VnReview
Hà Nội

Toàn cảnh "cơn khát" chip trên toàn cầu, đang trở nên tồi tệ và khó khắc phục hơn

Nhu cầu tăng cao, cùng với những căng thẳng chính trị giữa các cường quốc đã giáng một đòn tàn khốc lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là nhà sáng lập kiêm CEO một startup phần cứng chuyên sản xuất máy tính công nghiệp giá tốt tại Đài Bắc, Dung cảm thấy bất lực khi nhận ra ngành công nghệ toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chip nghiêm trọng.

"Khi tôi biết về tình trạng thiếu hụt linh kiện này vào tháng 1, mọi thứ đã quá muộn" - Dung nói. "Một số nhà cung ứng của tôi nói rằng tôi phải đợi đến tháng 10 hoặc trễ hơn để có chip, thứ vốn trước đây chỉ cần đặt hàng trước một tháng là được... Điều đó có nghĩa tôi sẽ không có hàng để bán gần như cả năm nay, kể cả khi nhận được đơn từ khách hàng".

Quy mô doanh nghiệp tương đối nhỏ đồng nghĩa Dung phải chấp nhận là một trong những "kẻ xấu số" đầu tiên trong biến cố chip toàn cầu chưa từng có tiền lệ nổi lên từ cuối năm ngoái - bởi trong chuỗi cung ứng công nghệ, những công ty lớn hơn sẽ nắm quyền lực mua sắm mạnh hơn.

Bốn tháng sau đó, tình trạng thiếu hụt đã trở nên nghiêm trọng và căng thẳng đến mức tác động lên cả Apple hay Samsung Electronics, thậm chí ảnh hưởng đến cả hoạt động chính trị lẫn ngoại giao.

Vào ngày 12/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức một cuộc họp tại Nhà Trắng với các lãnh đạo công nghệ từ Intel, TSMC, và Samsung Electronics, cũng như các nhà sản xuất xe hơi bao gồm Ford Motor và General Motors, để thảo luận về tình trạng thiếu hụt chip và sự bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng thống Joe Biden cầm một tấm chip trong cuộc họp với các lãnh đạo công nghệ và các nhà sản xuất xe hơi

Tình trạng ùn tắc chuỗi cung ứng đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với các chính phủ khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất xe hơi vào đầu năm nay. Mỹ, Nhật và Đức, ba quốc gia sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, bắt đầu gây áp lực lên những nền kinh tế sản xuất chip trọng điểm của châu Á - Hàn Quốc và Đài Loan - nhằm buộc họ ưu tiên cho chip xe hơi, kể cả khi phải bỏ mặc các khách hàng khác, bao gồm các nhà sản xuất smartphone và máy tính.

Chính phủ ba quốc gia này lo lắng các nhà sản xuất xe hơi bị trì hoãn hoặc thậm chí ngừng sản xuất do thiếu hụt chip - trực tiếp đe doạ đến thị trường việc làm trong nước và quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch virus corona. Các công ty như TSMC và Samsung phản hồi bằng cách tăng cường sản xuất chip với tốc độ nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên, áp lực chính trị nhằm ưu tiên cho nhu cầu của các nhà sản xuất xe hơi chỉ càng bóp nghẹt chuỗi cung ứng.

"Chúng tôi phải tái thương lượng với một số khách hàng và đáp ứng lời kêu gọi ưu tiên cho chip xe hơi của chính phủ, vốn là loại sản phẩm có tầm quan trọng lớn đối với kinh tế toàn cầu" - Mark Liu, chủ tịch TSMC, cho biết. "Hiện nay đã khác xưa, khi mà mô hình sản xuất chip tuân theo nguyên tắc ai đến trước được phục vụ trước".

Một hệ quả của chuỗi ngày hỗn loạn này là sự cạnh tranh vốn đã gay gắt trong ngành công nghệ nay càng trở nên khủng khiếp hơn.

"Chúng tôi nói với các nhà cung ứng đừng bán chip cho các đối thủ nhỏ hơn, và chúng tôi sẽ trả giá cao hơn để đảm bảo có nhiều chip và linh kiện hơn... Tôi chắc chắn các đối thủ của mình cũng đang nói điều tương tự với các nhà cung ứng" - một lãnh đạo trong ngành máy tính tiết lộ. "Nó giống như, ‘nếu tôi không có đủ chip và linh kiên, tôi không muốn bất kỳ ai, đặc biệt là các đối thủ, có đủ. Nếu tôi bị ảnh hưởng, tôi phải kéo các đối thủ theo'"

Chính phủ Mỹ, Nhật, Đức đang gây sức ép buộc các nhà sản xuất chip ưu tiên linh kiện cho ngành sản xuất xe hơi

Một số nhà sản xuất PC thậm chí đặt những đơn hàng lớn hơn và sớm hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến để đẩy mạnh sản xuất và gây ảnh hưởng lên khả năng đảm bảo nguồn cung của các đối thủ. Số khác dựa vào sức ảnh hưởng trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm đảm bảo nguồn cung.

