VnReview
Hà Nội

Google thắng vụ kiện bản quyền API Android, không phải trả 9 tỷ USD cho Oracle

Oracle đã thất bại trong vụ kiện buộc Google phải chịu trách nhiệm pháp lý về vi phạm bản quyền, sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đưa ra phán quyết khép lại hơn một thập kỷ tranh cãi về pháp lý đối với một số thành phần chính của Android.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2010, khi Oracle cho rằng Google đã sao chép các hàm giao diện lập trình ứng dụng (API) Java vốn thuộc bản quyền của Sun Microsystems - công ty đã được Oracle mua lại - khi phát triển Android, và do đó, yêu cầu gã khổng lồ tìm kiếm phải bồi thường 8,8 tỷ USD.

Google thắng vụ kiện bản quyền API Android, không phải trả 9 tỷ USD cho Oracle

Điều thú vị là, Google đã không phủ nhận rằng họ đã sử dụng các API trên khi mới phát triển Android. Tuy nhiên, công ty lập luận rằng hành động của họ có thể được coi là sử dụng hợp pháp, và do đó không bị phạt về bản quyền.

Kể từ đó, hệ điều hành Android đã có những thay đổi lớn và không còn hoạt động phụ thuộc vào các thành phần gây tranh cãi trên nữa. Tuy nhiên, trường hợp vụ kiện của Google và Oracle đã được ngành công nghệ nói chung quan tâm, theo dõi chặt chẽ vì những tác động tiềm ẩn của nó đối với cách thức các công ty công nghệ kiểm soát các API do họ tạo ra được kiểm soát và việc phát triển khả năng tương tác giữa phần mềm và phần cứng.

Google thắng vụ kiện bản quyền API Android, không phải trả 9 tỷ USD cho Oracle

Trước đó, diễn biến vụ kiện có vẻ không thuận lợi đối với Google. Ban đầu, hai phiên tòa xét xử ban đầu của bồi thẩm đoàn cấp Tòa án quận đưa ra phán quyết có lợi cho gã khổng lồ tìm kiếm; nhưng sau đó kết luận này đã bị Tòa án Liên bang đảo ngược. Toà án Liên bang kết luận rằng các API thuộc sở hữu bản quyền của công ty tạo ra chúng và việc Google sử dụng chúng là không hợp pháp. Google đã kiến nghị lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ để phản đối phán quyết có lợi cho Oracle đó, nhưng phải đến hôm nay kết luận cuối cùng mới được đưa ra.

Với tỉ lệ ủng hộ - phản đối là 6-2, phán quyết của tòa án cấp dưới đã bị Tòa án Tối cao huỷ bỏ. "Khi xem xét lại quyết định của cơ quan cấp dưới, chúng tôi luôn giữ luận điểm rằng những thành phần đó thuộc phạm vi được bảo vệ bản quyền," thẩm phán Stephen Breyer viết trong phán quyết. "Nhưng chúng tôi cho rằng việc sao chép ở đây dù sao vẫn có thể được đánh giá là hành vi "sử dụng hợp lý" (fair use). Do đó, việc sao chép của Google không vi phạm luật bản quyền. "

Sử dụng hợp lý là điều luật được sử dụng tại Mỹ, cho phép các cá nhân, tổ chức sử dụng một cách giới hạn nguồn tài nguyên thuộc về một tác phẩm khác mà không cần sự cho phép của tác giả mà vẫn không bị cho là hành động vi phạm bản quyền. Trên thực tế, "fair-use" được đưa ra dựa trên ý tưởng cho rằng công chúng nên được trao quyền tự do sử dụng một phần nguồn tài nguyên đã được đăng ký bản quyền với mục đích làm tư liệu hoặc bình luận.

"Các chương trình máy tính, ở một mức độ nào đó khác với các loạitác phẩm có bản quyền khác, bởi vì các chương trình máy tính được tạo ra luôn phục vụ một mục đích - chức năng cụ thể," thẩm phán Stephen Breyer viết trong tuyên bố của nhóm đa số ủng hộ. "Do những điểm khác biệt này, quy định về sử dụng hợp lý có vai trò quan trọng đối với các chương trình máy tính - vấn đề bản quyền của chúng sẽ được xem xét tuỳ thuộc vào bối cảnh và từng tình huống cụ thể, nhằm bảo đảm sự sở hữu độc quyền bản quyền dành cho các chương trình máy tính của các công ty công nghệ vẫn nằm trong các giới hạn pháp lý."

Quyết định này có thể sẽ được giới công nghệ hoan nghênh. Trước đó, các chuyên gia công nghệ đã bày tỏ lo ngại rằng sự kiểm soát quá mức đối với các API có thể sẽ tạo ra một trở ngại mới và đáng kể cho việc phát triển phần mềm của các nhà phát triển. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những tác động đến từ phán quyết này có thể sẽ chưa rõ ràng trong một thời gian nữa. Trên thực tế, phán quyết này vẫn chỉ dừng lại ở việc xác định rằng các API vẫn thuộc phạm vi bảo vệ bản quyền, song định nghĩa về "sử dụng hợp lý" sẽ được cân nhắc, xem xét tuỳ thuộc vào từng trường hợp các công ty công nghệ sử dụng các API đó như thế nào; do đó đây vẫn chưa hoàn toàn là một phán quyết mà nhiều người kỳ vọng.

Quang Huy

Chủ đề khác