VnReview
Hà Nội

Giá chip tăng 60% do khủng hoảng COVID-19

Giá giao ngay của chip nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) đang tăng mạnh. Cụ thể, giá DRAM đã tăng khoảng 60% kể từ đầu năm nay, lên mức cao nhất tính từ tháng 3/2019.

Theo Nikkei, nhu cầu chất bán dẫn bất ngờ gia tăng chính là nguyên nhân dẫn đến giá DRAM tăng vọt. Doanh số bán máy tính cá nhân và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác bùng nổ, cộng với nhu cầu chip trong sản xuất ô tô cũng gia tăng nhanh chóng, đã đẩy nhu cầu sử dụng bán dẫn lên cao. Trong khi đó, lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ với Trung Quốc cũng góp phần khiến cán cân cung và cầu DRAM bị chênh lệch.

Dự kiến giá DRAM sẽ tiếp tục tăng do tình trạng thiếu hụt này khó được giải quyết sớm.

Các nhà sản xuất thẻ nhớ vừa và nhỏ và những nhà sản xuất thẻ nhớ khác sử dụng DRAM với số lượng nhỏ và chỉ giữ lại lượng dự trữ tối thiểu là những người mua chính trên thị trường giao ngay. Lượng chip được giao dịch trong ngày chiếm khoảng 10% thị trường toàn cầu và giá của chúng rất nhạy cảm với sự cân bằng cung và cầu.

Giá giao ngay trung bình của các chip DDR4 SDRAM 4-gigabit chuẩn vào khoảng 2,68 USD hôm thứ Ba (16/3), tăng 60% so với đầu năm nay. Giá tiếp tục tăng ngay cả khi hoạt động sản xuất trở lại sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc.

"Nếu tình hình hiện tại vẫn không thay đổi, các hãng sẽ không thể sản xuất máy in", một quan chức của một hãng kinh doanh chất bán dẫn cho biết với giọng điệu tuyệt vọng.

Trong khi đó, nhu cầu mua máy in gia đình tăng mạnh do xu hướng làm việc tại nhà gia tăng vì khủng hoảng COVID-19.;

Các nhà sản xuất máy in, sử dụng chip nhớ với số lượng lớn, thường tổ chức đàm phán giá với các nhà cung cấp theo hàng quý hoặc hàng tháng. Tuy nhiên, gần đây, một quan chức của nhà kinh doanh chất bán dẫn cho biết, "Họ bắt đầu mua chip nhớ trên thị trường giao ngay" mà không còn thời gian đàm phán nữa.

Giá DRAM tăng phản ánh sự mất cân bằng bất ngờ giữa cung và cầu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhu cầu về chip đã tăng hơn dự kiến ​​do doanh số bán máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và thiết bị điện tử tiêu dùng ngày càng tăng vì xu hướng làm việc tại nhà rộng rãi. Hơn nữa, bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, sản xuất ô tô cũng đã phục hồi mạnh mẽ.

Ngoài ra, Mỹ đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực đối với Semiconductor Manufacturing International Corp., xưởng đúc chip lớn nhất của Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lệnh cấm khiến người dùng chip ngừng mua sắm hàng hóa của SMIC, các đơn đặt hàng đã tràn đến các xưởng đúc Đài Loan như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., (TSMC), xưởng đúc lớn nhất thế giới.

Do đặc thù giữa phát triển và sản xuất, ngành bán dẫn không thể thúc đẩy sản xuất một cách mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến. Kết quả là, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trở nên trầm trọng.

Tình trạng thiếu hụt chip nhớ DRAM không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty như Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc vì họ tự sản xuất.

Nhưng thị trường DRAM, như một quan chức nhà sản xuất chip Nhật Bản nói, "đã nhanh chóng thay đổi vào tháng Hai" vì một số nhà sản xuất Đài Loan, trước đó thường sản xuất chất bán dẫn hàng hóa thế hệ trước, đã bắt đầu ưu tiên chip tùy chỉnh và các sản phẩm có lợi nhuận cao. Sự thay đổi này xảy ra do TSMC gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao.

Do đó, trên thị trường giao ngay, nguồn cung không thể theo kịp nhu cầu.

Giá chip giao ngay tăng chóng mặt cũng khiến giá của những lô hàng chip lớn bị đẩy lên. Giá hợp đồng OEM trung bình của chip DDR4 SDRAM 4-gigabit là khoảng 2,40 USD vào tháng 2, tăng khoảng 10% so với tháng trước. Tình trạng này đã khiến các hãng phải đặt trước lô hàng chip lớn gấp đôi về số lượng.

Phải mất khoảng 3 tháng mới sản xuất ra chất bán dẫn. Trong khi cán cân cung và cầu đối với mặt hàng này sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong một thời gian nữa, vì vậy tình trạng chỉ tạm thời được nới lỏng vào khoảng tháng Sáu khi mà số lượng hàng sản xuất đã dư thừa.

Hoàng Lan 

Chủ đề khác