"Ngay cả nguồn cung của các linh kiện từ đối tác thứ hai và thứ ba cũng bị ùn tắc. Tôi đã ăn tối với lãnh đạo các nhà cung ứng đó 8 lần vào tuần kia và đánh golf với họ nhiều lần, thuyết phục họ ưu tiên nhu cầu của tôi và cho tôi nhiều linh kiện nhất có thể" - một lãnh đạo cấp cao của Compal Electronics, nhà sản xuất máy tính xách tay số 2 thế giới cho biết.

Trong khi nhu cầu đột ngột tăng cao của các nhà sản xuất xe hơi đã làm tệ hại thêm tình trạng trì trệ của chuỗi cung ứng, gốc rễ của vấn đề thực ra bắt nguồn từ rất lâu trước đây.

Sự bùng nổ của COVID-19 vào đầu năm ngoái, dẫn đến tình trạng phong toả và cách ly trên toàn Trung Quốc, đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ. Khi mọi chuyện bắt đầu vào guồng trở lại, các nhà sản xuất điện tử phải chạy đua để đặt được nhiều linh kiện hơn trước đây để đảm bảo không rơi vào tình huống tương tự lần nữa.

Đại dịch còn tác động đến mặt cầu của công thức thị trường. Những đợt phong toả - nới lỏng liên tục diễn ra, cùng với việc một lượng lớn các doanh nghiệp, trường học áp dụng mô hình làm việc, học tập từ xa, đã dẫn đến một cuộc cải cách số trên diện rộng. Quá trình triển khai các mạng 5G và sự xuất hiện của các smartphone 5G, vốn đòi hỏi nhiều chip và linh kiện hơn, cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ cải cách.

Mạng 5G khiến điện thoại cần nhiều linh kiện hơn trước

Ví dụ, một smartphone 5G thông thường có 3 ăng-ten so với chỉ 1 ăng-ten trên smartphone 4G. Nó cũng cần số "linh kiện thụ động" nhiều hơn từ 30 - 50% so với một thiết bị 4G.

Cuộc thương chiến Mỹ - Trung, vốn diễn ra từ trước đại dịch, cũng gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng. Khi Mỹ mạnh tay chặn Huawei mua sắm công nghệ chủ chốt từ Mỹ, công ty này đã nhanh chóng dự trữ nhiều linh kiện nhất có thể, khi còn có thể - và các công ty Trung Quốc khác, lo sợ điều tương tự, cũng làm theo. Kết quả là tình trạng tăng vọt về nhu cầu dự trữ chip và các linh kiện quan trọng khác.

Hôm thứ hai, Huawei đã lên tiếng chỉ trích Mỹ gây ra tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu, khẳng định lệnh cấm vận của Mỹ lên các công ty công nghệ Trung Quốc đã dẫn đến những đợt mua sắm linh kiện và chip điên cuồng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. "Rõ ràng những lệnh cấm vận phi pháp của Mỹ với Huawei và các công ty Trung Quốc khác, đang tạo ra tình trạng thiếu hụt cung ứng trên toàn ngành công nghiệp. Điều này thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới" - Eric Xu, chủ tịch luân phiên của Huawei, nói.

Tình hình còn tệ hơn khi một số đối thủ của Huawei tăng cường đặt hàng với hi vọng chiếm được thị phần từ công ty Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng.

"Mọi người nghĩ rằng họ có thể nắm lấy toàn bộ thị phần mà Huawei đã đánh mất" - một lãnh đạo ngành chip nói. Xiaomi, Samsung, Oppo và Vivo chỉ là một trong nhiều nhà sản xuất smartphone nhanh tay giành lấy miếng bánh mà Huawei để lại.

Nhưng Mỹ chưa dừng lại ở đó mà còn thực hiện tiếp nhiều động thái đáng quan ngại khác, bao gồm đưa nhà sản xuất hàng đầu Trung Quốc là SMIC (có khách hàng là Qualcomm cũng như nhiều nhà phát triển chip Trung Quốc khác) vào danh sách đen. Các khách hàng lo lắng về khả năng duy trì nguồn cung ổn định của SMIC đã liên hệ với các nhà sản xuất chip khác để đặt đơn hàng dự phòng, nhưng chính dây chuyền của các nhà sản xuất chip đó cũng đang rơi vào tình trạng trì trệ.

