VnReview
Hà Nội

Số phận những cục pin ô tô điện sau khi “hết đát” sẽ đi đâu về đâu?

Thế giới lại có thêm một vấn đề phải đau đầu: làm gì với hàng triệu khối pin xe hơi điện đã qua sử dụng?

"Tốc độ phát triển của ngành công nghiệp này thực sự đáng sợ" - theo lời Paul Anderson từ Đại học Birmingham. Anh đang nói về thị trường xe hơi điện tại châu Âu.

Đến năm 2030, EU kỳ vọng sẽ có khoảng 30 triệu chiếc xe hơi điện chạy trên những tuyến đường của khu vực này.

"Đó là điều chưa từng xảy ra trước đây đối với một sản phẩm hoàn toàn mới như vậy" - Tiến sỹ Anderson, đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tố Chiến lược và Vật liệu Quan trọng Birmingham, cho biết.

Dù ô tô điện (EV) có thể không xả thải carbon trong quá trình hoạt động, ông lại quan ngại về những điều sẽ xảy ra khi chúng đến tuổi "về vườn" - cụ thể là những điều sẽ xảy ra với những khối pin của chúng.

"Trong 10 đến 15 năm khi một lượng lớn EV đi đến cuối vòng đời, chúng ta cần phải có được một ngành công nghiệp tái chế hoàn chỉnh" - ông nhấn mạnh.

Trong khi hầu hết các thành phần của EV không khác gì xe hơi truyền thống, điểm khác biệt lớn nhất chính là pin. Pin chì-axit truyền thống có thể dễ dàng tái chế, nhưng pin lithium-ion vốn được sử dụng trong các EV thì không như vậy.

Pin EV lớn hơn và nặng hơn thông thường và được cấu thành từ hàng trăm cell lithium-ion riêng biệt, tất cả đều cần được tháo ra để tái chế. Chúng chứa nhiều loại vật liệu độc hại và có xu hướng phát nổ nếu bị tháo một cách tuỳ tiện.

"Hiện nay, trên toàn cầu, rất khó để biết được con số chi tiết phần trăm những khối pin lithium-ion đã được tái chế, nhưng con số được nhắc đến khá nhiều là khoảng 5%" - tiến sỹ Anderson nói. "Ở một số vùng trên thế giới, con số còn nhỏ hơn nhiều".

Những đề án gần đây của EU như một lời "nhắc nhở" các nhà cung ứng EV; làm sao để đảm bảo sản phẩm của họ không bị mang ra bãi rác khi đã đi đến cuối vòng đời, và các nhà sản xuất cũng đã bắt đầu hướng đến mục tiêu đó.

Ví dụ, Nissan hiện đang tái sử dụng những khối pin cũ từ mẫu xe Leaf của mình trong các phương tiện tự động hoá làm nhiệm vụ vận chuyển linh kiện đến công nhân trong nhà máy. Volkswagen cũng làm điều tương tự, nhưng gần đây cũng đã mở nhà máy tái chế đầu tiên của mình ở Salzgitter (Đức) và dự kiến sẽ tái chế đến 3.600 hệ thống pin mỗi năm trong giai đoạn thử nghiệm.

"Kết quả của quy trình tái chế là nhiều vật liệu khác nhau sẽ được thu hồi. Ở bước đầu tiên, chúng tôi sẽ tập trung vào các kim loại ở cathode như cobalt, nickel, lithium, và mangan" - theo lời Thomas Tiedje, giám đốc nhà máy tái chế của Volkswagen Group Components. "Các phần đã được phân rã của hệ thống pin như nhôm và đồng sẽ được đưa vào luồng tái chế thiết lập từ trước."

Nhà máy tái chế pin của Volkswagen ở Salzgitter, Đức

Trong khi đó, Renault hiện đang tái chế tất cả những khối pin xe hơi điện của hãng. Cho đến lúc này, số lượng sản phẩm cần tái chế cũng chỉ khoảng vài trăm mỗi năm. Renault thực hiện điều này thông qua một liên minh với công ty quản lý rác thải Pháp Veolia và công ty hoá chất Bỉ Solvay.

