VnReview
Hà Nội

Báo Trung Quốc: Liên minh 6G giữa Mỹ và Trung Quốc là "ảo tưởng phi thực tế"

Báo chí phương Tây cuối tuần trước cho biết Mỹ và Nhật Bản đã đồng ý 'bắt tay nhau' hòng vượt mặt Trung Quốc về công nghệ mạng 6G. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia Trung quốc thì đây là một "ảo tưởng phi thực tế" và chắc chắn sẽ thất bại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cách đây không lâu đã đồng ý thông qua gói đầu tư hợp tác trị giá 4,5 tỷ USD để phát triển công nghệ mạng không dây thế hệ thứ 6, hay 6G. Cùng với đó, hai nhà lãnh đạo hướng đến lời kêu gọi tạo ra mạng 5G 'mở và an toàn', bao gồm cả việc thúc đẩy dự án mạng truy cập vô tuyến mở (Open – RAN).

Trong thông cáo chung, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Nhật Bản không nhắc cụ thể đến Trung Quốc. Tuy nhiên, cả báo chí phương Tây và Trung Quốc đề cho rằng ẩn ý rõ ràng trong việc hợp tác này là nhắm đến việc kiềm chế sự phát triển mạng viễn thông tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc Nhật Bản vội vàng đứng về phía Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc khó có thể mang lại kết quả đáng kể cho sự hiện diện của họ trên bản đồ 5G toàn cầu.

Theo tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản, để hiện thực hóa kế hoạch kể trên, Mỹ sẽ đóng góp 2,5 tỷ USD còn Nhật Bản đóng góp 2 tỷ USD. Theo Xiang Ligang - Tổng giám đốc của Information Consumption Alliance có trụ sở tại Bắc Kinh thì "Liên minh Mỹ - Nhật trong hợp tác 5G và 6G là ý nghĩ quá mơ mộng xét về góc độ đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D)". Ông cho biết tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án kể trên là 4,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức R&D hàng năm của Huawei là hơn 100 tỷ Nhân dân tệ (15,34 tỷ USD).

Ông Xiang cũng cho biết, Mỹ và Nhật Bản hiện đang gặp bất lợi về sự tích lũy công nghệ và thị trường của thiết bị 5G. Hiện diện mờ nhạt của họ trong lĩnh vực 5G chính là dấu hiệu cho thấy khả năng cạnh tranh thấp của 2 nước này trong cuộc đua 6G.

Theo Nikkei, các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, dẫn đầu là Huawei và ZTE chiếm khoảng 40% tổng số trạm gốc 5G trên thế giới. Ericsson và Nokia của châu Âu cũng như Samsung của Hàn Quốc cũng chiếm thị phần đáng kể. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản dường như tụt lại phía sau trong cuộc đua 5G toàn cầu.

Về sự hiện diện của thiết bị 5G Trung Quốc tại nước ngoại, Jiang Junmu - chuyên gia hàng đầu trong ngành viễn thông tại Trung Quốc - trả lời Global Times cho rằng, tình hình hiện tại không thể tồi tệ hơn nữa. Mỹ đã thuyết phục các nước khác loại trừ Huawei khỏi mạng lưới viễn thông.

Cần lưu ý rằng tuyên bố chung Mỹ - Nhật nhấn mạnh đến sự hợp tác trên chuỗi cung ứng mang tính nhạy cảm cao, gồm cả chất bán dẫn. Có những suy đoán rằng Mỹ có thể yêu cầu Nhật Bản tuân theo các quy định kiểm soát xuất khẩu chống lại Trung Quốc. Dựa trên vị thế quan trọng của nhiều doanh nghiệp Nhật trong ngành chip.

Jiang cho rằng Nhật Bản có vị trí thống trị thế giới về vật liệu và công cụ chế tạo chip. Nếu Nhật Bản và Mỹ hợp tác, áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Trung Quốc thì không chỉ các công ty của nước này mà toàn bộ chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu sẽ chịu thiệt hại.

Tuy nhiên, Jiang cho rằng các công ty Nhật Bản không sẵn sàng cũng như không thể từ bỏ thị trường Trung Quốc rộng lớn. Nhà sản xuất vật liệu bán dẫn Nhật Bản Ferrotec đang đẩy nhanh việc mở rộng sản xuất ở Trung Quốc, với sự trợ giúp về chính sách của quốc gia đông dân nhất thế giới.

 

Nguyễn Dương (Theo Thời báo Hoàn cầu)

Chủ đề khác