Sự bùng nổ đơn chip - bao gồm cả nhu cầu thực tế và các đơn hàng dự phòng - đã "hút" gần như toàn bộ công suất sản xuất đối với sản phẩm chip và linh kiện.

Một lý do khiến tình trạng trì trệ nguồn cung rất khó để vượt qua là cần rất nhiều thời gian để tăng công suất sản xuất, dù là tại các nhà máy hiện có hay bằng cách xây dựng các nhà máy mới. Intel (Mỹ) đã công bố kế hoạch chi 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy chip ở Arizona, nhưng cả hai sẽ chỉ đi vào vận hành vào năm 2024.

Một lý do khác là tình trạng thiếu hụt chip đã bắt đầu tác động lên các nhà sản xuất trang thiết bị chip, có nghĩa là kể cả khi các công ty sản xuất chip muốn mở rộng dây chuyền - mà không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó - họ cũng sẽ phải đối mặt với quãng thời gian chờ đợi dài hơi khi thực hiện các đơn hàng mới.

Những thảm hoạ bất ngờ như bão tuyết ở Texas và cháy nhà máy ở Nhật Bản càng góp phần khiến nguồn cung chip khó khăn hơn.

Vụ cháy nhà máy sản xuất chip của Renesas (Nhật) hồi tháng 3 góp phần gây ra tình trạng nghẽn cổ chai nghiêm trọng đối với ngành xe hơi

Ngay cả những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới cũng bắt đầu cảm nhận được mối đe doạ.

Samsung Electronics, đồng thời là một nhà cung ứng chip nhớ lớn nhất thế giới, đã cảnh báo rằng tình hình sẽ rất phức tạp trong quãng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Apple, một trong những khách hàng quyền lực nhất thế giới của các nhà sản xuất chip, cũng buộc phải trì hoãn quá trình sản xuất một vài mẫu MacBook và iPad.

Peter Hanbury, một đối tác với Bain & Co. và là một chuyên gia về chuỗi cung ứng công nghệ, cho biết vấn đề cơ bản ở đây là cầu đã vượt cung.

"Trong những phân khúc và công nghệ nhất định, tổng cầu đang vượt quá tổng cung hiện có, do đó chúng ta đang đối mặt với thách thức lớn hơn là làm sao đẩy tăng công suất - điều sẽ mất từ 3 đến 4 năm và chi phí hàng tỷ USD - thay vì chỉ tái phân bổ trong khả năng hiện tại."

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại không chắc chắn như vậy. Theo quan điểm của họ, số lượng lớn các đơn hàng dự phòng, những nỗ lực dự trữ linh kiện gấp gáp, và quyết tâm nhấn chìm các đối thủ đang đe doạ tạo ra một bong bóng khổng lồ - và khi bong bóng nổ tung sẽ dẫn đến tình trạng thừa mứa nguồn cung, hiển nhiên cũng không ai mong muốn.

"Nhu cầu tăng cao như thế này sẽ không diễn ra mãi mãi. Mọi người không đột nhiên mua 5 chiếc điện thoại hay 5 chiếc xe" - một lãnh đạo trong chuỗi cung ứng chip cho biết. "Tôi lo ngại sẽ xảy ra sự điều chỉnh khi một trong những ông lớn nổ phát súng đầu tiên" và bắt đầu cắt giảm đơn hàng".

Bong bóng bán dẫn đang treo lơ lửng

Chủ tịch TSMC đã biết rằng các khách hàng gần như chắc chắn sẽ đặt số đơn gấp đôi để giảm thiểu nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, hôm thứ 5, công ty đã cảnh báo trong buổi công bố lợi nhuận quy gần kỷ lục rằng tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài đến năm 2022.

Và điều đó mới chính là vấn đề.

"Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng này có thể gây thiệt hại lớn, đặc biệt cho nhiều startup và các doanh nghiệp vừa và nhỏ" - theo Wallace Kou, chủ tịch và CEO của nhà phát triển chip điều khiển hàng đầu thế giới Silicon Motion. "Nhiều trong số họ có thể ngừng kinh doanh nếu một số nguồn cung chip quan trọng không có hàng kịp lúc".

Dung, nhà sáng lập startup phần cứng được nhắc đến ở đầu bài viết, thừa nhận rằng đồng hồ báo tử đang điểm trên đầu doanh nghiệp của anh.

"Chúng tôi không có nguồn tài nguyên và quyền lực khách hàng như các công ty lớn để đặt các đơn hàng lớn nhằm chiếm lấy nguồn cung" - anh nói. "Hiện chúng tôi chỉ có thể tìm cách thay đổi thiết kế và tìm kiếm linh kiện thay thế vốn sẵn có hơn - và chiến đấu để sinh tồn".

Minh.T.T (theo Nikkei)

Chủ đề khác