"Chúng tôi nhắm đến mục tiêu giải quyết được 25% nhu cầu của thị trường tái chế. Chúng tôi muốn duy trì mức độ như vậy, và tất nhiên hoạt động này sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của Renault" - theo Jean-Philippe Hermine, Phó giám đốc hoạch định môi trường chiến lược của Renault.

"Đây là một dự án rất mở - nó không chỉ tái chế pin Renault mà mọi loại pin, và còn bao gồm cả chất thải sản xuất từ các nhà máy sản xuất pin nữa"

Vấn đề này hiện cũng đang nhận được sự chú ý từ các tổ chức khoa học như Viện Faraday, nơi thực hiện dự án ReLiB nhằm tối ưu quy trình tái chế pin EV và biến nó trở nên càng đơn giản càng tốt.

"Chúng tôi hình dung một ngành công nghiệp hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn trong tương lai, thay vì áp dụng một số quy trình hiện có - và có thể được mở rộng - nhưng lại không hiệu quả cho lắm" - theo tiến sỹ Anderson, điều tra viên dự án.

Ví dụ, hiện nay, phần lớn vật chất trong một viên pin sẽ được giảm đi trong quá trình tái chế, trở thành thứ gọi là "khối đen" - một hỗn hợp của lithium, mangan, cobalt và nickel - và bản thân "khối đen" kia cần trải qua thêm một quy trình tốn khá nhiều năng lượng trước khi khôi phục lại được các vật liệu dưới dạng sử dụng được.

Tự tay bóc tách những cell pin nhiên liệu kia sẽ tạo điều kiện cho một số loại vật liệu được thu hồi hiệu quả hơn, nhưng cũng có những vấn đề riêng của nó.

"Tại một số thị trường, như Trung Quốc, quy định về an toàn - sức khoẻ và quy định về môi trường lỏng lẻo hơn nhiều, và những điều kiện làm việc cũng sẽ khó mà nhận được sự chấp thuận trong bối cảnh phương tây" - theo Gavin Harper, nhà nghiên cứu Viện Faraday cho biết.

Bóc tách những khối pin lithium-ion đã qua sử dụng là việc rất mất thời gian

"Ngoài ra, bởi nhân công đắt đỏ hơn, toàn bộ vấn đề về mặt kinh tế khiến việc tái chế pin xe hơi điện khó mà trở thành một hoạt động kinh doanh có lợi tại Anh". Theo ông, câu trả lời nằm ở tự động hoá và robot: "Nếu bạn có thể tự động hoá quy trình đó, bạn có thể giảm bớt tính nguy hiểm và tăng tính hiệu quả về mặt kinh tế"

Và quả thực việc cải thiện khả năng tái chế pin EV sẽ mang lại những tác động kinh tế mạnh mẽ - bởi có khá nhiều nguyên tố được sử dụng trong pin xe hơi điện khá khó được tìm thấy ở châu Âu và Anh.

"Một mặt, bạn phải đối mặt với vấn đề quản lý rác thải, nhưng mặt khác, bạn có được một cơ hội tuyệt vời bởi hiển nhiên nước Anh không có được nguồn cung trong nước đối với nhiều vật liệu sản xuất đó" - tiến sỹ Harper nói. "Có một ít lithium ở Cornwall, nhưng xét một cách toàn diện thì chúng ta gặp nhiều thách thức trong việc gom nguồn các vật liệu sản xuất cần thiết".

Chính vì vậy, từ góc nhìn của một nhà sản xuất, tái chế pin cũ là cách an toàn nhất để đảm bảo có được một nguồn cung ổn định cho các mẫu xe mới. "Chúng ta cần đảm bảo nguồn cung của những vật liệu có tính chiến lược đối với lĩnh vực xe hơi và ngành công nghiệp nói chung" - Hermine nói. "Chúng ta không thể tiếp cận những vật liệu đó ngoài việc thông qua tái chế - pin hết đát là mỏ vàng giữa lòng đô thị đối với châu Âu".

Minh.T.T (theo BBC)

Chủ đề khác