VnReview
Hà Nội

Hệ thống đằng sau các bài đăng về coin của Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn

Các chuyên gia nhận định FXT Token nằm trong danh sách mà Ngọc Trinh, Nam Thư, Kiều Minh Tuấn quảng bá là dự án lừa đảo, hoạt động theo mô hình đa cấp.

"FXT Token là mã thông báo tiền điện tử của nền tảng FXT. Từ mức cao nhất đạt được hồi tháng 4, giờ đây FXT Token chỉ còn 0,03 USD/đồng, giảm khoảng 90%. Nền tảng tài chính Coinmarketcap cũng chỉ xếp hạng nó ở vị trí trên dưới 3.000. Có thể nói, FXT Token là loại coin rác", ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của công ty Maybank Kim Eng chia sẻ với Zing.

"FXT Token là dự án rác"

Ra mắt từ cuối năm 2020, FXT hoạt động kêu gọi đầu tư có nhiều dấu hiệu giống đa cấp. Tại trang web chính thức của mình, FXT Token tự nhận là "giải pháp tài chính toàn diện cho phép người dùng kiểm soát tài sản của mình. Nền tảng cho nhà cung cấp và tận dụng các dịch vụ tài chính bằng tiền điện tử trong khi vượt qua các hạn chế quy định xuyên biên giới".

Bài đăng của Kiều Minh Tuấn trên Facebook cá nhân.

Đỗ Phương Quỳnh, chuyên gia tài chính từ Ant Group, Thượng Hải, Trung Quốc nhận định FXT là "dự án rác, thông tin trong Sách trắng hoàn toàn không hữu ích. Các cá nhân điều hành dự án đều không rõ ràng", bà Quỳnh cho biết.

FXT được sử dụng như một loại tiền ước định được dùng cho dự án của Lio****. Dự án này hoạt động như một sàn đầu tư ngoại hối kết hợp với lựa chọn nhị phân. Hình thức giao dịch nhị phần này từ lâu đã bị cảnh báo như loại hình đánh bạc kết hợp đa cấp.

Bà Phương Quỳnh đánh giá FXT Token hoạt động cùng kịch bản với WIN của Wefinex và BCC từ Bitconnect. "Dự án đánh vào sự thiếu hiểu biết và lòng tham của người dân, bằng cách xây dựng nền tảng lựa chọn nhị phân, lợi dụng danh tiếng của thị trường giao dịch Forex để lừa nhà đầu tư tham gia. Nhà đầu tư được hứa hẹn trả lãi mỗi ngày, thay vì hoạch định xây dựng chiến lược giao dịch như các nhà giao dịch thực thụ", bà Quỳnh nói thêm.

Thay vì phải tự chơi, nhà đầu tư vào Lio**** được cam kết trả lãi hàng ngày. Mức lãi tổng cả năm của dự án này lên tới 2, 3 lần vốn gốc. Đầu năm 2021, đã có nhiều người mất tiền khi Lio**** dừng hoạt động, không cho rút tiền ra khỏi tài khoản.

"FXT xây dựng những hệ thống theo mô hình ponzi kinh điển để trả tiền cho các F1, F2 với mục đích lôi kéo thêm thật nhiều người tham gia hệ thống. Các nhà đầu tư không có kiến thức nền tảng về tài chính thường coi dự án này như giải pháp giúp họ kiếm tiền mà không cần lao động", Bà Quỳnh cảnh báo.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Thuật, Đồng sáng lập Quỹ đầu tư ươm mầm blockchain Kyros Ventures cho rằng FXT Token gắn với mô hình kinh doanh không bền vững, chủ yếu đánh vào lòng tham. Ông nhận định có 2 dạng người sẽ đầu tư vào FXT.

"Thứ nhất, là những nhà đầu tư thiếu hiểu biết về cơ chế và bản chất thị trường tiền mã hóa lẫn đầu tư ngoại hối. Họ dễ bị hấp dẫn bởi những thứ nghe mới lạ, các câu chuyện được vẽ ra nghe có vẻ logic, những thuật ngữ chưa chắc họ đã nắm rõ như 'công nghệ 4.0'. Số này có thể chiếm đến 80-90%", ông Thuật phân tích.

