VnReview
Hà Nội

Xiaomi, Oppo, Vivo, Realme vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" ở Ấn Độ vì đại dịch

Trước đợt phong tỏa mới nhất vào tháng 4, thị trường smartphone Ấn Độ đã có dấu hiệu phục hồi so với năm ngoái. Nhưng hiện tại các thương hiệu như Xiaomi, Realme, Oppo và Vivo đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì đợt dịch mới hết sức nghiêm trọng.

Sự gia tăng về số ca nhiễm Covid-19 gần đây tại Ấn Độ đang đẩy nhiều hãng sản xuất smartphone tại thị trường này rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Trong bối cảnh nhiều hãng smartphone Trung Quốc như Xiaomi, Realme, Oppo và Vivo đang đẩy mạnh sự hiện diện tại thị trường tỷ dân sau khi có những dấu hiệu phục hồi của thị trường, thật không may khi vận đen đã ập tới bất ngờ. Số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở mức kỷ lục tại Ấn Độ đã kéo mọi hy vọng về sự vực dậy của thị trường smartphone sụp đổ.

Hồi năm ngoái, Ấn Độ đã phải phong tỏa nhiều thành phố lớn để kiểm soát đại dịch Covid-19. Sau đó một thời gian, thị trường đã có dấu hiệu dần phục hồi trở lại. Nhưng do các biện pháp phòng dịch còn buông lỏng và ý thức người dân chưa cao nên đại dịch đã bùng phát trở lại ở quốc gia tỷ dân. Điều đáng buồn là đợt dịch lần này khủng khiếp hơn rất nhiều đợt trước vì số lượng ca nhiễm tăng chóng mặt và các cơ sở y tế vỡ trận.

Đợt dịch mới bùng phát còn ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống, bao gồm cả nền kinh tế và sức mua của thị trường. Theo Kiranjeet Kaur, một nhà quản lý nghiên cứu cấp cao tại IDC cho biết "mọi thứ đã đi ngược chiều" trong tháng 4 khi nhiều nơi ở Ấn Độ bắt đầu bị phong tỏa. Kaur nhấn mạnh: "Mọi người không mạo hiểm ra ngoài trừ khi thực sự cần thiết. Các nhà bán lẻ trực tuyến chỉ cung cấp những sản phẩm thiết yếu trong khi smartphone không được coi là thiết yếu".

Các ca nhiễm mới hàng ngày đã tăng lên đến 300.000 ở Ấn Độ trong vòng hai tuần qua. Tình hình ngày càng bi đát hơn khi xuất hiện nhiều biến chủng Covid-19 mới, đe dọa sẽ kéo dài dịch bệnh tại Ấn Độ. Theo một phân tích từ Bloomberg Intelligence công bố mới đây, việc phong tỏa nhiều thành phố đã làm suy yếu nhu cầu của người tiêu dùng, đẩy lượng xuất xưởng smartphone giảm 25% trong Q2/2021.

Điều này có nghĩa là sẽ có ít hơn 9 triệu máy được xuất xưởng tại Ấn Độ so với dự báo 28 triệu chiếc ban đầu của IDC.

2021 dự báo sẽ tiếp tục là một năm "vất vả" với các hãng smartphone Trung Quốc tại thị trường Ấn Độ

Ấn Độ đóng vai trò quan trọng đối với các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc vì đây là thị trường mới nổi, đầy tiềm năng tăng trưởng so với thị trường nội địa Trung Quốc vốn đã bão hòa. Các hãng Trung Quốc nổi tiếng với các dòng smartphone giá rẻ, phù hợp với túi tiền của đông đảo người dân Ấn Độ.;

Xiaomi là nhà sản xuất smartphone chiếm thị phần lớn nhất tại Ấn Độ vào năm 2020 với doanh số theo ước tính của IDC là 41 triệu máy. Theo Bloomberg Intelligence, nhu cầu suy giảm hiện tại có thể khiến công ty mất khoảng 3% doanh thu hàng quý.

Vivo, Realme và Oppo, ba công ty con thuộc sở hữu của tập đoàn BBK Electronics, Trung Quốc cũng nằm trong top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu vào năm ngoái và chỉ xếp sau Samsung. Đặc biệt, Realme đã trở nên phụ thuộc lớn vào thị trường sau khi các sản phẩm của hãng gây cơn sốt mạnh ở Ấn Độ. Theo IDC, doanh số bán smartphone ở thị trường láng giềng chiếm hơn 45% tổng doanh số bán smartphone toàn cầu của thương hiệu con này.

Đại diện Realme chia sẻ: "Tình hình kinh doanh hiện tại của chúng tôi bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định nhưng hy vọng tình hình sẽ được cải thiện và chúng tôi tin rằng, thương hiệu sẽ có thể phục hồi nhanh chóng".

Oppo cho biết, hãng đã tặng thiết bị y tế, bao gồm cả máy thở cho Ấn Độ nhưng không bình luận về tác động của virus đối với hoạt động kinh doanh ở thị trường này. Xiaomi và Vivo cũng không đưa ra thêm bình luận nào.

Trong thời gian qua, cả 4 nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đã đầu tư và tăng năng lực sản xuất tại Ấn Độ nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất ở nước này đang bị đe dọa vì dịch bệnh.

Tarun Pathak, giám đốc tại hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết: "Họ có thể tạm thời bị cắt giảm sản lượng nhưng đồng thời, các công ty này cũng phải đảm bảo duy trì và không bị cắt giảm lực lượng lao động và cần nâng cao nhận thức về tiêm chủng".

Các nhà sản smartphone ở Ấn Độ đã rút kinh nghiệm từ những lần buộc phải dừng hoạt động các nhà máy trước đó và hiện đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo dây chuyền vẫn có thể hoạt động và không làm gián đoạn nguồn cung smartphone ra thị trường. Kaur đến từ IDC cho biết thêm, các vấn đề về logistic và nguồn cung đã ít bị ảnh hưởng hơn so với năm ngoái.

Cuối cùng một vấn đề mà các hãng sản xuất smartphone có lẽ cần quan tâm hơn trong lúc này, đó là việc đảm bảo nguồn cung chip trong bối cảnh thiếu hụt linh kiện toàn cầu chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc đảm bảo được nguồn cung chip sẽ giúp các hãng có thể chủ động hơn khi thị trường smartphone dần phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tiến Thanh (Theo SCMP)

Chủ đề khác