VnReview
Hà Nội

Nhiều mặt hàng điện tử sẽ tăng giá trong thời gian tới vì thiếu chip

TV, laptop và tablet hiện đang là những thiết bị điện tử có nhu cầu rất cao khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Hầu hết mọi người đều làm việc và học tập thông qua các phần mềm hội họp video hay say sưa tận hưởng Netflix trong tình cảnh bị phong tỏa. Và điều đó cũng đã tạo ra khung hoảng nguồn cung bán dẫn, khiến giá một số thiết bị tăng đột biến.

Nhiều mặt hàng điện tử sẽ tăng giá trong thời gian tới vì thiếu chip

Theo công ty nghiên cứu thị trường NDP, trong những tháng gần đây, giá của các mẫu TV lớn đã tăng khoảng 30% so với mùa hè năm ngoái. Tình trạng khủng hoảng chip là nguyên nhân chính gây ra điều này và việc khắc phục nó cũng phức tạp hơn rất nhiều, thay vì chỉ tăng cường sản xuất. Và những thiết bị khác, chẳng hạn như laptop, tablet, headset VR, chắc chắn cũng sẽ gặp phải tình trạng tương tự.

Một số nhà sản xuất đã xác nhận khả năng tăng giá. Asus, một nhà sản xuất máy tính đến từ Đài Loan, đã tiết lộ trong cuộc họp báo cáo thu nhập hàng quý vào hồi tháng 3 rằng sự thiếu hụt linh kiện đồng nghĩa rằng "giá ở thượng nguồn sẽ còn tăng cao hơn nữa", ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng.

"Thật không may, mức giá của những linh kiện này sẽ tăng lên", Michael Hurlston, CEO của Synaptics – một công ty bán các vi mạch tích hợp điều khiển màn hình cảm ứng cho những nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng, cho hay. "Trong một số trường hợp nhất định, chúng tôi đang chuyển mức tăng giá đó cho khách hàng của mình, và chúng tôi nghe nói rằng, họ cũng làm điều tuơng tự."

Khi mà nguồn cung trong ngành bán dẫn bị siết chặt, những mạch tích hợp liên kết màn hình đó lại đặt ra các thách thức cụ thể. Do chúng không quá tân tiến, thế nên, các vi mạch thường được sản xuất tại những nhà máy sản xuất chip lạc hậu nhiều thế hệ. Khi các nhà sản xuất chip tập trung vào việc xây dựng lại những nhà máy chế tạo tiên tiến hơn, mang lại nhiều thành phần có giá trị hơn, họ thường có ít động lực để đầu tư năng suất tại những cơ sở cũ của mình. Điều đó khiến họ không thể cung cấp thêm linh kiện, kể cả khi nhu cầu đang tăng đột biến.

Tất cả các thiết bị đều bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chip này. Sony đã tiết lộ với các nhà phân tích rằng PlayStation 5 vẫn sẽ thiếu nguồn cung cho đến năm 2022 vì sự thiếu hụt trầm trọng này. Nhiều công ty môi giới linh kiện xác nhận rằng giá các linh kiện nhất định đã tăng vọt với hệ số rất lớn. Các bộ điều chỉnh điện áp vốn được sử dụng trong vô số sản phẩm thường có giá 50 cent, giờ đây đã tăng lên 70 USD. Nhưng ở mức độ tiêu dùng, các sản phẩm yêu cầu mạch tích hợp hiển thị sẽ là thứ đầu tiên hứng chịu điều này và cũng khó khăn nhất bởi những hạn chế từ nhà máy.

"Từ mà tôi nghe nhiều nhất gần đây đó chính là hàng tồn kho đã cạn kiệt", Peggy Carrieres, Phó chủ tịch tại AVNet – một công ty cung cấp linh kiện điện tử, cho biết. "Vì vậy, những mức giá mới sẽ được áp dụng cho các cửa hàng bán lẻ và thị trường tiêu dùng."

