VnReview
Hà Nội

Mỹ và đồng minh xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ 'không có Trung Quốc'

Việc các nước phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đối với sản phẩm quan trọng làm dấy lên lo ngại rủi ro an ninh. Chính vì thế, Mỹ và các quốc gia đồng minh đang ấp ủ kế hoạch loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Trong tháng 2 này, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định sẽ thông qua một lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng chip và các sản phẩm công nghệ thiết yếu. Theo đó, Mỹ sẽ hợp tác với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc để giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.

Nội dung sắc lệnh đề cập đến việc phát triển chiến lược cho một chuỗi cung ứng đa quốc gia, đồng thời kêu gọi sự giúp sức từ những mạng lưới cung ứng ít chịu sự tác động, gián đoạn bởi thiên tai hay lệnh trừng phạt từ các nước. Liên minh công nghệ này sẽ tập trung vào phát triển chất bán dẫn, pin xe điện, kim loại đất hiếm và vật tư y tế, theo dự thảo được báo;Nikkei tiết lộ.

Bắt tay với các đồng minh có thể giúp Mỹ tạo nên chuỗi cung ứng mạnh mẽ, linh hoạt, qua đó cho thấy mối quan hệ quốc tế sẽ là trọng tâm chính trong kế hoạch lần này. Chính quyền Washington dự kiến theo đuổi quan hệ đối tác với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc về lĩnh vực sản xuất chip, trong khi với các nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Úc về đất hiếm.

Mỹ sẽ chia sẻ thông tin với các đồng minh trong mạng lưới cung ứng và tìm cách thúc đẩy năng lực sản xuất. Với việc thành lập liên minh, các thành viên sẽ san sẻ kịp thời, nhanh chóng các mặt hàng công nghệ trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận đến vấn đề đảm bảo nguồn kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Bù lại, họ có thể phải giảm bớt mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc theo yêu cầu từ phía Mỹ.

Lệnh hành pháp mới được ra đời trong bối cảnh cấp bách, nhất là khi trình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đặc biệt ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ôtô. Tập đoàn tư vấn Boston cho biết thị phần của Mỹ về năng lực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã giảm mạnh trong vài thập kỷ qua. Con số 37% của năm 1990 giờ đây giảm xuống còn 12%.

Trong khi phía Đài Loan, quốc gia đứng đầu về sản xuất bán dẫn với tỷ lệ 22%, đã tăng cường sản xuất. Các nhà máy trong nước tuy hoạt động hết công suất nhưng vẫn có rất ít lựa chọn cung ứng để thúc đẩy nguồn cung ngắn hạn.

Boston dự báo các nhà sản xuất Trung Quốc, với gói trợ cấp 100 tỷ USD từ chính phủ, sẽ dẫn đầu thế giới vào năm 2030 với 24% thị phần. Việc các nước phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc đối với sản phẩm quan trọng làm dấy lên lo ngại rủi ro an ninh, Mỹ cho biết.

Chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng nhiều biện pháp chặt chẽ để gây áp lực lên các đối tác thương mại, đơn cử như đề ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp tại quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý mà phía Trung Quốc nhận đây là khu vực Điếu Ngư.

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng sẽ tốn rất nhiều thời gian, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn. Bởi vì số lượng xưởng đúc bán dẫn hàng đầu trên thế giới có hạn nên họ cần lý do thúc đẩy để quyết định xem có nên đi theo sự dẫn dắt của Mỹ hay không. Cùng với đó, Mỹ cần sự đồng thuận và hợp tác từ chính phủ các nước.

Washington bước đầu đã đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, thân thiện với các nước như Đài Loan. Quan chức cấp cao hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 11/2020 nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ trong 7 lĩnh vực, bao gồm chất bán dẫn và mạng không dây 5G.

Nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC đã đồng ý thỏa thuận xây dựng nhà máy ở bang Arizona, Mỹ vào năm ngoái. Đây có thể được xem là biểu tượng của mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Đài Loan. TSMC dự kiến đầu tư 12 tỷ USD vào nhà máy ở Mỹ, nơi cung ứng chất bán dẫn cho quân đội và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024.

Ngọc Diệp (Tham khảo Nikkei Asia)

Chủ đề khác