VnReview
Hà Nội

Xiaomi lãi kỷ lục nhờ Huawei "ngã ngựa"

Hiện tại, mọi hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei gần như sụp đổ sau khi hứng chịu loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và tạo nên khoảng trống lớn trên thị trường di động. Ngay lập tức, Xiaomi chớp lấy thời cơ và nhanh chóng trở thành ông vua mới của giới smartphone Trung Quốc.

Tính đến cuối năm 2020, Xiaomi là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới, xếp sau Apple và Samsung. Hôm 24/3, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh đã công bố kết quả kinh doanh với doanh số bán hàng tăng vọt ở nhiều khu vực, trong đó nổi bật là thị trường Tây Âu tăng 57% và 52% ở Trung Quốc đại lục.

Chưa dừng lại ở đó, lợi nhuận ròng của Xiaomi trong quý IV/2020 vượt mức dự kiến, đạt 1,3 tỷ USD, cao hơn so với 366 triệu USD ở thời điểm cuối năm 2019. Doanh thu của Xiaomi tăng 24,6% lên 70,7 tỷ nhân dân tệ (NDT), từ mức 56,5 tỷ NDT của một năm trước đó. Đa phần chúng đến từ lượng điện thoại bán ra toàn cầu tăng mạnh.

Lợi nhuận cả năm của Xiaomi cao ngất ngưỡng, vượt qua gần hết mọi dự đoán trên thị trường. Cụ thể, 2020 là năm Xiaomi có lợi nhuận cao nhất với mức tăng 101%, khoảng 20,3 tỷ NDT kể từ năm 2018 (khoảng 13,6 tỷ NDT).

"Chúng tôi vẫn còn nhiều tiềm lực để phát triển", chủ tịch Wang Xiang của Xiaomi tự tin tuyên bố với giới truyền thông. Với đà tăng trưởng chóng mặt trong lĩnh vực 5G, trí tuệ nhân tạo AI và các thiết bị IoT (Internet of things – vạn vật kết nối), Xiaomi đã thu hút nhiều sự chú ý từ giới chức Mỹ. Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đã liệt Xiaomi vào danh sách đen đầu tư, yêu cầu các nhà đầu tư nước này phải thoái vốn khỏi công ty Trung Quốc do nghi ngờ Xiaomi có liên quan đến quân đội trong nước.

Song, không giống như Huawei, Xiaomi đã kháng cáo thành công và ngăn lệnh cấm có hiệu lực tại một tòa án Mỹ. Ngày 12/3, Tòa án Quận Columbia đưa ra quyết định đứng về phía Xiaomi vì cho rằng những cáo buộc của Bộ Quốc phòng là chưa có cơ sở.

Ngay sau khi phán quyết tòa được đưa ra, Xiaomi một lần nữa nhấn mạnh công ty "là một đoàn đại chúng với các giao dịch công khai và được quản lý độc lập, mang đến sản phẩm điện tử tiêu chỉ phục vụ cho mục đích dân sự và thương mại".

Wall Street Journal;nhận định mức giá cạnh tranh và niềm tin của người tiêu dùng là 2 yếu tố chính giúp Xiaomi thành công. Đặt lên bàn cân so sánh, một số người sẽ cảm thấy mức giá rẻ hơn mà flagship Xiaomi mang lại tốt hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh Huawei. Tuy nhiên, điều này chỉ đại diện cho một bộ phận nhỏ người dùng không dư dả về tài chính hoặc không muốn đầu tư quá nhiều vào một chiếc smartphone nhưng vẫn thích được trải nghiệm nhiều công nghệ mới.

Mặt khác, nguyên nhân Xiaomi vượt qua Huawei có thể là vì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế của Huawei hiện đang rất yếu, xuất phát từ việc các smartphone Huawei bán ra không được cài sẵn hệ điều hành Android mới nhất cùng bộ ứng dụng hỗ trợ từ Google.

