VnReview
Hà Nội

Trung Quốc cảnh báo rủi ro nếu sử dụng tiền điện tử để thực hiện giao dịch tài chính

Ba trụ cột của nền tài chính Trung Quốc đưa ra tuyên bố chung về những rủi ro của việc đầu cơ tiền điện tử. Đồng thời tái khẳng định lập trường không cho phép sử dụng chúng là một hình thức thanh toán.

Các tổ chức tài chính được nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc đồng loạt đưa ra cảnh báo về việc sử dụng tiền điện tử trong thanh toán. Lấy lý do tiền điện tử có sự biến động lên xuống thất thường, họ khẳng định tiền điện tử không được sử dụng trong bất kỳ hoạt động tài chính nào trong nước.

Hiệp hội Tài chính Quốc gia trên Internet, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Thanh toán và Bù trừ của Trung Quốc đều đưa ra tuyên bố hôm 19/5, rằng các thành viên trực thuộc 3 tổ chức này không nên tham gia vào các giao dịch liên quan đến tiền điện tử. Các hoạt động mà họ đề cập bao gồm dịch vụ trung gian giao dịch tài chính, trao đổi tiền mặt. Sự kiện này diễn ra vào một tuần đầy sóng gió của Bitcoin, khi ​​giá trị của nó liên tục giảm do Elon Musk, CEO của Tesla, thông báo công ty ông đã ngừng sử dụng tiền điện tử do lo ngại tác động đối với môi trường.

Không chỉ đề cập đến Bitcoin, các tổ chức trên còn cho biết tiền điện tử vốn không được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công nhận về pháp lý, bởi mức độ rủi ro cao bên cạnh việc bị xem là công cụ rửa tiền. Họ cho rằng tiền điện tử không có giá trị thực tế, giá cả dễ bị thao túng.

"Mọi người không nên lưu trữ tiền điện tử như một loại tài sản và các vấn đề liên quan đến việc sử dụng tiền điện tử không được pháp luật bảo vệ".;Các tổ chức trên cho biết thêm, bất kỳ bên nào tham gia vào các vụ đầu tư hoặc giao dịch tiền điện tử, sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Họ nhắc nhở người tiêu dùng tự nhận thức được rủi ro và không tham gia vào các hoạt động liên quan đến tiền điện tử.

Chính quyền Trung Quốc đã liên tục cảnh báo về các đợt mở bán lần đầu của tiền điện tử. Họ cho rằng hành động này chưa hợp pháp, các hình thức đầu cơ kiểu này có thể phá vỡ "trật tự kinh tế và tài chính". Tuy nhiên, các sàn giao dịch tiền điện tử không bị đề cập đến và các cá nhân vẫn được phép sở hữu tiền điện tử.

Chính phủ cũng không kiểm soát việc khai thác tiền điện tử, vốn không được đề cập đến trong tuyên bố chung của các nhóm tài chính. Nhiều nhà nghiên cứu vào tháng trước đã chỉ ra, trừ khi các quy định nghiêm ngặt hơn được thực hiện, việc khai thác tiền điện tử ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các cam kết về bảo vệ môi trường của nước này. Báo cáo ước tính Trung Quốc chiếm hơn 75% lượng tính toán mã băm nhằm để đào Bitcoin. Nguyên nhân đến từ giá điện rẻ, việc tiếp cận các thiết bị đào coin dễ hơn so với thế giới.

Việc ban hành lệnh cấm các hoạt động tài chính liên quan đến tiền điện tử nhằm mở đường cho giải pháp thay thế đến từ chính phủ Trung Quốc, đó là phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ (RMB). Được gọi là Đơn vị tiền tệ dành cho thanh toán điện tử (DCEP), đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được phát triển trên nền công nghệ blockchain và mật mã học. Dự kiến có thể thực hiện giao dịch qua giao thức NFC, cho phép chuyển tiền ngoại tuyến giữa hai ví điện tử ở gần nhau.

DCEP có thể được sử dụng trên các ứng dụng di động đã áp dụng hình thức thanh toán này, bao gồm AliPay, WeChat, Apple Pay. Việc thử nghiệm đã bắt đầu từ năm ngoái, giữa lúc đại dịch. Một số cư dân ở Thâm Quyến và Tô Châu đã được cấp một ít DCEP để sử dụng trong tiêu dùng. 

Chí Tôn

Chủ đề khác