VnReview
Hà Nội

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu “càn quét” sang cả thị trường đồ gia dụng

Một cuộc khủng hoảng thiếu hụt chất bán dẫn đã khiến việc sản xuất của các hãng xe hơi như Tesla và những máy chơi game như PlayStation 5 của Sony bị đình trệ. Nhưng dường như chưa dừng lại ở đó, thị trường đồ gia dụng Trung Quốc, nước sản xuất ra 2/3 số điều hoà, tivi và lò vi sóng và khoảng một nửa số tủ lạnh và máy giặt trên thế giới, cũng gặp khó khăn đáng kể vì thiếu những con chip điều khiển.

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu

Sự thiếu hụt chất bán dẫn xảy ra trên quy mô toàn cầu, vốn đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các nhà sản xuất ô tô như Tesla và máy chơi game PlayStation 5 của Sony, giờ đã lan sang lĩnh vực thiết bị gia dụng rộng lớn của Trung Quốc, theo tập đoàn công nghiệp khổng lồ Midea Group.

Nguồn cung chip đang "chịu áp lực lớn trong lĩnh vực thiết bị gia dụng", Midea cho biết khi trả lời phỏng vấn phóng viên trang tin South China Morning Post. Midea, công ty có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 600 tỷ nhân dân tệ (91,7 tỷ USD), là nhà sản xuất thiết bị tiêu dùng lớn nhất thế giới, bao gồm tủ lạnh, máy giặt và máy điều hòa không khí.

Midea có trụ sở chính tại Phật Sơn, một thành phố nằm ở phía nam tỉnh Quảng Đông, cho biết giá chip dùng cho thiết bị gia dụng, vốn thường kém tinh vi hơn so với những con chip dùng trong điện thoại thông minh và máy tính xách tay, sẽ tăng lên trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu vẫn tiếp diễn.

Sự gián đoạn trong sản xuất của ngành công nghiệp thiết bị gia dụng của Trung Quốc có thể có tác động tiêu cực đến thị trường sản phẩm gia dụng toàn cầu. Theo số liệu của Hiệp hội Thiết bị Điện gia dụng Trung Quốc, Trung Quốc sản xuất khoảng 2/3 số máy điều hòa không khí, ti vi và lò vi sóng, và khoảng một nửa số tủ lạnh và máy giặt của thế giới.

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu

Quang cảnh trụ sở của tập đoàn thiết bị tiêu dùng khổng lồ Midea Group tại quận Thuận Đức của Phật Sơn, một thành phố ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Martin Chan

Mặc dù tác động của tình trạng thiếu chip trong lĩnh vực thiết bị gia dụng của Trung Quốc hiện vẫn còn khá khó khăn để xác định mức độ ảnh hưởng cụ thể, nhưng kế hoạch của các nhà sản xuất có thể sẽ có sự thay đổi để thích ứng với tình hình chi phí tăng hoặc sự thiếu hụt của chip, vốn là một thành phần được sử dụng để giúp cho sản phẩm gia dụng trở nên "thông minh hơn", vốn thường đòi hỏi kết nối internet.

Tập đoàn điện thoại thông minh khổng lồ Xiaomi trong tuần này đã tăng giá một số mẫu TV của họ, với lý do giá các thành phần cấu kiện chính cao hơn. Công ty Samsung Electronics của Hàn Quốc và Sony của Nhật Bản gần đây cũng đã tăng giá một loạt sản phẩm.

Stewart Randall, người đứng đầu mảng điện tử và phần mềm nhúng tại Intralink, một công ty tư vấn phát triển kinh doanh quốc tế, cho biết tình trạng thiếu chip toàn cầu "không chỉ ảnh hưởng đến dòng sản phẩm chip cao cấp". Ông chỉ ra rằng việc đảm bảo cung cấp đủ những con chip thông thường cũng trở thành một thách thức lớn đối với nhiều nhà sản xuất thiết bị điện.

Jason Ai, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hãng sản xuất thiết bị gia dụng Whirlpool Trung Quốc, tuần trước cho biết lượng chip giao cho các khách hàng đã giảm khoảng 10% so với đơn đặt hàng của họ trong tháng 3, theo báo cáo của Reuters. Họ cũng trích dẫn tình trạng xảy ra tại nhà sản xuất Hangzhou Robam Appliances Co, công ty đã phải trì hoãn việc ra mắt sản phẩm bếp thông hơi cao cấp mới 4 tháng vì không thể cung cấp đủ bộ vi điều khiển.

Các nhà phân tích khác dự đoán nguồn cung chip eo hẹp sẽ tiếp tục có tác động tiêu cực đến lĩnh vực thiết bị gia dụng của Trung Quốc trong những tháng tới, nếu không nói là nhiều năm.

Ivan Platonov, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu EqualOcean, cho biết: "Chúng tôi dự đoán tình trạng thiếu hụt sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2022. "Các nhà sản xuất sẽ bị thiệt hại đáng kể, vì ngành sản xuất này đã bão hoà và có tỷ suất lợi nhuận rất thấp trong nhiều năm."

Sự thiếu hụt chip toàn cầu là "thách thức lớn nhất, chỉ đứng sau năng lực sản xuất thực tế hạn chế", Platonov nói. Ông chỉ ra rằng các công ty bán dẫn đã chuyển sang các dòng "silicon" (chip) cao cấp hơn để có lợi nhuận cao hơn; những con chip cao cấp thường có kích thước nhỏ hơn. Điều đó đã dẫn đến nguồn cung khan hiếm các tấm wafer kích thước lớn, chẳng hạn như 200 milimet, kể từ năm 2019 - và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, ông nói thêm.

Tuy nhiên, Midea nói rằng hoạt động của riêng công ty vẫn sẽ; "tương đối suôn sẻ", nhờ vào các thỏa thuận lâu dài với các nhà cung cấp. Midea, công ty xếp thứ 307 trong Danh sách Fortune Global 500 năm 2020, cũng cho biết đơn vị sản xuất chip MR Semiconductor, được thành lập vào năm 2018, đã giúp cung cấp nguồn cung cấp linh kiện ổn định, bao gồm cả vi điều khiển và chip quản lý điện năng, cho mục đích sử dụng riêng của họ.

Platonov cho biết hoạt động chip riêng của Midea đang giúp bù đắp phần nào tác động của việc thiếu hụt nguồn cung hiện tại. Ông cho biết hầu hết các thiết bị vi điện tử mà Midea sử dụng hiện đều có thể được sản xuất tại các xưởng đúc chip trên lãnh thổ Trung Quốc đại lục.

Quang Huy

Chủ đề khác