Được thành lập vào năm 2010 bởi doanh nhân Lei Jun, Xiaomi chỉ mất nửa thập kỷ để vươn lên dẫn đầu thị trường smartphone Trung Quốc. Như bao nhà sản xuất khác, Xiaomi cũng có cho mình hệ sinh thái sản phẩm riêng. Tuy nhiên, ưu điểm mà "hạt gạo nhỏ" – ý nghĩa tên gọi của Xiaomi – mang lại là giá thành phải chăng và mẫu mã bắt mắt. Nhờ đó, độ phổ biến của Xiaomi đã lan rộng khắp mọi nơi và nhanh chóng xâm nhập vào thị trường Ấn Độ.

Năm 2018, công ty lần đầu tiên phát hành cổ phiếu lên sàn chứng khoán Hong Kong và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt. Tuy nhiên, sự nổi lên của Huawei và nhiều công ty trong nước như Oppo, Vivo đã khiến Xiaomi rơi vào thế bị động ngay trên sân nhà. Điều đó khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu của công ty bị đình trệ.

Sau đó, Mỹ bất ngờ kìm hãm chuỗi cung ứng của Huawei, không cho tiếp cận với nguồn cung chipset và phần mềm Android sử dụng trên điện thoại từ Google. Thấy vậy, người mua đổ xô chuyển sang các thương hiệu khác, nhất là các lựa chọn có giá thành phải chăng hơn và trong đó có Xiaomi.

Theo Strategy Analytics, lượng smartphone bán ra toàn cầu của Huawei trong năm 2020 đã giảm 22%, trong khi Xiaomi tăng 17%. Các nhà phân tích cho biết Xiaomi đã có những bước tiến ở khu vực Tây Âu và Trung Quốc, nơi công ty tung ra nhiều chiến dịch tiếp thị và xây dựng mạng lưới bán hàng rộng rãi để giành lấy thị phần từ Huawei.

3 năm liên tiếp, Xiaomi giữ vị trí dẫn đầu thị trường di động ở Ấn Độ. Trong khi ở Trung Quốc, Huawei lại chiếm thế thượng phong dù ngay cả khi đang mất dần tên tuổi. Neil Mawston, quản lý cấp cao tại Strategy Analytics cho biết: "Xiaomi đã lấp đầy khoảng trống Huawei để lại".

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu IDC cho thấy thị phần của Xiaomi trên thị trường smartphone tăng 11,2% trong quý IV/2020 với tổng 43,3 triệu máy bán ra. Không những thế, hãng còn chễm chệ giữ vị trí thứ 2 trong mảng kinh doanh thiết bị đeo ngay sau Apple. Bán chạy nhất là dòng Mi Band, Xiaomi chiếm thị phần lên đến 8,8% với 13,5 triệu sản phẩm được bán.

"Những gì xảy đến với Huawei là bài học cảnh giác đối với Xiaomi. Mặc dù không chịu những hạn chế tương tự Huawei, Xiaomi nói riêng và các công ty Trung Quốc khác nói chung phải đối mặt với vấn đề giám sát gắt gao từ giới chức nhiều nước nên phần nào khiến cho tương lai của họ trở nên mơ hồ", Fiona Vanier, chuyên gia phân tích dự báo tại CCS Insight cho biết.

Trong quý IV, doanh thu từ thị trường quốc tế của Xiaomi tăng 27,6%, đạt 33,8 tỷ USD và chiếm gần một nửa tổng doanh thu toàn hãng. Hiện tại, Xiaomi đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành một trong số 5 nhà sản xuất hàng đầu tại 54 nước và khu vực ở quý trước.

Cuối cùng, Xiaomi vẫn có cơ hội tốt để tiếp tục chiếm thị phần trong bối cảnh Huawei ngừng hoạt động. Cùng với đó, hãng có thể đẩy giá bán trung bình và thu về tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhờ việc ra mắt nhiều thiết bị 5G.

Ngọc Diệp (Tham khảo SCMP)

Chủ đề khác