VnReview
Hà Nội

6 điện thoại chứng minh LG không bao giờ ngại cải tiến

Gần đây, có thông tin cho biết LG sẽ sớm rời bỏ ngành công nghiệp smartphone. Dù gã khổng lồ Hàn Quốc đã công bố kết quả kinh doanh cho thấy tình trạng thua lỗ trong nhiều quý liên tiếp, họ vẫn tiếp tục thể hiện khao khát sáng tạo của mình qua từng sản phẩm, một đức tính mà chúng ta luôn muốn thấy ở các nhà sản xuất di động.

Nhằm vinh danh những cống hiến của LG đối với ngành công nghiệp điện thoại, dưới đây là 6 mẫu smartphone thú vị mà họ từng chế tạo ra, một vài trong số đó đến từ thời kỳ mà mảng di động của LG vẫn chưa rơi vào khủng hoảng.

1. LG DoublePlay

Điện thoại màn hình kép chẳng xa lạ gì với LG, đến mức có thể khẳng định rằng những nhà sản xuất có nhiều kinh nghiệm với loại điện thoại này như LG chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

Một trong những điện thoại màn hình kép đầu tiên của hãng là LG DoublePlay ra mắt năm 2011, một mẫu smartphone Android với thiết kế trượt ngang, khi mở sẽ lộ ra bàn phím QWERTY với một màn hình nằm giữa hai hàng phím.

Màn hình chính của máy có kích thước 3.5-inch, độ phân giải 320x480, và màn hình nhỏ có kích thước 2.0 inch, chia bàn phím thành hai nửa đều nhau.

Màn hình nhỏ của DoublePlay có chức năng gì? Nó có thể hiển thị các nút điều khiển nhạc trong khi bạn đang lướt web ở màn hình chính. Nó còn đóng vai trò một phần mở rộng cho màn hình lớn đối với một vài tính năng nhất định. Ví dụ, bạn có thể duyệt qua danh sách đánh dấu trang hoặc các tab đang mở trên màn hình nhỏ trong khi trình duyệt chính đang mở trên màn hình lớn. Ngoài ra còn có một ứng dụng tên Richnote, cho phép bạn nhanh chóng ghi chú thông tin hoặc ý tưởng mà không cần thoát khỏi ứng dụng trên màn hình chính. Màn hình nhỏ còn có nhiều công dụng khác nữa, nhưng thú vị nhất có lẽ là tính năn đẩy ứng dụng từ màn hình nhỏ sang màn hình lớn chỉ với một nút bấm duy nhất.

2. LG Crystal

Ngày nay, chúng ta đã chứng kiến một vài công ty tung ra những mẫu điện thoại với mặt lưng xuyên thấu, cho phép bạn thấy "linh kiện bên trong". Những chiếc điện thoại này đều như đồ chơi con nít khi so với LG GD900 Crystal ra mắt năm 2009, một mẫu điện thoại trượt với một phần xuyên thấu thực sự, làm lộ ra linh kiện chính hiệu bên trong thay vì chỉ là hàng giả như ai kia.

Bàn phím số trong suốt của LG Crystal trên thực tế là một màn hình cảm ứng với các ký tự và số được khắc lên trên bề mặt. Nó có đèn nền giúp thiết bị trông cực kỳ hấp dẫn trong đêm tối. Và bởi đây là màn hình cảm ứng, bạn có thể lướt ngón tay bên trên và sử dụng nó để điều hướng thiết bị giống như dùng bàn rê chuột trên laptop vậy. Bề mặt này cũng hỗ trợ các thao tác đa chạm như búng ngón tay để zoom nữa.

3. LG G Flex

LG G Flex là một thiết bị mang trong mình nhiều công nghệ ấn tượng. Từ màn hình OLED nhựa uốn cong giúp tăng độ thoải mái khi sử dụng, đến pin LiPo dẻo, và mặt lưng được phủ một lớp đặc biệt có khả năng tự lành khi trầy xước; LG G Flex xứng đáng được đưa vào bảng vàng của làng smartphone.

Những tính năng thú vị khác của LG G Flex bao gồm nút nguồn và nút tăng giảm âm lượng ở mặt lưng, cùng với bộ phát tia hồng ngoại cho phép bạn điều khiển các thiết bị điện tử gia dụng bằng cách giữ điện thoại thẳng đứng thay vì nằm ngang như một chiếc điều khiển từ xa thông thường.

