VnReview
Hà Nội

Apple AirTags là cơn ác mộng tiềm tàng về quyền riêng tư

Thiết bị AirTags tí hon của Apple được tạo ra để phục vụ một sứ mệnh "vinh quang": giúp bạn không phải giật mình thon thót mỗi khi làm thất lạc đồ dùng cá nhân nữa. Thật vậy, chúng được thiết kế để hỗ trợ bạn tìm chìa khoá, balo, xe đạp, và bất kỳ thứ gì bạn gắn chúng vào.

Tuy nhiên, sau khi sử dụng AirTags một thời gian, cây bút Victor Hristov của trang tin PhoneArena phát hiện ra rằng: sức mạnh khó tin của AirTag, vốn dựa vào mạng lưới một tỷ chiếc iPhone trên toàn cầu để giúp bạn định vị thiết bị AirTag của mình, hoàn toàn có thể bị lợi dụng và biến thành một cơn ác mộng về quyền riêng tư.

Cũng hợp lý, khi mà AirTag thực sự nhỏ bé và có thể dễ dàng trở nên vô hình kể cả khi…nằm chình ình trong túi xách - quả là tuyệt vời nếu bạn chỉ muốn theo dõi vị trí của chiếc túi xách thân yêu đúng không nào? Tuy nhiên, nếu bạn có những ý định không mấy tốt lành - ví dụ, bám đuôi một ai đó - thì kích cỡ khiêm tốn của AirTag, như đã nói ở trên, sẽ là một cơn ác mộng về quyền riêng tư đối với nạn nhân của bạn.

Chỉ bảo vệ người dùng iPhone

Hãy hình dung ai đó muốn tìm ra chính xác bạn đang đi đến những nơi nào, vào bất kỳ thời điểm nào, và nhà bạn ở đâu. Người đó mua vài chiếc AirTag, và họ chỉ biết một điều: người họ muốn bám đuôi không sử dụng iPhone. Tại sao? Bởi Apple chỉ trang bị tính năng bảo vệ tránh bị theo dõi ngoài ý muốn cho người dùng của chính mình, không phải cho người dùng Android. Nếu bạn đang sử dụng iPhone, bạn sẽ thấy thông báo hiện ra khi AirTag của người lạ bắt đầu di chuyển cùng mình trong một khoảng thời gian nhất định (trong bài test của PhoneArena, một AirTag lạ sẽ có thể theo dõi bạn trong khoảng 5 tiếng rưỡi cho đến khi một thông báo hiện ra trên iPhone của người bị theo dõi)

Nếu bạn đang sử dụng Android, xin chia buồn vì bạn sẽ không nhận được bất kỳ thông báo nào trên điện thoại cả.

Trên thực tế, cách duy nhất chiếc AirTag kia có thể báo hiệu rằng nó đang bị lợi dụng để bám đuôi bạn là phát ra âm thanh tít tít nhẹ nhàng trong 15 giây, nhưng điều đó chỉ xảy ra sau…3 ngày!

Ba ngày dài. Kẻ lạ mặt kia có thể biết được rất nhiều điều về bạn sau 3 ngày theo dõi, và kêu tít tít trong 15 giây là quá ít ỏi, đôi lúc bạn còn chẳng nghe thấy. Chiếc AirTag kia sau khi phát ra âm thanh sẽ im lặng trở lại trong vài giờ, sau đó báo hiệu một lần nữa trong 15 giây (cũng với âm thanh tít tít âm lượng 60 decibel, không hề lớn chút nào)

Công cụ hoàn hảo cho những kẻ bám đuôi

Quay lại ví dụ về kẻ bám đuôi. Kẻ đó có thể dễ dàng thả một chiếc AirTag vào túi xách của người khác tại một tiệm cafe, hoặc nếu biết xe của người chúng muốn bám đuôi, chúng có thể dễ dàng gắn một AirTag vào gầm xe bằng keo siêu dính. Một kẻ bám đuôi thậm chí có thể ma mãnh hơn nữa nếu kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ càng, và tinh vi đến mức dán thêm một thêm một tấm hấp thụ âm thanh lên AirTag để giảm tiếng kêu của nó. Bằng cách này, AirTag sẽ như một bóng ma, chỉ có may mắn mới giúp bạn tìm ra được nó!

Về lý thuyết, bạn có thể theo dõi một người trong suốt một năm trời cho đến khi pin của AirTag cạn kiệt, và nếu người bị theo dõi sử dụng điện thoại Android, họ sẽ chẳng thể biết được.

Bây giờ hãy nâng ví dụ đó lên một mức cao hơn: nếu một kẻ có tư duy sáng tạo tìm cách bám đuôi một người quan trọng (VIP) bằng cách hàn cứng AirTag vào xe hơi của nạn nhân, từ đó khiến việc nhận biết AirTag là bất khả thi, thì sao? Hiển nhiên, hậu quả để lại khi những tên tội phạm cáo già nắm trong tay sức mạnh như vậy là vô cùng đáng sợ.

Kẻ bám đuôi có thể bị kiện, nhưng không đơn giản đâu

Cuối cùng, một vấn đề nữa bạn cần cân nhắc: Apple đã đánh dấu mỗi AirTag với một số seri độc nhất in trực tiếp lên thân thiết bị (bạn sẽ thấy dãy số này khi tháo pin ra). Bên cạnh đó, bạn cũng có thể giữ AirTag gần một điện thoại có NFC và một đường link sẽ xuất hiện, cho phép bạn xem số seri của AirTag đó. Với một trát yêu cầu của toà án, Apple có thể tiết lộ tên người đăng ký AirTag và kéo theo đó là những hệ quả không mấy tốt lành; nhưng đừng quá lo lắng: đầu tiên, bạn cần một trát yêu cầu của toà, và thứ hai, điều này cho thấy bạn đã tìm được chiếc AirTag lạ đang theo dõi mình.

AirTag cực kỳ dễ tắt nếu một người đang bị theo dõi tìm thấy chúng: chỉ cần nhấn nắp kim loại ở bên dưới; vặn nó theo ngược chiều đồng hồ, và tháo pin ra. Nhưng trước hết, bạn phải tìm thấy nó đã.

Tất cả những điều kể trên nói lên một vấn đề mà bất kỳ ai cũng phải quan ngại: AirTag có thể và sẽ bị lợi dụng sai mục đích, và mọi người cần một giải pháp bảo vệ tốt hơn.

Nhằm tránh rắc rối, Apple và Google phải hợp tác cùng nhau, để người dùng Android cũng được cảnh báo nếu ai đó tìm cách bám đuôi họ, và hai công ty cần biến điều đó thành hiện thực càng sớm càng tốt. Nhưng liệu kỳ vọng này có thực sự khả thi khi mà mạng lưới Find My của Apple từ lâu đã là một sản phẩm độc quyền? Không ai dám chắc, và cho đến lúc đó, bạn nên cảnh giác cao độ với AirTag.

Minh.T.T (theo PhoneArena)

Chủ đề khác