Dù đây là một loại mạch tích hợp nhưng nó ảnh hưởng trên diện rộng. "Bất cứ thứ gì có màn hình được tích hợp sẵn đều sẽ bị ảnh hưởng từ đợt tăng giá này", Paul Gagnon, Giám đốc nghiên cứu thiết bị tiêu dùng tại công ty phân tích Omdia, cho hay. Theo ông, tình trạng đó ảnh hưởng cả các nhà sản xuất PC, vốn cố thể tránh được việc gia tăng giá bằng cách giảm bộ nhớ.

Paul Collas, Phó Chủ tịch phụ trách sản phẩm tại đơn vị bán lẻ thiết bị điện tử Monoprice, xác nhận công ty đang bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt linh kiện. Anh tuyên bố, Monoprice sẽ không tăng giá nhưng có thể phải nghỉ bán cũng như ngừng mọi chương trình khuyến mãi khác. "Trong một số trường hợp, chúng tôi cũng nhận thấy sự cần thiết trong việc đầu tư nhiều hơn vào các khoản trả trước cho đối tác nhằm đảm bảo dòng cung ứng, có thể hỗ trợ cho các yêu cầu cung cấp của chúng tôi."

Sự kết hợp của các yếu tố đã góp phần tạo ra cơn khan hiếm chip chưa từng có. Đại dịch đã khiến nhu cầu đối với các thiết bị điện tử gia dụng và dịch vụ đám mây bùng nổ. Đồng thời, suy thoái kinh tế cũng khiến một số ngành công nghiệp dự đoán sai về mức giảm nhu cầu.

Nhiều mặt hàng điện tử sẽ tăng giá trong thời gian tới vì thiếu chip

Không chỉ ngành công nghệ truyền thống, tác động từ tình trạng thiếu hụt chip này còn lây lan sang nhiều lĩnh vực khác. Điển hình như ô tô khi các nhà sản xuất đều đạt doanh số thấp hơn rất nhiều so với kì vọng. Sau khi bị hủy các đơn đặt linh kiện bán dẫn được ưu tiên, nhiều nhà sản xuất ô tô đã phải ngừng sản xuất trong khi chờ "tiếp viện". Sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở phạm vi rộng hơn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hàng loạt linh kiện bán dẫn khác nhau, kể cả các mạch tích hợp cho màn hình.

Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt hiện tại. Trong vài năm gần đây, chính phủ Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những công ty công nghệ tiêu dùng lớn của Trung Quốc, bao gồm Huawei và ZTE, ngăn chặn những công ty này truy cập vào công nghệ chip tiên tiến nhất, buộc họ phải tích trữ càng nhiều càng tốt.

Nhiều chuyên gia dự đoán, cuộc khủng hoảng bán dẫn này sẽ kéo dài hơn 1 năm và có thể góp phần vẽ lại toàn cảnh ngành sản xuất chip toàn cầu. Sự thiếu hụt này đã cho thấy tầm quan trọng của sản xuất chip đối với nhiều ngành công nghiệp. Và những con chip tiên tiến nhất sẽ là yếu tố sống còn để có thể phát triển trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, 5G hay thậm chí là quân sự.

Công ty sản xuất chip hàng đầu tại Mỹ, Intel, đã bị các đối thủ cạnh tranh như TSMC (Đài Loan) hay Samsung (Hàn Quốc) cho "hít khói" trong những năm gần đây. Tuy vậy, công ty đã lên kế hoạch đầu tư mạnh mẽ hơn nhằm lấy lại ngôi vương của mình. Chính phủ Mỹ cũng đã đề xuất đầu tư 50 tỉ USD nhằm kích thích ngành công nghiệp Mỹ phát triển, tăng cường năng lực sản xuất.

Những điều này sẽ không giúp ích gì cho tình hình hiện tại. Hurlston cho hay: "Đó chỉ là những phép kinh tế đơn giản. Nguồn cung hiện có hạn và tất cả chúng ta đều đang chiến đấu vì nó."

Lê Hữu theo ArsTechnica

Chủ đề khác