4. LG G5

LG G5 có thể được xem là một trong những thất bại của LG, nhưng nó xứng đáng được nhắc đến bởi là nỗ lực nhằm tạo ra một chiếc smartphone mô-đun của LG, loại smartphone mà rất hiếm nhà sản xuất nào dám thử.

G5 có một thành phần gọi là Magic Slot, cho phép bạn tháo bỏ phần đáy của điện thoại và thay vào đó một món phụ kiện bổ sung. LG gọi những phụ kiện này là LG Friends. Một trong số chúng là LG Cam Plus, mang lại cho người dùng những nút bấm vật lý để điều khiển camera, như nút chụp, nút quay phim, và vòng xoay để zoom.

Phụ kiện này còn được tích hợp pin, giúp tăng thời gian sử dụng của điện thoại khi lắp vào. Một phụ kiện khác là LG Hi-Fi Plus, bổ sung một DAC thương hiệu Bang & Olufsen cho các tín đồ âm thanh hi-res.

5. LG V10

Ở trên, chúng ta đã nói rằng LG không xa lạ với màn hình kép, và LG V10 là một ví dụ khác cho thấy nỗi ám ảnh của nhà sản xuất Hàn Quốc với kiểu thiết kế này. Flagship V10 ra mắt năm 2015 có hai màn hình, trong đó màn hình nhỏ nằm ngay phía trên màn hình chính.

Màn hình chính có kích cỡ 5.7-inch, độ phân giải QHD, và màn hình nhỏ có kích cỡ 2.1-inch, hỗ trợ cảm ứng, nằm cạnh cụm camera selfie kép. Nhân tiện, LG cũng là nhà sản xuất đầu tiên tung ra một chiếc điện thoại có 2 camera trước!

Màn hình thứ hai của V10 có driver hiển thị riêng, có nghĩa nó hoạt động độc lập với màn hình chính. Nó có khả năng luôn hiển thị, và bên cạnh hiển thị thông báo, màn hình này còn có một dãy các biểu tượng lối tắt cho các ứng dụng nhất định, cùng các nút bật/tắt các tính năng như Wi-Fi, camera, đèn pin, và chế độ rung/chuông. Bạn có thể tuỳ biến màn hình này để hiển thị một dòng chữ tuỳ ý. Khi màn hình chính đang được sử dụng, màn hình nhỏ sẽ hiển thị menu các ứng dụng gần nhất, và lối tắt đến các tính năng như chụp ảnh màn hình.

6. LG Wing

LG Wing là nỗ lực cuối cùng của LG nhằm tạo ra một thiết bị màn hình kép, và lần này họ chọn hướng đi khác với hai mẫu đã nêu trên.

Trên Wing, LG thiết kế màn hình thứ hai ẩn đằng sau màn hình chính, và để truy cập đến màn hình này, bạn phải trượt màn hình ngoài (kích cỡ 6.8-inch) - vốn kết nối đến một khớp chuyển - sang bên trái. Với màn hình chính nay đã chuyển sang chế độ nằm ngang, bạn sẽ thấy màn hình thứ hai, nhỏ hơn, kích cỡ 3.9-inch. Khi mở ra, LG Wing trông như chữ T viết hoa vậy. Bạn có thể cầm điện thoại ở chế độ này, hoặc hướng xuống dưới để màn hình lớn hơn nằm bên dưới.

Thiết kế màn hình kép như LG Wing có khá nhiều ưu điểm. Bạn có thể xem video YouTube trên màn hình chính trong khi lướt Facebook ở màn hình thứ hai. Ngoài ra, nếu bạn mở ứng dụng camera, màn hình thứ hai sẽ hiển thị các nút điều khiển, và bạn có thể cuộn qua thư viện ảnh ở màn hình nhỏ, còn màn hình lớn sẽ hiển thị ảnh đang được chọn. Nhiều ứng dụng đa phương tiện cũng tận dụng màn hình thứ hai để hiển thị các nút điều khiển trong khi phát nội dung ở màn hình lớn hơn. Tất nhiên, vẫn còn nhiều tình huống sử dụng khá thú vị khác nữa.

Minh.T.T;(Tham khảo GizmoChina)

Chủ đề khác