VnReview
Hà Nội

Texit: trào lưu dân IT tháo chạy khỏi Thung lũng Silicone

Trong đại dịch Covid-19, Austin được mệnh danh là một trong những khu vực kinh tế giành chiến thắng trong cuộc di cư của dân IT rời khỏi Thung lũng Silicone, nơi được cho là thủ đô của ngành công nghệ thế giới từ những năm 1930. Các doanh nghiệp địa phương và dữ liệu kinh tế cho thấy thủ phủ của bang Texas đã chứng kiến ​​một lượng lớn các công ty và công nhân từ Thung lũng Silicone của California đổ về đây.

Từ lâu, thành phố Austin đã là một trung tâm công nghệ nhờ có các công ty như IBM, Texas Instruments, Dell PC… Dù vậy, nơi đây luôn đứng ở vị trí thứ hai đằng sau Thung lũng Silicone. Tuy nhiên, vị trí đứng đầu của nền công nghiệp này đã dần thay đổi trong thời gian qua do tác động từ dịch Covid-19. Một vài công ty có tên tuổi đã quyết định rời khỏi Bắc California và xây dựng một trụ sở mới ở Texas, và những công ty này được gọi là "Texit".

Ảnh: Getty Images/iStockphoto

Khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, việc hủy bỏ SXSW, diễn đàn nghệ thuật và công nghệ hàng năm của Austin, là một cú sốc đối với thành phố và ngành công nghệ, một dấu hiệu cho thấy mọi thứ sẽ rất tồi tệ. Tuy nhiên, nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau phong tỏa và sự hiệu quả của làm việc từ xa đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp siết chặt ngành công nghiệp công nghệ cao của Thung lũng Silicone

Trong khi Facebook, Apple và Google không di chuyển thì những công ty lâu đời, đi đầu trong lĩnh vực công nghệ và những nhà đầu tư mạo hiểm đã có sự dịch chuyển.

Tập đoàn cơ sở dữ liệu khổng lồ Oracle Corp, chỉ mới ký một thỏa thuận tài trợ trị giá 180 triệu USD để đổi tên sân bóng chày San Francisco Giants thành Oracle Park trong 20 năm, đã ra thông báo chuyển trụ sở từ thành phố Redwood, California đến thành phố Austin, Texas sau 44 năm.

"Chúng tôi tin rằng quyết định này là tốt nhất cho sự phát triển của Oracle và tạo ra sự linh hoạt cho nhân viên của chúng tôi về địa điểm và cách thức làm việc", phát ngôn viên Deborah Hellinger;trả lời tờ CNN.

Hewlett Packard Enterprise, dù có lịch sử lâu đời và gắn liền với lịch sử của Thung lũng Silicone, cũng đã thông báo sẽ chuyển trụ sở đến Houston, Texas.

Hồi đầu tháng, nhà sáng lập Tesla, Elon Musk cũng thông báo bản thân ông sẽ chuyển đến Austin, trước đó Elon Musk sống tại Los Angeles và đi làm tại trụ sở công ty đồng thời là nhà máy tại Fremont, California.

"Nếu một đội giữ vị trí chiến thắng quá lâu họ sẽ tự mãn và sau đó sẽ không thể tiếp tục đứng đầu được nữa. California đã giành chiến thắng quá lâu", Elon Musk nói tại Hội nghị Hội đồng CEO Wall Street Journal.

"Trước hết, Tesla và SpaceX hiển nhiên đã có những cơ sở khổng lồ ở California. Tesla là công ty ô tô cuối cùng vẫn sản xuất ô tô tại California. SpaceX cũng là công ty hàng không vũ trụ cuối cùng còn sản xuất tại California", Musk cho biết.

"California từng là trung tâm sản xuất của ngành hàng không vũ trụ. Hai công ty của tôi là những công ty cuối cùng còn hoạt động sản xuất ở đó. Đó là một điểm rất quan trọng cần làm rõ".

Các nhà quan sát cho rằng sự di chuyển này có thể là do đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nơi làm việc, các nhân viên hiện đã quen với phong cách làm việc tại nhà. Một số công ty công nghệ cho biết họ sẽ chính thức cho phép nhân viên làm việc tại nhà ngay cả khi dịch Covid-19 kết thúc.

"Về cơ bản, Covid đã khuyến khích mọi người làm việc từ xa và trải nghiệm những nơi sinh sống mới", Keith Rabois, nhà đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại San Francisco, cho biết, anh cũng sẽ chuyển đến Miami, Florida.

