VnReview
Hà Nội

6 smartphone thất bại ê chề nhất của LG từ trước đến nay

Đa số những sản phẩm này có những tính năng độc đáo nhưng không được người dùng đón nhận. Trong khi số khác lại mắc các lỗi phần cứng nghiêm trọng khiến cho smartphone LG dần mất đi sự uy tín trong mắt người dùng.

Google Nexus 5X

Trong quá khứ, LG từng là nhà sản xuất duy nhất có 3 năm liền hợp tác cùng Google nhằm gia công các thiết bị Nexus. Trải qua các đời Nexus 4 và 5, LG làm khá tốt. Nhưng đến Nexus 5X, mọi chuyện bắt đầu chuyển biến xấu và được xem như một nỗi thất vọng to lớn của Google.

Được phát hành cùng lúc với Nexus 6P do Huawei sản xuất, Nexus 5X lại nhận về phản hồi không mấy tích cực khi liên tiếp mắc các lỗi, từ thời lượng pin kém, màn hình tệ đến chất lượng phần cứng ở mức trung bình nhưng lại có giá bán đắt hơn so với những thế hệ Nexus trước đó.

Có khả năng những lỗi vặt kể trên xuất phát từ một trong hai phía LG hoặc Google. Tuy nhiên, dòng điện thoại này đã mang về tai tiếng cho nhà sản xuất Hàn Quốc khi Google quyết định khai tử dòng Nexus và thay bằng Pixel.

LG G Plex

Tương tự như bao thử nghiệm công nghệ bị lãng quên khác, ý tưởng màn hình cong 2 cạnh trên dưới như TV đã được LG nghiên cứu và áp dụng lên smartphone, hứa hẹn mang đến trải nghiệm hình ảnh đắm chìm mà trước đây chưa có điện thoại màn hình phẳng nào làm được.

LG cho biết với kiểu dáng thiết kế cong theo chiều dọc, người dùng có thể xoay ngang G Plex để xem phim hay các video không khác gì so với kiểu IMAX ở các rạp. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, chiếc LG G Flex ra đời với màn hình cong được xem như gáo nước lạnh dội vào nhóm nghiên cứu của hãng vì máy chỉ được trang bị màn hình độ phân giải HD 720p kém sắc nét nên không cho trải nghiệm được tốt như quảng cáo.

Ngoài ra, LG G Flex còn được quảng cáo là có mặt lưng tự phục hồi, sử dụng công nghệ có trên oto để hạn chế những trầy vết xước do chìa khóa hay các vật dụng sắc nhọn để lại. Song, công nghệ này chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định mà không kéo dài suốt vòng đời thiết bị. ; 

LG V10

Định hướng kinh doanh của LG cho V10 và các thiết bị dòng V tiếp theo có thể được rút gọn thành một từ: cao cấp. Ngày nay, các công ty vẫn sử dụng từ "chuyên nghiệp" theo cách tương tự.

Chiếc LG V10 đã được hoàn thiện với thiết kế đẹp, độc đáo và khả năng tùy chỉnh máy ảnh thủ công. Nhưng với mác cao cấp mà LG đề ra, V10 chưa thực sự tương xứng. Điểm đáng khen cho LG V10 là cụm camera kép ở mặt trước cho khả năng chụp ảnh selfie nhóm và dải màn hình phụ nhỏ đặt cạnh bên cung cấp các phím tắt ứng dụng, điều khiển nhạc và nhập tin nhắn tùy chỉnh. Đây cũng là điểm đặc trưng mà LG duy trì cho chiếc V20 đời sau.

Tuy nhiên, với những trang bị khác đi kèm như mặt lưng sử dụng vật liệu silicon tinh xảo hay khung máy làm từ thép không gỉ đã khiến LG V10 trở nên cồng kềnh và vô cùng nặng. Cộng thêm với lỗi đột tử màn hình xảy ra khiến điện thoại này không nằm trong danh sách đáng cân nhắc chọn mua của người dùng.

Mặc khác, LG V10 có mức giá thật sự cao cấp, kết hợp cùng thương hiệu chưa đủ lớn lại một lần nữa khiến người dùng không muốn chọn mua. Rất may sau đó, LG đã dần thay đổi khi điều chỉnh giá bán các thế hệ dòng V tiếp theo. Song, mọi thứ dường như đã quá muộn.

LG G5

Nhắc đến top smartphone thất bại của LG không thể không nhắc đến G5 – chiếc máy có thiết kế mô đun sáng tạo có thể tháo rời pin và gắn các phụ kiện khác hỗ trợ. Với ý tưởng này, phần dưới của G5 có thể tháo ra để lắp một tay cầm mở rộng có các nút chụp hình và phần báng cầm mô phỏng như một máy ảnh thực thụ, hay một bộ Hi-Fi DAC của B&O giúp gia tăng trải nghiệm âm thanh trên máy.

Nhưng một lần nữa, LG G5 bị thị trường quay lưng khi không có nhà phát triển phụ kiện nào ra mắt các mô đun phụ kiện tháo rời hỗ trợ cho máy. Ngay cả chính LG cũng không bán rộng rãi bộ phụ kiện mô đun đi kèm ra thị trường toàn cầu nên việc chiếc máy này "chết dần" cũng là điều dễ hiểu.

Mặc dù Motorola cũng cho ra những sản phẩm sở hữu ý tưởng tương tự trong thời gian dài với dòng Moto Z, thiết kế mô đun không được đón nhận và được xem như một bài học để các nhà sản xuất khác tránh mắc phải.

LG Optimus 3D

Công nghệ 3D xuất hiện trên thị trường smartphone như một mánh lới quảng cáo giúp LG không bị bão hòa giữa hàng tá nhà sản xuất khác. Cùng với LG, HTC cũng có cho mình mẫu điện thoại Evo 3D ra mắt tại Mỹ vào năm 2011.

Trên Optimus 3D, LG mang đến trải nghiệm 3 chiều trong các ứng dụng và các bức ảnh mà người dùng chụp được. Công nghệ 3D trên điện thoại di động đã sử dụng cái được gọi là rào cản thị sai để cho trải nghiệm hình ảnh đa chiều mà không cần kính phiền phức. Trái lại, mẫu LG Optimus 3D lại có góc nhìn rất hẹp và có xu hướng khiến người dùng mất phương hướng sau thời gian dài chăm chú sử dụng. Chất lượng hiển thị của màn hình 3D cũng khiến khả năng xem nội dung 2D thông thường tồi tệ hơn đáng kể.

LG Optimus Vu

Cùng là các smartphone màn hình lớn – phablet, Galaxy Note của Samsung được chào đón trong khi LG Optimus Vu thì không. Nguyên nhân là máy sử dụng màn hình tỷ lệ 4:3, không phù hợp với thị hiếu người dùng thời bấy giờ. Cùng với đó, phần cứng của Optimus Vu và Vu 2 đều tụt hậu hơn hẳn so với số smartphone còn lại trên thị trường nên cũng kén người mua.

Ngọc Diệp (Tham khảo Digitaltrends)

Chủ đề khác