VnReview
Hà Nội

Quá lệ thuộc vào châu Á, ngành bán dẫn toàn cầu "trả giá đắt"

Việc phụ thuộc quá nhiều vào ngành bán dẫn của Châu Á đã khiến một số công ty phải hồi hương để đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Mặc dù nhu cầu ô tô phục hồi mạnh nhưng hoạt động sản xuất xe vẫn đang bị cản trở do các vấn đề trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Đại dịch, thiên tai và căng thẳng thương mại đang là những khó khăn bủa vây ngành bán dẫn, khiến nguồn cung suy giảm trầm trọng.

Phần lớn chuỗi cung ứng chip đang gặp khó khăn do nguồn cung chip chủ yếu đến từ các nhà sản xuất bán dẫn ở Châu Á. CEO của Intel, Patrick Gelsinger nhấn mạnh sự cần thiết của một "chuỗi cung ứng cân bằng hơn" bởi hiện toàn bộ hoạt động sản xuất chip hiện nay đều tập trung ở Đông Á.

Hoạt động xuất khẩu chip từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia Châu Á khác ngoại trừ Nhật Bản đã tăng lên hơn 80% tính đến năm 2019, tăng từ mức 50% trong hơn 20 năm qua. Trong cùng kỳ, hoạt động xuất khẩu từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đang giảm xuống thấp hơn 20% kể từ mức 50%.

Ngoài ảnh hưởng của đại dịch, nhiều nhà máy sản xuất chip cũng bị tê liệt từ đầu năm 2021 vì ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu. Cụ thể, đợt rét đậm ở bang Texas, Mỹ và vụ hỏa hoạn tại một nhà máy của Renesas Electronics ở Nhật Bản đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất chip. Các nhà phân tích dự báo rằng, các nhà sản xuất ô tô sẽ phải cắt giảm sản lượng khoảng 2,4 triệu xe hay xấp xỉ 3% so với dự kiến ​​trong năm 2021 vì thiếu chip.

Thiếu nước cũng trở thành một vấn đề mới đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất TSMC đã phải sử dụng xe tải cấp nước vì hòn đảo này đang trong đợt hạn hán tồi tệ nhất suốt 56 năm qua. Samsung cũng đang đẩy mạnh nỗ lực tái sử dụng nước, vốn là chìa khóa để sản xuất chip.

Sự mong manh của chuỗi cung ứng ở Châu Á đã phần nào bị bộc lộ do các yếu tố khách quan này. Và nếu không thể giải quyết, nó sẽ làm chậm tiến trình phục hồi của ngành bán dẫn nói chung.

Khủng hoảng bán dẫn là điều tất yếu nếu vẫn tập trung sản xuất bán dẫn ở Châu Á

Ngoài việc tập trung sản xuất ở Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc, một vấn đề khác là các nhà máy của các nhà sản xuất này ngày một rộng lớn hơn. Điều này rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp bán dẫn nếu không may, một trong số nhà máy lớn bị đóng cửa. Công suất sản xuất mỗi nhà máy đã tăng gần gấp đôi so với năm 2009 ở Đài Loan và Hàn Quốc và tăng 1,4 lần ở Nhật Bản.

Ngoài sự gia tăng nhu cầu chip trên quy mô toàn cầu, việc hợp nhất các nhà sản xuất chip cũng dẫn đến việc hình thành các nhà máy quy mô lớn. Renesas, được thành lập thông qua việc hợp nhất các doanh nghiệp bán dẫn của NEC, Hitachi và Mitsubishi Electric. Trước đó các công ty này có 22 nhà máy tại Nhật Bản vào năm 2011 nhưng sau đó đã hợp nhất thành 9 nhà máy chung.

Mô hình xuất khẩu và nhập khẩu trong thập kỷ qua cũng chỉ ra tình trạng tập trung sản xuất. Đài Loan và Hàn Quốc ghi nhận mức tăng xuất khẩu chip khổng lồ. Điều này càng thể hiện việc các hãng đẩy mạnh đầu tư cho các nhà xưởng tập trung.

Xuất khẩu chip ròng đã giảm về mặt giá trị ở Mỹ trong năm 2020, một phần do nước này không còn mạnh về sản xuất và xuất khẩu chip như trước kia. Thay vào đó, nhiều công ty Mỹ đã gia tăng nhập khẩu chip từ các nhà máy ở Châu Á. Tại Nhật Bản, xuất khẩu chip ròng cũng giảm trong thập kỷ.

Đáng chú ý, nhập khẩu chip của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong thập kỷ do nước này cần nguồn cung để lắp ráp xe có động cơ, thiết bị gia dụng và nhiều sản phẩm khác với khối lượng lớn.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang cố gắng vượt Mỹ và chiếm lĩnh vị trí lãnh đạo trên thị trường công nghệ, nước này đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm thúc đẩy khả năng tự cung cấp chip trong nước và nhắm mục tiêu có thể tự sản xuất 70% nguồn cung chất bán dẫn vào năm 2025.

Tất nhiên Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc vì nước này đang tìm cách kêu gọi các hãng đặt dây chuyền sản xuất chip tại Mỹ. Ví dụ, Intel sẽ xây dựng hai nhà máy mới ở Arizona để sản xuất chất bán dẫn. Ngoài ra TSMC cũng đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip khác ở tiểu bang này.

Châu Âu cũng có kế hoạch nâng cao sản lượng chất bán dẫn và Nhật Bản đang hướng tới việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở nước này trong thời gian tới.

Tiến Thanh

Chủ đề khác