Ông Rabois, nguyên giám đốc điều hành PayPal và LinkedIn, cũng cho biết ông ngày càng mệt mỏi với mức thuế và mức sống cao, cũng như các vấn đề khác, như người vô gia cư, tại California.

"Dần dần bạn sẽ thấy rõ ràng có những nơi khác tốt hơn để sống", ông trả lời tờ Wall Street Journal.

California là bang có mức thế thu nhập cá nhân khá cao, là điều mà Florida và Texas đều không có. Có thể chính vì lý do này mà những doanh nhân như Elon Musk chuyển đến Texas để tiết kiệm một khoảng tiền thuế khá lớn cho khối tài sản 155 tỉ USD của mình.

Việc giảm mức thuế thu nhập cá nhân sau khi chuyển đi khỏi California có thể giúp các giám đốc điều hành, có mức thuế suất cao nhất, nhận được thêm đến 13,3% thu nhập.

Bản thân Musk cũng là người lên tiếng chỉ trích những biện pháp hạn chế và đóng cửa nơi làm việc do chính quyền Caliornia ban hành hồi năm 2020. Trong khi đó, Texas và Florida đều được cho là có môi trường kinh doanh ít hạn chế hơn.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Thung lũng Silicone đang có mức lương trung bình năm cao nhất với con số khoảng 144.800 USD (3,3 tỉ đồng). Giá nhà đất trong khu vực này cũng tăng cao khiến nó trở thành một trong những nơi có giá nhà đất đắt đỏ nhất nước Mỹ.

Vào tháng 11/2020, mức giá trung bình cho một ngôi nhà ở Thung lũng Silicone là 1,38 triệu USD, trong khi đó giá nhà tại Texas chỉ khoảng 1/3 con số trên.

Nhiều người tự hỏi rằng vì sao họ phải khổ sở vận lộn để sống ở nơi có thị trường nhà đất đắt đỏ như vậy, trong khi họ có thể sống thoải mái hơn nhiều ở Texas với mức lương đó.

Địa điểm mới nổi thu hút các công ty công nghệ là thành phố Austin, Texas, nơi vừa mới được đặt tên là Đồi Silicone. San Francisco Chronicle dẫn các nghiên cứu cho thấy dù không có sự di cư của các công ty khỏi Vùng Vịnh, Austin là thành phố hưởng lợi lớn từ việc mở rộng công ty và sự di cư của công nhân công nghệ.

Tính đến tháng 11, đã có 39 công ty, cả về công nghệ và các ngành khác, đã chuyển đến thành phố này. Austin trước đó đã là nhà của công ty máy tính Dell và công ty bán dẫn American Micro Devices.

Từ tháng 5/2020 đến tháng 4/2021, Austin có nguồn nhân lực công nghệ cao tăng ròng cao nhất trong tất cả các thành phố lớn tại Mỹ. Quan niệm người lao động phải sinh sống gần trụ sở nơi làm việc gần như đã bị phá vỡ.

Theo dữ liệu do San Francisco Chronicle trích dẫn từ LinkedIn, hiện cứ 10.000 người dùng sẽ có thêm 217 người dùng là nhân viên công nghệ tại Texas; trong khi đó Vùng Vịnh lại mất đi 80/10.000 người dùng.

Tesla đã tổ chức động thổ công trình nhà máy rộng khoảng 370.000 m2 tại Texas để sản xuất dòng xe Model Y và Cybertruck; nhà máy này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 5.000 việc làm cho người lao động. Google đã thuê một tòa tháp mới còn đang xây dựng. Apple đang mở cơ sở thứ hai ở phía bắc thành phố. Một trong những văn phòng lớn nhất của Facebook tại Mỹ nằm tại trung tâm thành phố Austin.

"Chúng tôi xem bản thân là nguồn vốn nhân lực" với 25 trường đại học và cao đẳng tại thành phố này, Laura Huffman, chủ tịch và giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Austin, cho biết.

"Tôi sẽ không đánh giá thấp tầm quan trọng của chất lượng cuộc sống tại đây. Có rất nhiều thứ để nói về cộng đồng này, như âm thực địa phương tuyệt vời, hay nền âm nhạc, nó còn là một thành phố thoáng đãng", bà Huffman cho biết. "Đây là nơi mà nhiều người muốn được sống. Tôi nghĩ năm 2020 đã dạy cho chúng ta rằng chúng ta có nhiều sự lựa chọn cho nơi mình sẽ sống".

