VnReview
Hà Nội

Hết nuôi heo, Huawei tiếp tục đầu tư mở trang trại cá quy mô khổng lồ

6 tháng sau khi chính quyền Trump giáng đòn chí mạng vào hoạt động kinh doanh smartphone, Huawei đang chuyển sang nhiều phương án kinh doanh khác nhằm bù đắp cho mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho công ty.

Trong số những dự án mới của Huawei, mở trang trại cá là điều mà gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đang hướng tới. Cụ thể, Huawei sẽ lập một trại chăn nuôi cá ở miền đông Trung Quốc với diện tích lớn gấp đôi Công viên Trung tâm của New York (tương đương 882 ha).

Trang trại được bao phủ bởi hàng chục nghìn tấm pin năng lượng mặt trời sử dụng bộ biến tần do Huawei sản xuất để bảo vệ cá khỏi ánh nắng gay gắt trong lúc tấm pin tạo ra điện năng.

Cách 370 dặm về phía tây tỉnh Sơn Tây, cảm biến không dây và máy ảnh của Huawei được đặt sâu dưới lòng đất để theo dõi nồng độ oxy và tiềm năng khai thác của các mỏ than đá. Tháng 4 tới đây, một mẫu xe điện mới do Huawei sản xuất sẽ được trình làng tại triển lãm ô tô lớn nhất Trung Quốc.

Một loạt lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Huawei gần như phá hủy hoàn toàn mọi hoạt động kinh doanh tiêu dùng đầy tiềm năng của công ty Trung Quốc, mặc cho trước đó Huawei từng là nhà sản xuất smartphone lớn nhất toàn cầu. Với việc chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục gây áp lực và xem Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã chỉ đạo công ty phát triển các mảng kinh doanh ít được chú ý.

Chúng xoay quanh các lĩnh vực vận tải, sản xuất, nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác. Hiện nay, Huawei là nhà cung cấp bộ biến tần lớn nhất thế giới. Chính vì thế, công ty sẽ tiếp tục phát triển bộ phận kinh doanh này, bên cạnh mảng điện toán đám mây và các giải pháp phân tích dữ liệu giúp duy trì hoạt động công ty với 190.000 nhân sự đang làm việc trên toàn cầu.

"Không có khả năng Mỹ sẽ đưa chúng tôi khỏi danh sách đen. Ngay bây giờ, chúng tôi phải làm việc chăm chỉ hơn và tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới để tồn tại", ông Nhậm nói vào tháng trước trong buổi khai trương phòng thí nghiệm khai thác mỏ được Huawei tài trợ một phần.

Ông Nhậm cho biết doanh số mảng thiết bị cầm tay sẽ giảm ít nhiều trong năm nay. Công ty từ chối cung cấp con số cụ thể. Nửa đầu 2020, mảng này mang về doanh thu 39 tỷ USD, chiếm hơn một nửa doanh số của Huawei.

Thực tế, Huawei đã muốn tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới (ngoài mảng di động và thiết bị viễn thông) từ nhiều năm nhưng nỗ lực đó chỉ thực sự bùng phát khi doanh số điện thoại của hãng giảm 42% trong 3 tháng cuối 2020, chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung linh kiện. Chính quyền ông Biden cũng yêu cầu một số nhà cung cấp linh kiện thắt chặt giám sát với các đơn hàng nhập khẩu đã được thông qua, các thiết bị để triển lãm để sử dụng với mạng 5G.

Với các lĩnh vực Huawei đang chuyển hướng, hầu hết linh kiện quan trọng đều có thể được sản xuất tại Trung Quốc. Chẳng hạn, con chip trong bộ biến tần dùng cho pin mặt trời của Huawei là do họ tự sản xuất.

Mỗi bộ biến tần, có kích thước lớn hơn đôi chút so với dàn máy nóng điều hoà - được bán với giá khoảng 20.000 nhân dân tệ (hơn 3.000 USD) - cao hơn chiếc điện thoại gập đắt nhất của Huawei là Mate X2. Công ty cũng có kế hoạch tung ra nhiều biến tần quang điện hơn, khi Bắc Kinh muốn thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Giống mảng kinh doanh biến tần năng lượng mặt trời, những con chip cần thiết cho hệ thống ô tô tự lái của Huawei cũng ít phức tạp hơn so với chip điện thoại. Điều đó cho phép Huawei điều chuyển các kỹ sư từ lĩnh vực khác sang nghiên cứu, sản xuất cảm biến xe tự lái và nguồn cho xe điện.

Huawei phủ nhận việc tự sản xuất xe điện nhưng họ đã làm việc với vài nhà sản xuất để thử nghiệm xe tự lái và xe kết nối. Hệ thống giải trí của họ đã xuất hiện trên xe của Mercedes-Benz. Họ cũng hợp tác với các nhà sản xuất nội địa như BAIC để phát triển hệ thống xe thông minh. Thành quả của quá trình hợp tác này sẽ xuất hiện vào tháng 4 tại Triển lãm ô tô Thượng Hải 2021.

Nhắc đến Huawei, chúng ta không thể không nhắc đến hạ tầng mạng 5G. Hiện tại công ty đang triển khai 5G cho các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến sản xuất máy bay. Công ty đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia có hạ tầng mạng 5G lớn nhất thế giới, phủ sóng hơn một nửa trong tổng số 720.000 trạm phu phát sóng gốc hoạt động trên cả nước.

Giờ đây công ty đang tìm cách biến 5G trở thành công cụ giúp các doanh nghiệp tự động hóa dây chuyền sản xuất. Hợp tác cùng với các công ty nội địa lớn như Xiaomi hay Alibaba, Huawei đang từng bước hiện đại hóa sản xuất và số hóa các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như khai thác mỏ.

Chủ tịch luân phiên Ken Hu của Huawei cho biết công ty đã ký được hơn 1.000 thỏa thuận 5GtoB trực thuộc hơn 20 lĩnh vực dưới sự giúp đỡ từ các nhà mạng và đối tác viễn thông. Ông cho biết giáo dục trực tuyến, giải trí và giao thông là 3 trong số các lĩnh vực tiềm năng trong tương lai.

Đầu năm nay, Huawei đã bổ nhiệm Giám đốc mảng kinh doanh smartphone Richard Yu làm người dẫn đầu bộ phận điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo đang phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh.

"Ứng dụng của 5G trong các lĩnh vực khai thác mỏ, dịch vụ y tế và sản xuất đang ngày một rõ nét", Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Liu Liehong phát biểu trong một sự kiện công nghiệp tại Thượng Hải vào tháng trước. ;

Trong khi đó, ông Nhậm Chính Phi sẽ đích thân phụ trách việc mở rộng hệ thống khai thác mỏ, khởi đầu bằng việc gặp gỡ các quan chức địa phương và kiểm tra mỏ than tại tỉnh Sơn Tây. "Hầu hết công ty công nghệ không nghĩ khai thác mỏ là lĩnh vực họ có thể tạo đột phá cho thị trường nhưng chúng tôi đã làm được. Trung Quốc có khoảng 5.300 mỏ than, 2.700 mỏ quặng. Nếu chung tôi có thể phục vụ tốt hơn 8.000 mỏ, chúng tôi có thể mở rộng dịch vụ ra bên ngoài thị trường quốc tế", vị tỷ phú chia sẻ.

Ngọc Diệp (Theo Bloomberg)

Chủ đề khác