VnReview
Hà Nội

Huawei ra đi để lại thị trường Trung Quốc cho Apple và đồng hương xâu xé

Nhờ khả năng phục hồi "thần kỳ" của nền kinh tế Trung Quốc và khoảng trống mà Huawei để lại, vốn đang bị Mỹ đàn áp về nguồn cung chip, các công ty di động Mỹ như Apple và Qualcomm đã có một quý kinh doanh thành công vào đầu năm 2021.

Theo kết quả kinh doanh được Apple công bố hôm 28/4, doanh số bán hàng của Táo Khuyết tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng trưởng hai chữ số cho mọi danh mục sản phẩm được liệt kê trong báo cáo. Cụ thể, doanh số bán iPhone và máy Mac lần lượt tăng ở mức 65,5% và 70%.

Phần lớn kết quả kinh doanh mà Apple đạt được nhờ vào thị trường Trung Quốc, nơi chứng kiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm Apple tăng mạnh và có tốc độ tăng trưởng lên đến 87,5% trong quý tài chính thứ 2 (3 tháng đầu năm 2021). Qua đó, Apple bỏ túi 17,7 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ 57% trong quý cuối 2020.

Nhà sản xuất bán dẫn Mỹ Qualcomm cũng thông báo lợi nhuận ròng tăng 276% trong quý I, xuất phát từ nhu cầu điện thoại thông minh của người dùng Trung Quốc khởi sắc. Màn trình diễn của cả Apple và Qualcomm đều vượt xa so với kỳ vọng thị trường, giúp cổ phiếu của hai công ty tăng nhanh sau khi công bố báo cáo tài chính.;   

Ma Jihua, chuyên gia phân tích công nghệ làm việc tại Bắc Kinh cho biết kết quả kinh doanh khả quan của Apple và Qualcomm một phần là do hoạt động trong mảng smartphone của Huawei đang bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm chipset từ Mỹ.

"Apple là người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Huawei rời đi, bởi hãng công nghệ Mỹ nhắm vào người dùng cao cấp. Trùng khớp với phân khúc khách hàng dòng P và Mate cao cấp của Huawei, vốn đang chứng kiến số ​​lô hàng sụt giảm mạnh do thiếu chip Kirin", Ma trả lời phỏng vấn với tờ Thời báo Hoàn cầu hôm thứ 29/4.

Trong quý đầu năm 2020, doanh số bán của Huawei sụt giảm 16,5% xuống còn 152,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 23,52 tỷ USD), cho thấy hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh đang chững lại do công ty vẫn phải vật lộn với những lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nhằm vào nguồn cung chip của họ.

Bên cạnh Apple và Qualcomm, các thương hiệu điện thoại Trung Quốc khác như Xiaomi, Oppo và Vivo cũng đang nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mà người đồng hương Huawei để lại. Qua đó cũng phần nào thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ chip xử lý Snapdragon của Qualcomm.  

Nhưng các nhà phân tích nhấn mạnh sự tăng vọt về doanh thu của các công ty công nghệ Mỹ tại thị trường Trung Quốc "là tạm thời và không bền vững", cho rằng chúng có thể rẽ hướng sang chiều hướng xấu trong năm nay do những bất ổn từ mối quan hệ Mỹ - Trung và sự đình trệ trong đổi mới công nghệ giữa đôi bên.

"Lý do khiến doanh nghiệp Mỹ tăng trưởng trong ba tháng đầu năm không phải vì hoạt động tốt mà do đối thủ cạnh tranh bất ngờ giảm mạnh. Đây không phải là sự tăng trưởng dựa trên công nghệ", Ma cho biết.

Huawei bị Mỹ liệt vào danh sách đen vào tháng 5/2019 với cáo buộc công ty Trung Quốc là "mối đe dọa an ninh quốc gia". Tất nhiên, Huawei đã phủ nhận nhưng vẫn chịu lệnh cấm tiếp cận các công nghệ thiết yếu do Mỹ làm chủ.

Song song đó, Ma chỉ ra rằng cuộc đàn áp dữ dội của Mỹ đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc có khả năng đẩy nhanh quá trình cải tổ ngành công nghiệp. "Sự đổi mới và tập trung đầu tư vào bán dẫn đang giúp Trung Quốc dần thu hẹp khoảng cách với nước ngoài. Nếu chip cây nhà lá vườn có được chỗ đứng, nó sẽ hồi sinh Huawei và giành thị phần từ tay các nhà sản xuất Mỹ như Qualcomm".

Và nếu tình huống xấu nhất xảy ra là Mỹ gia hạn thêm thời gian hiệu lực của lệnh cấm chip, nó sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của các công ty Mỹ, giới phân tích cho biết.

Các chuyên gia trong ngành lưu ý chìa khóa để duy trì đà tăng trưởng ở Trung Quốc là sự đổi mới, thứ mà các công ty công nghệ Mỹ như Apple dường như đang bị tụt hậu trong một số lĩnh vực. Ví dụ mạng 5G hay Internet of Things – vạn vật kết nối.

"5G sẽ mở ra làn sóng cách mạng mới cho các thiết bị thông minh, và một bước đi sau có thể làm lu mờ sự phát triển trong tương lai của Apple", Ma nêu rõ.

Liu Dingding, nhà phân tích công nghệ độc lập tại Bắc Kinh, dự đoán nhiều khả năng Apple sẽ tiếp tục mở rộng thị trường Trung Quốc trong năm nay, sau khi chứng kiến thị phần sụt giảm vào năm 2020. "Các công ty Mỹ phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và điều đó cũng phản ánh một môi trường kinh tế đan xen giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới", Liu cho biết với Global Times.

Ngọc Diệp (Theo Thời báo Hoàn cầu)

Chủ đề khác