VnReview
Hà Nội

Các công ty Nhật tăng sản xuất vật liệu bán dẫn cung ứng cho Hàn Quốc và Đài Loan

Các công ty Nhật Bản như Tokyo Ohka, Daikin và Shin-Etsu Chemical đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt tăng cường sản xuất ở Hàn Quốc và Đài Loan.

Các nhà sản xuất nguyên liệu thô Nhật Bản đang chuyển sang tăng cường sản xuất ở Hàn Quốc và Đài Loan, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở các thị trường quan trọng.

Trong khi các hãng Nhật Bản xuất khẩu với số lượng lớn từ quê nhà, họ cũng đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng vì chất bán dẫn ngày càng được sử dụng trong mọi sản phẩm điện tử, cũng như để đối phó với cáng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Tokyo Ohka Kogyo đã tăng gấp đôi công suất photoresist ở Hàn Quốc so với năm 2018, thông qua mở rộng nhà máy ở Incheon, Hàn Quốc với chi phí vài tỷ yên. Photoresist hay vật liệu cản quang thường được sử dụng để khắc mạch lên tấm silicon. Tokyo Ohka Kogyo hiện là nhà sản xuất photoresist lớn nhất thế giới, chiếm 25% thị trường toàn cầu và là mắt xích quan trọng trong chuỗi.

Daikin đã thành lập liên doanh tại Hàn Quốc với một nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip địa phương. Công ty sẽ xây dựng một nhà máy tại đây với chi phí 36,6 triệu USD. Cơ sở dùng để làm khí ăn mòn, được sử dụng trong quá trình quang khắc. Cho đến nay, công ty đang cung ứng cho Hàn Quốc nguồn nguyên liệu sản xuất từ Nhật Bản và Trung Quốc. Daikin hy vọng năng lực sản xuất trong nước sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của thương hiệu.

Tokyo Ohka và Daikin cũng là đối tác cung cấp nguyên liệu sản xuất chip cho;Samsung Electronics và SK Hynix

Tại Đài Loan, Shin-Etsu Chemical đã mở một cơ sở sản xuất photoresist mới, đồng thời đầu tư khoảng 273 triệu USD để xây dựng nhà máy mới và nâng cao công suất tại điểm sản xuất đã có ở Nhật Bản. Nhà máy Đài Loan sẽ sản xuất máy quang khắc EUV, thiết bị trước đây thường chỉ được sản xuất ở Nhật Bản. Showa Denko Materials (trước đây là Hitachi Chemical), một công ty con của Showa Denko, sẽ đầu tư 182 triệu USD để tăng sản lượng vật liệu mài wafer silicon và vật liệu bảng mạch in tại Hàn Quốc và Đài Loan vào năm 2023.

Các công ty hóa chất Nhật Bản cũng đang tăng cường đầu tư vào Hàn Quốc và Đài Loan. Theo số liệu thống kê về cán cân thanh toán của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, phần lớn hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản đã tăng mạnh trong năm 2019 và chủ yếu liên quan đến chất bán dẫn.

Hàn Quốc và Đài Loan đang tạo ra một nửa công suất chất bán dẫn sử dụng tấm mỏng 300 mm tiên tiến trên toàn cầu. Samsung Electronics và TSMC cũng đã đầu tư rất nhiều và làm tăng nhu cầu về vật liệu bán dẫn mà các công ty Nhật Bản có lợi thế. Cuộc chạy đua giữa hai công ty khiến họ lệ thuộc hơn vào đối tác cung ứng từ Nhật, vón tham gia nhiều công đoạn trong ngành bán dẫn, từ máy móc, trang bị tới vật liệu.

Tokyo Ohka đã và đang tăng cường nghiên cứu, phát triển và sản xuất ở nước ngoài để điều chỉnh sản lượng phù hợp với nhu cầu địa phương. Một quan chức Tokyo Ohka cho biết: "Trong ba năm qua, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều ở nước ngoài, chủ yếu ở Hàn Quốc, Đài Loan và Bắc Mỹ. Bởi vì ở Nhật Bản, không có ai chế tạo được máy quang khắc EUV trong khi khách hàng chính của công ty lại chủ yếu ở nước ngoài".

Hai công ty Nhật Bản, Shin-Etsu Chemical và SUMCO nắm giữ khoảng 60% thị trường tấm wafer toàn cầu, các công ty Nhật Bản nói chung chiếm gần 90% thị trường cung ứng bán dẫn thế giới. Nhiều nhà máy của các nhà sản xuất vật liệu bán dẫn Nhật Bản tại Mỹ đang hoạt động hết công suất. Khi những cơ sơ bán dẫn mới đi vào hoạt động, các hãng Nhật có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu tăng thêm hơn nữa của thị trường.

Tiến Thanh (Theo Nikkei)

Chủ đề khác