VnReview
Hà Nội

Nhân viên Samsung bỏ việc sau khi kiếm được 36 triệu USD từ đầu tư tiền ảo

Những ngày qua, truyền thông Hàn Quốc đã tìm thấy một chủ đề "hot"– tiền điện tử. Mọi tờ báo lớn đều nhắc đến cơn sốt tiền điện tử 2.0 với làn sóng đầu tư mua bitcoin và altcoin vượt đỉnh của năm 2017 và đầu năm 2018, thời điểm mà các phương tiện truyền thông đều đưa tin về việc từ trẻ đến già, từ tiền tiêu vặt đến tiền lương hưu đều đổ vào tiền điện tử.

Tuy nhiên, cơn sốt tiền điện tử 2.0 còn điên cuồng hơn thế. Chính phủ Hàn Quốc đã thẳng tay "áp chế" ngành công nghiệp đang "phát triển nóng" này. Trong đó, Hàn Quốc hướng đến các cá nhân hưởng lợi từ tiền điện tử với chính sách thuế mới, đồng thời xử lý các vụ lừa đảo và các hình thức đa cấp lừa đảo có liên quan đến tiền điện tử.

Theo tờ Seoul Kyungjae, Đảng Dân chủ cầm quyền là đảng mới nhất bày tỏ đồng tình với ý kiến đề xuất "áp chế" ngành công nghiệp này của các nhà lập pháp và cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, ngay cả tầng lớp trung lưu cũng bắt đầu bị cuốn theo làn sóng tiền điện tử 2.0. Đài truyền hình JTBC đã phát đoạn phỏng vấn nhân viên của một số công ty lớn nhất nước như Shinhan Card và Samsung. Những người trả lời phỏng vấn cho biết họ đã bỏ việc sau khi kiếm được một khoảng tiền lớn từ đầu tư tiền điện tử.

Cựu nhân viên của Shinhan cho biết anh đã kiếm được 2,7 triệu USD sau khi dùng tiền tiết kiệm của mình và vay mượn thêm để đầu tư tiền điện tử. Anh vừa quyết định nghỉ việc vào tháng trước.

Cựu nhân viên Samsung càng khiến người xem sốc hơn khi cho biết số vốn anh bỏ ra chỉ khoảng 44 nghìn USD nhưng đã thu về gần 36 triệu USD.

Phỏng vấn một nhân viên văn phòng khác trên phố tài chính Yeoido, cô cho biết mình cảm thấy "bứt rứt" vì nhiều người quen của cô đã kiếm được nhiều tiền từ các khoản đầu tư bitcoin.

Một cựu nhân viên của LG Electronics chia sẻ trên trang Crytonews rằng anh đã kiếm được tiền sau khi cùng các đồng nghiệp mua tiền điện tử. Tuy nhiên, anh đùa rằng tuy khoản đầu tư đó đủ để anh mua "một số đồ gia dụng lớn" cho gia đình, nhưng đó "không phải lý do mình nghỉ việc".

Sau khi nghỉ việc, cựu nhân viên của Shinhan Card cho biết anh quyết định sẽ làm một Youtuber toàn thời gian về chủ đề tiền điện tử.

Ảnh: Dado Ruvic

Các phương tiện truyền thông đã phân tích dữ liệu giao dịch tiền điện tử trên Coinone và chỉ ra rằng trên 50% khách hàng có độ tuổi từ 30 – 49, trong đó phần lớn khách hàng có độ tuổi 3x.

Tuy nhiên, tờ báo Donga lại nhìn nhận số liệu theo một cách khác. Tờ báo này cho biết dữ liệu từ các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước cho thấy có 64% nhà đầu tư mới ở độ tuổi từ 20 – 39. Và 1,5% nhà đầu tư mới vừa đủ 19 tuổi, là độ tuổi hợp pháp để giao dịch tiền điện tử tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, một bài viết khác trên trang Donga đã dẫn một số thông tin từ những nhà đầu tư trẻ từ 19 – 20 tuổi. Một sinh viên năm nhất đại học cho biết anh đã mở tài khoản giao dịch tiền điện tử ngay khi vừa đủ 19 tuổi hồi tháng trước.

"Tôi cảm thấy ghen tị vì các sinh viên năm cuối và bạn bè của mình đã kiếm được tiền nhờ tiền điện tử; họ đã bỏ công việc làm thêm cũng như chi tiêu thoải mái hơn".

Người này đã bỏ ra 530 USD vào đầu tư tiền điện tử và "dự định sẽ tăng khoảng đầu tư bằng cách vay vốn hoặc mượn gia đình".

Minh Bảo

Chủ đề khác