Nhóm người thứ 2 được ông Thuật liệt kê là những nhà đầu tư đã hiểu bản chất của những mô hình lừa đảo này, song nghĩ rằng có thể tự kiểm soát được rủi ro. "Họ nghĩ rằng bản thân nhanh lẹ, có thể đầu tư sớm, rút sớm. Nhưng chính họ về sau cũng không kiểm soát được lòng tham của mình. Số này chiếm khoảng 10-20%", ông Thuật nói thêm.

Đồng FXT được cho là liên quan trực tiếp đến dự án đa cấp Lio****. Ảnh: VTV.

FXT Token chỉ được niêm yết trên các sàn nhỏ, kém uy tín như Bilaxy, FatBTC. Ngoài ra, trụ sở chính của dự án đặt tại Vanuatu, hòn đảo phía Đông Australia. Quy mô công ty được giới thiệu là 51-200 nhân viên. Tuy nhiên, trên Linkedin chỉ có thông tin của 4 hồ sơ, trong đó có một cá nhân là người Việt Nam.

"Để giải quyết cho nỗi sợ lớn nhất của nhà đầu tư là không rút được tiền, FXT đã niêm yết FXT Token lên các sàn giới chuyên môn hay gọi là sàn 'rác'. Thực chất, các sàn này không có tính thanh khoản, giá trị bị thao túng, bán được hay không là câu chuyện khác. Rất nhiều nhà đầu tư còn bị đánh lừa bởi thuật ngữ 'sàn quốc tế'", ông Thuật nhận định.

Chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn niêm yết của những sàn mã hóa thế giới hiện nay, ông Thuật cho rằng quy chuẩn này đang ngày càng thấp, đặc biệt là ở các sàn ít tên tuổi. "Hiện tại, có hàng trăm sàn giao dịch. Những sàn này muốn 'kiếm cơm' cũng phải thông qua niêm yết coin. Sàn càng kém danh tiếng, tiêu chuẩn niêm yết càng thấp. Họ sẵn sàng làm tất cả vì tiền", ông Thuật nói.

Ông Trung Thuật cảnh báo người dùng nếu mất tiền khi giao dịch trên các sàn loại này nếu mất tiền cũng không được bất cứ bên nào bảo vệ.

''Một bộ phận nghệ sĩ đang tiếp tay cho lừa đảo''

Gần một ngày sau khi dư luận và các chuyên gia tiền mã hóa lên tiếng khả năng lừa đảo của FXT Token, các nghệ sĩ Việt Nam đăng bài quảng cáo cho đồng tiền này vẫn im lặng, không có phát ngôn đính chính về vụ việc.

"Thời buổi ngày nay đảo điên, người ta có thể dạy cho nhau những thứ không phải là chuyên môn của mình. Một bộ phận giới nghệ sĩ không còn ý thức được tầm ảnh hưởng của mình có thể gây nên nguy hiểm như thế nào đến người dân", ông Phan Dũng Khánh bình luận.

Bài đăng quảng bá tiền số của nhiều người nổi tiếng tại Việt Nam.

Nghệ sĩ Việt chỉ nên làm những việc liên quan tới giải trí, tránh xa những ngành nghề không hiểu rõ. "Việc các kênh báo chí chính thống lên tiếng cảnh báo khả năng lừa đảo của những dự án tài chính bẩn thể hiện sự cố gắng làm trong sạch hệ thống tài chính quốc gia. Tuy nhiên, các nghệ sĩ lại bất chấp bỏ qua cảnh báo để nhận quảng cáo trá hình cho dự án lừa đảo. Đây cũng là hành vi tiếp tay cho lừa đảo, coi thường người dân và pháp luật", bà Quỳnh nói.

Theo Zing

Chủ đề khác