VnReview
Hà Nội

Vì sao Bitcoin và các loại tiền ảo không hợp pháp tại Việt Nam?

Theo các quy định của pháp luật, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không hợp pháp tại Việt Nam và hành vi phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dấu hiệu cha đẻ Bitcoin vừa 'xả hàng', thị trường sắp dậy sóng?;

Bitcoin không hợp pháp

Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Bitcoin hoặc một số loại tiền khác không phải là tiền pháp định. Đây là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự pháp triển công nghiệp và không phải là tiền điện tử. Ông Tú nói: 'Nó không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam'.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của chúng ta hiện nay là vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng hiện nay đang phối hợp để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào Bitcoin đã rộ lên ở Việt Nam từ khá lâu và câu hỏi nó có hợp pháp không đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, đến gần đây khi giá Bitcoin tăng rất mạnh nên vấn đề này rất được quan tâm. Vậy vì sao Bitcoin lại không hợp pháp ở Việt Nam?

Vào năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 5747/NHNN-PC trả lời kiến nghị của ông Vũ Thái Hà về việc thiết kế trung tâm máy tính Bitcoin, Litecoin và các loại tiền ảo. Nội dung của công văn này có đoạn: 'Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư'. Như vậy, từ lâu nay Bitcoin và các loại tiền ảo đã không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Trong điều 105, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Tài sản như sau:

- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Trong khi đó, điều 16 Luật Ngân hàng 2010 quy định: 'Đơn vị tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là 'Đồng', ký hiệu quốc gia là 'đ', ký hiệu quốc tế là 'VND', một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu'.

Như vậy, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là đồng tiền pháp định của Việt Nam và nó không được coi là một loại tài sản theo pháp luật nước ta.

Ngoài ra, điểm a, khoản 2, điều 6 Luật Ngân hàng 2020 cũng định nghĩa ngoại tệ là 'Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực'. Theo định nghĩa này thì Bitcoin cũng không phải là ngoại tệ.

Như vậy, Bitcoin không phải là đơn vị tiền của Việt Nam cũng không phải là ngoại tệ và càng không phải là một loại tài sản. Vì vậy, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không hợp pháp tại Việt Nam.

Có được thanh toán bằng Bitcoin không?

Theo điều 1, nghị định 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc các đối tượng kể trên.

Như vậy, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời, các loại tiền ảo không được phép dùng để thay thế tiền mặt hoặc phương tiện thay tế tiền mặt trong các giao dịch mua bán.

Tại điểm 6, điều 26, nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;

- Cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên;

- Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cùng với đó, điều 206, Bộ luật hình sự 2015 quy định việc Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả; tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gây thiệt hại về tài sản gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Như vậy, Việt Nam hiện chưa công nhận Bitcoin và các loại tiền ảo là một phương tiện thanh toán. Hành vi phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

T.T

Chủ đề khác