Nhà đầu tư công nghệ Joe Lonsdale cũng đã chuyển công ty tài chính 8VC của mình đến Austin.

"Mọi việc bỗng nhiên rõ ràng hơn rằng có rất nhiều nơi để xây dựng ở đất nước này dựa trên chi phí sinh hoạt, tài năng, tất cả mọi thứ khác, như văn hóa và những điều tương tự, chứ không chỉ có mỗi Thung lũng Silicone", ông Lonsdale trả lời tờ Austin American Statesman.

Chính quyền địa phương cũng đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư như hoàn thuế tài sản, thuế thu nhập với những điều khoản tốt hơn nếu các chính sách được thông qua có lợi cho cộng đồng, như làm việc với nhóm thiểu số và phụ nữ, hay nghỉ ốm có lương. Theo số liệu từ Phòng Thương mại, hiện thành phố Austin đã bổ sung lại 97% số việc làm bị mất do dịch bệnh. Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức đỉnh 12% hồi tháng 4/2020 xuống còn 4,6%. Ngược lại, San Francisco đã trở nên tụt lại trong việc lấy lại việc làm đạt mức trước đại dịch.

Ảnh: Ilana Panich-Linsman

Nhưng những công ty ủng hộ cho Thung lũng Silicone nhấn mạnh rằng họ sẽ không rời khỏi đây chỉ vì lợi ích và vẫn sẽ sử dụng nguồn nhân lực tại đây.

"Họ vẫn chưa rời khỏi Thung lũng Silicone và vẫn tiếp tục tuyển dụng nhân lực tại chỗ. Họ vẫn tiếp tục đổi mới tại đây, tại Thung lũng Silicone", Peter Leroe-Munoz thuộc tổ chức Silicon Valley Leadership Group, cho biết.

"Chúng tôi có sự giao thoa độc nhất giữa các trường đại học hàng đầu thế giới, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm dồi dào và chúng tôi thu hút người nhập cư từ mọi nơi trên thế giới với tỉ lệ cao hơn bất kỳ khu vực nào khác", ông trả lời với đài KTVU của San Francisco.

Carl Guardino, nguyên giám đốc điều hành Silicon Valley Leadership Group, cho biết việc mất đi các nhà đầu tư và lãnh đạo chưa bao giờ là tốt cả.

"Các công ty có thể chuyển đến bất kỳ nơi nào họ muốn và họ sẽ ở lại nơi họ được coi trọng. Điều đó sẽ lấy đi những tài năng với trí tuệ hàng đầu đến nơi khác và thường những công việc đó sẽ tiếp tục thu hút nhân tài đến với nó. Dù là trường hợp nào thì cũng không hề tốt cho khu vực này hay cho tiểu bang", ông Guardino nói.

Dù toàn tin tốt với Austin, nhưng cũng đừng vội gạt bỏ California. Tiểu bang này đã thách thức những lời tiêu cực và khiến nhiều người ngạc nhiên bằng cách biến khoảng thâm hụt ngân sách dự kiến đến 54 tỉ USD thành khoảng thặng dự 75,7 tỉ USD. Ngoài ra, California vẫn còn có khoảng viện trợ 27 tỉ USD từ Liên bang để trong ngân sách.

Thậm chí dù các công ty công nghệ lớn đang mở rộng quy mô ở Austin, họ vẫn tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào California. Google có kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào bất động sản tại California; và Apple đã ký kết một hợp đồng khổng lồ để mở rộng Sunnyvale.

Bang California còn dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các start-up và đưa các công ty công nghệ lên một tầm cao mới. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Pitchbook, hoạt động giao dịch VC tại Vùng Vịnh đứng đầu năm 2020 với 61,5 tỉ USD và Los Angeles đạt 19,3 tỉ USD, trong khi đó Austin chỉ đạt 2,3 tỉ USD.

Trong khi Vùng Vịnh sẽ tiếp tục là trung tâm của ngành công nghệ cao, những khu đô thị khác đã được hưởng lợi từ sự biến động của nền kinh tế trong đại dịch để có thêm một số công ty. Austin chắc chắn là một trong những thành phố đi đầu.

Minh Bảo (Theo Independent)

Chủ đề khác