VnReview
Hà Nội

Apple bị kiện tập thể ở Mỹ vì quảng cáo điện thoại chống thấm nước

Tương tự các hãng điện thoại thông minh khác, Apple cũng đã trang bị tính năng chống thấm nước ở một mức độ nhất định trên các dòng sản phẩm iPhone của mình. Và khả năng chống nước cũng tăng dần qua các năm.

Trên thực tế, cũng có những bài viết chia sẻ trên mạng cho biết một số chiếc điện thoại iPhone vẫn có thể hoạt động tốt sau vài tháng nằm dưới đáy hồ mà không cần thêm biện pháp bảo vệ nào. Tuy nhiên, một đơn kiện đã được gửi tới Tòa án Quận Nam New York với cáo buộc Apple đã phóng đại khả năng chống nước của sản phẩm.

Lá đơn được phân loại là "đơn kiện tập thể", trong đó Antoinette Smith là nguyên đơn "đại diện cho tất cả các cá nhân khác có cùng quan điểm". Đơn kiện gồm 13 trang, chủ yếu khai thác các tài liệu của Apple về tính năng chống thấm nước. Ví dụ, điện thoại iPhone 7 được quảng cáo đạt chuẩn chống thấm nước "IP67", với khả năng chịu nước ở độ sâu 1 mét trong thời gian lên đến 30 phút.

Với điện thoại iPhone 11 Pro và Pro Max, Apple đã sử dụng chuẩn IP68 với độ sâu chịu nước lên đến 4 mét trong 30 phút. Thậm chí iPhone 12 còn cao hơn với độ sâu lên đến 6 mét.

Tuy nhiên, đơn kiện chỉ ra rằng chuẩn chống nước trên sản phẩm tạo ra những điểm "không đủ tiêu chuẩn nhằm từ chối trách nhiệm" do chuẩn chống nước được đánh giá dựa trên thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với vùng nước tĩnh và tinh khiết, hoàn toàn khác với nước ở hồ bơi hay biển. "Điều này có nghĩa là điện thoại của những khách hàng đứng ở thành bể bơi hay trên bãi biển bị tạt nước hay rơi xuống nước sẽ bị từ chối bảo hành vì nước có chứa clo hoặc muối", trong đơn kiện viết.

Hơn nữa, chính sách bảo hành ghi rõ rằng không bảo hành với những hư hại do chất lỏng, thường biểu hiện bằng việc mẫu giấy quỳ tím bên trong thiết bị hóa đỏ.

Bên nguyên đơn cũng cho rằng việc Apple quảng cáo người dùng có thể làm sạch iPhone khi bị dính các loại chất lỏng thông dụng, như cà phê hay nước trái cây, dưới vòi nước cũng có thể khiến quỳ tím hóa đỏ. Do vậy, hành động này có thể khiến thiết bị của người dùng bị từ chối bảo hành.

Trong trường hợp của Smith, cô đã mua một chiếc iPhone 8 và điện thoại của cô đã tiếp xúc với nước ở mức độ "nằm trong khả năng của chuẩn chống nước IP trên thiết bị và những đặc tính chống nước theo quảng cáo của hãng".

Sau khi mang điện thoại đến Apple để sửa, phía công ty đã từ chối bảo hành do bị hư hại bởi chất lỏng. Điều này đã buộc cô Smith "chịu tổn thất về mặt tài chính do chi phí sữa chữa, suy giảm chức năng thiết bị, giá trị chuyển nhượng thấp, và/hoặc mua thiết bị mới".

Đơn kiện khẳng định phía nguyên đơn sẽ không mua iPhone "nếu bị đơn không trình bày thông tin không đầy đủ và thiếu chính xác" và cũng không phải bỏ ra quá nhiều tiền như vậy trong tình huống tương tự. Tuy nhiên, Smith vẫn dự tính mua một chiếc iPhone mới nếu cô chắc chắn rằng tính năng chống thấm nước của iPhone "phù hợp cho nhu cầu sử dụng thường ngày của người dùng thay vì dựa trên những thử nghiệm được kiểm soát trong phòng thí nghiệm".

Vụ kiện tuyên bố rằng bên nguyên đơn đại diện cho tất cả người mua iPhone sống ở bang New York với cáo buộc Apple đã vi phạm Quy chế Bảo vệ Người tiêu dùng thuộc Luật Kinh doanh New York.

Cùng với yêu cầu phiên tòa xét xử có bồi thẩm đoàn, bên nguyên đơn cũng yêu cầu có biện pháp khắc phục và bồi thường thiệt hại như buộc Apple đính chính thông tin, hoàn trả chi phí sửa chữa, đền bù thiệt hại tài chính, chi phí thuê luật sư, chuyên gia và bất kỳ khoản đền bù nào khác được tòa án phê chuẩn.

Đây không phải là lần đầu Apple bị kiện vì tính năng chống thấm nước của hãng. Tháng 11/2020, Cơ quan Chống độc quyền Ý đã phạt Apple 12 triệu USD với cáo buộc đánh lừa người tiêu dùng bằng cách quảng bá về khả năng chống nước, nhưng từ chối bảo hành đối với thiệt hại do chất lỏng.

Khoản tiền phạt cho thấy Apple đã nhận được khiếu nại về vấn đề này"từ cơ quan quản lý, đối thủ cạnh tranh và cả người dùng gửi đến trong những năm qua", đủ để Apple nhận thấy đây là vấn đề cần khắc phục.

Minh Bảo theo AppleInsider

Chủ đề khác