VnReview
Hà Nội

Đài Loan truy tố các công ty “tiếp tay” săn nhân tài bán dẫn cho Trung Quốc

Hai công ty tại Đài Loan mới đây bị cáo buộc tiếp tay săn các nhân tài cho Trung Quốc đại lục và phá hoại ngành công nghiệp bán dẫn địa phương.

Chính quyền Đài Loan mới đây đã đột kích văn phòng của hai công ty bị cáo buộc săn trộm nhân tài nghiên cứu chip cho một nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc đại lục.

Văn phòng công tố ở quận Tân Đài Bắc cho biết, cuộc đột kích vào các văn phòng của WiseCore Technology và IC Link, những công ty đã tuyển dụng hàng trăm chuyên gia chip trong ba năm qua thông qua liên doanh với một nhà sản xuất chip của Trung Quốc đại lục.

Tên của công ty chip AI ở Trung Quốc đại lục liên quan đến việc tuyển dụng trái phép không được các công tố viên Đài Bắc tiết lộ nhưng Nikkei Asia cho biết, đó là Bitmain Technologies.

Bitmain có trụ sở tại Bắc Kinh và là một trong những nhà sản xuất thiết bị khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới. Công ty tư nhân do Jihan Wu và Micree Zhan thành lập bắt đầu phát triển chip AI vào năm 2017. Bitmain hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Hai công ty tuyển dụng bị điều tra đã đề nghị tăng gấp đôi mức lương cho các nhân tài hiện đang làm việc cho các công ty Đài Loan như MediaTek và MStar nếu họ chấp nhận chuyển sang làm việc ở Trung Quốc đại lục. Tổng cộng 19 người đã bị đưa ra thẩm vấn vì bị cáo buộc vi phạm Đạo luật điều chỉnh mối quan hệ giữa người dân Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Đạo luật này được ban hành nhằm bảo vệ lợi ích của vùng lãnh thổ này. Nó cũng bao gồm việc bảo vệ lợi ích cho ngành công nghệ cao.

Những người bị thẩm vấn đã vi phạm các quy tắc chi phối đầu tư của đại lục vào ngành công nghiệp chip ở Đài Loan vốn cần phải có sự cho phép của Ủy ban đầu tư Đài Loan. Họ có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới hơn 5 ngàn USD và án tù 1 năm.

Nhân tài Đài Loan như "thỏi nam châm" hút các nhà sản xuất bán dẫn Trung Quốc

Ngành công nghiệp bán dẫn hiện là trụ cột của nền kinh tế Đài Loan khi nó đóng góp 15% tổng GDP trong năm 2020. Nhưng đây cũng là mắt xích yếu nhất trong chuỗi cung ứng công nghệ cao ở Trung Quốc đại lục.

Trong nhiều năm qua, hãng sản xuất chip Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) đã tuyển mộ nhiều nhân viên kỹ thuật từ Đài Loan và đồng CEO của SMIC, Liang Mong Song và phó chủ tịch Chiang Shang-yi đều là cựu CEO của nhà sản xuất chip lớn nhất Đài Loan TSMC.

Thực tế là Trung Quốc đại lục đang tích cực thu hút nhân tài bán dẫn của Đài Loan với mức lương cao, nhân tài công nghệ cao và bảo vệ công nghệ đã trở thành vấn đề quan trọng trong chính sách kinh tế quốc gia của hòn đảo này.

Văn phòng công tố quận Tân Đài Bắc cho biết: "Trung Quốc đại lục đang tích cực thu hút nhân tài bán dẫn của Đài Loan với mức lương hậu hĩnh. Chính vì vậy nhân tài công nghệ cao và việc bảo vệ công nghệ đã trở thành vấn đề quan trọng trong chính sách kinh tế quốc gia". Hiện Bộ Tư pháp Đài Loan đang tăng cường điều tra các vụ việc liên quan.

Mối quan hệ giữa hai bờ eo biển đã dần trở nên tồi tệ trong thời gian gần đây, cả trên chính trường và kinh tế. Động thái mới nhất của Đài Bắc có thể coi là phát súng cảnh cáo đối với Bắc Kinh khi nước này đang chọn "đi đường tắt" để đạt được tham vọng bán dẫn của riêng mình.

Arisa Liu, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Đài Loan, cho biết: "Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài tại địa phương nhưng cách nhanh nhất để đạt được khả năng tự lực trong chuỗi cung ứng nội địa là ráo riết săn lùng những người tài năng từ Đài Loan".

Bà nói: "Trung Quốc đại lục có quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch tích hợp do nhà nước hậu thuẫn và có rất nhiều quỹ đầu tư tư nhân. Đài Loan phải đề phòng, đặc biệt là vào thời điểm chuỗi cung ứng đang trải qua quá trình tái cấu trúc trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung căng thẳng".

Vào tháng 8 năm ngoái khi Bộ khoa học và công nghệ Trung Quốc đề nghị tài trợ chuyến thăm cho 10 nhà khoa học Đài Loan trong chương trình trao đổi, Hội đồng các vấn đề đại lục Đài Loan đã mô tả động thái này là một chiến thuật để lấy lòng Đài Loan. Văn phòng đã cảnh báo về việc Trung Quốc liên tục tuyển dụng nhân tài Đài Loan vào các ngành công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược.

Trong cùng tháng, Bộ Kinh tế Đài Loan đã tuyên bố sẽ thắt chặt việc sàng lọc các nhà sản xuất chip địa phương và các công ty công nghệ khác đầu tư vào Trung Quốc đại lục.

Eric Tseng, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Isaiah Research có trụ sở tại Đài Bắc cho biết: "Chúng tôi đã thấy xu hướng tuyển dụng nhân tài từ ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan trong vài năm qua. Các CEO và kỹ sư cấp cao sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu tuyển dụng quan trọng của các công ty Trung Quốc do năng lực cao và lợi thế ngôn ngữ tiếng Trung của họ".

Động lực thúc đẩy sản xuất chip của Trung Quốc một phần do kế hoạch dài hạn Made in China 2025 và việc cần thiết phải giảm sự phụ thuộc nguồn cung bán dẫn nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Tiến Thanh (Theo SCMP)

Chủ đề khác