VnReview
Hà Nội

Sau 2 năm, Gingerbread vẫn là phiên bản Android thịnh hành nhất

Android là hệ điều hành di động phổ biến nhất hiện nay, và thành công của nó một phần là nhờ Google rất "thoáng" trong việc cấp phép sử dụng Android cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến sự phân mảnh của hệ điều hành này, mà một ví dụ là sự chậm trễ trong việc cập nhật phiên bản mới nhất của Android.

Sau 2 năm, Gingerbread vẫn là phiên bản Android thịnh hành nhất

Theo trang tin PC World, số liệu mới công bố từ trang web dành cho nhà phát triển của Google cho thấy phiên bản Android 2.3, hay còn gọi là Gingerbread, vẫn đang chiếm tới hơn một nửa số thiết bị Android truy cập vào kho ứng dụng Google Play trong 2 tuần vừa qua. Phiên bản phổ biến thứ hai là Android 4.0 (Ice Cream Sandwich) xuất hiện trên 27,5% số thiết bị. Android 4.1 và 4.2, cùng có tên mã Jelly Bean, đã xuất hiện trên 6,7% các thiết bị.

Android 2.3 được Google phát hành vào ngày 6/12/2010, tức là đúng 2 năm trước, còn bản cập nhật Android 2.3.3 được phát hành vào tháng 2/2011. Trong 2 năm qua, các phiên bản mới của Android đã được bổ sung rất nhiều tính năng. Ice Cream Sandwich được trang bị khả năng tăng tốc bằng phần cứng, giao diện và độ mượt tốt hơn. Jelly Bean cũng được cải thiện về tốc độ, khả năng điều khiển máy bằng giọng nói và những tính năng chụp ảnh mới.

Tuy nhiên rõ ràng là có tới một nửa số thiết bị Android hiện tại vẫn đang sử dụng một phiên bản có từ gần 2 năm trước. Android 4.1, được phát hành từ 5 tháng trước, mới chỉ xuất hiện trên 6% số thiết bị. Để so sánh, có tới 15% số thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS đã cập nhật lên phiên bản iOS 6, chỉ 24 giờ sau khi phiên bản iOS mới nhất được phát hành.

Tất nhiên, đây không hoàn toàn là lỗi của Google. Thường thì hãng này đã gửi cho các đối tác lớn những phiên bản Android mới trước khi phát hành rộng rãi. Tuy nhiên việc nâng cấp một thiết bị lên phiên bản mới không phải đơn giản là "áp" nguyên bản gốc của Google. Do sự phong phú về linh kiện phần cứng, nhà sản xuất gần như phải tùy biến phiên bản Android cho mỗi thiết bị.

Tại nhiều nước, ngay cả khi nhà sản xuất đã hoàn thành một bản cập nhật, phiên bản này còn phải trải qua quá trình kiểm tra của nhà mạng. Do vậy, thường thì bản cập nhật chính thức cho các thiết bị chỉ xuất hiện sau thời điểm được Google phát hành vài tháng.

Vào năm ngoái, Google đã đưa ra một thỏa thuận, trong đó các nhà sản xuất tham gia đồng ý cập nhật điện thoại của hãng trong 18 tháng sau khi ra mắt. Tuy nhiên nỗ lực đó đã không cải thiện tình hình, và năm nay Google đã đưa ra một bộ phát triển nền tảng, giúp các nhà sản xuất dễ dàng cập nhật hơn. Tuy vậy, con số hơn 6% thiết bị dùng Jelly Bean tại thời điểm hiện tại vẫn chưa khả quan. Google sẽ còn phải tiếp tục tìm giải pháp để vượt qua sự phân mảnh nặng nề của hệ điều hành Android.

Tuấn Anh

Chủ đề khác