân khi cho phép thực hiện vay tiêu dùng, đầu tư vào quỹ ngay trong ứng dụng. Đây cũng là cái tên duy nhất đang tạo ra được độ phủ đáng kể tại khu vực nông thôn, tận dụng lợi thế viễn thông để kết nối với các người dùng tiềm năng tại 63 tỉnh thành.

TTDN

Chủ đề khác