VnReview
Hà Nội

Tại sao chip Tensor của Pixel 6 lại có tầm quan trọng đặc biệt

Cùng đi sâu vào vi xử lý Google Tensor được trang bị cho mẫu Pixel 6 vừa được gã khổng lồ tìm kiếm công bố.

Pixel 6 sẽ sử dụng vi xử lý tích hợp (SoC) đầu tiên của Google. Dù công ty đã từng thử sức với phần cứng tuỳ biến trước đây (cụ thể là các chip bảo mật Titan M và chip xử lý đồ hoạ Pixel Visual Core), đây là lần đầu tiên Google nêu rõ mọi chi tiết về con chip của mình. Tensor Processing Unit (TPU) vốn là con chip hoàn toàn "cây nhà lá vườn" của Google, và nó chính là trái tim của SoC Tensor lần này.

Vi xử lý Google Tensor sẽ tập trung vào tăng cường chất lượng hình ảnh và khả năng xử lý các tiến trình học máy (ML) thay vì mang lại sức mạnh thuần tuý vượt trội so với các đối thủ. Và điều đó khiến chúng ta cực kỳ hào hứng với SoC này, đồng thời cũng có đôi chút nghi hoặc.

Tại sao SoC Google Tensor lại có tầm quan trọng đặc biệt

Đầu tiên và trước nhất, Tensor là một con chip tuỳ biến thiết kế bởi Google, với khả năng hoạt động hiệu quả trong những lĩnh vực mà công ty này muốn ưu tiên nhất. Có nghĩa là nó sẽ mang lại khả năng xử lý hình ảnh, xử lý giọng nói, và các tác vụ học máy khác nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Ít nhất thì sẽ nhanh hơn thế hệ Pixel 5 trước đó.

Với một TPU "nhà làm" mạnh mẽ nằm ở trung tâm con chip, Google sẽ cải thiện được khả năng phiên dịch ngôn ngữ thời gian thực ngay trên thiết bị để hiển thị phụ đề, chuyển văn bản thành giọng nói mà không cần internet, nhập liệu giọng nói song song với nhập liệu bàn phím, và hiệu năng camera ưu việt. Google Lens và các công nghệ học máy khác cũng sẽ được cải thiện. Dù những cải thiện này hầu hết đều đã được Google thực hiện với phần cứng hiện tại, chúng ta có thể hi vọng sẽ được chứng kiến một số tính năng mới hấp dẫn hơn.

AI và ML là "trái tim" của những sản phẩm từ Google, và rõ ràng họ thực hiện điều đó tốt hơn bất kỳ ai khác - do đó không khó hiểu khi đó cũng là trọng tâm cốt lõi của con chip Tensor mới. Xét nhiều SoC được ra mắt gần đây, hiệu năng thuần tuý không còn là khía cạnh quan trọng nhất của các SoC di động nữa. Khả năng tính toán hỗn tạp và tính hiệu quả trong các tác vụ cũng là yếu tố quan trọng không kém - nếu không muốn nói là quan trọng hơn - nhằm mang đến cho thiết bị những tính năng phần mềm mới mạnh mẽ và tạo nên sự khác biệt giữa nó với các đối thủ.

Bằng cách bước ra khỏi hệ sinh thái Qualcomm và sử dụng các linh kiện của riêng mình, Google có thể hướng con chip của mình về những mảng cần thiết để hoàn thành tầm nhìn smartphone đã vạch ra. Qualcomm phải "chăm sóc" một lượng lớn đối tác (và tầm nhìn của họ), trong khi Google lại có những ý tưởng chuyên biệt hơn nhiều. Không thể chối cãi rằng Google tin trải nghiệm Pixel 6 sẽ tốt hơn nhờ một AI tiên tiến chứ không phải khả năng mở ứng dụng Facebook nhanh hơn 5% so với năm ngoái. Giống như những gì Apple đã làm với con chip tuỳ biến, Google chuyển sang phần cứng "nhà làm" để tự do xây dựng nên những trải nghiệm mà họ mong muốn mang lại cho người dùng.

Ngoài ra, sử dụng một vi xử lý riêng hoặc góp phần phát triển, Google có thể tung ra các bản cập nhật thậm chí còn nhanh hơn và trong một thời gian dài hơn trước đó. Các đối tác đều lệ thuộc vào lộ trình hỗ trợ của Qualcomm nếu muốn tung ra những bản cập nhật lâu dài. Samsung, thông qua sự "cho phép" của Qualcomm, mang đến cho người dùng 3 bản cập nhật hệ điều hành và 4 năm cập nhật bảo mật, trong khi Google đã hứa hẹn điều tương tự với Pixel 5 và cả các đời trước đó. Liệu Google có kéo dài thời gian hỗ trợ này xa hơn nữa hay không, khi mà nay họ đã tiếp cận quy trình thiết kế chip rất gần rồi?

Tại sao SoC Tensor không hấp dẫn đến vậy?

Nếu bạn đang hi vọng Tensor sẽ mang lại hiệu năng khủng so với thế hệ trước, có lẽ bạn sẽ sớm thất vọng. Google chưa chia sẻ bất kỳ kết quả benchmark hay bất kỳ chi tiết nào về cơ chế hoạt động của CPU, GPU, hay các thành phần khác của nó. Tuy nhiên, vì không có các nhà thiết kế kiến trúc, Google chắc chắn đã mua lại linh kiện từ Arm, như Cortex-A78 chẳng hạn. Chúng ta cũng chưa rõ về việc liệu chiếc điện thoại này sẽ hỗ trợ 5G ra sao. Trên thực tế, Google thậm chí không hề tiết lộ công ty nào đã sản xuất chipset cho họ, dù một số tin đồn cho biết đó là Samsung. Giám đốc phần cứng của Google, Rick Osterloh, cho biết Tensor sẽ có hiệu năng CPU và GPU "rất cạnh tranh" - bạn suy nghĩ sao về câu nói đó còn tuỳ!

SoC của Google cũng không nhất thiết phải sở hữu những khả năng xử lý hình ảnh và học máy thực sự đột phá. Suy cho cùng, Google không phải là hãng duy nhất phát triển phần cứng, và phần cứng cao cấp đã có những thay đổi đáng kể từ lần cuối Google tung ra một chiếc điện thoại cao cấp, Pixel 4.

Cho đến thời điểm này, những demo mà Google đưa ra đã cho thấy khả năng của vi xử lý hình ảnh tiên tiến của họ đối với nhiều tình huống chụp ảnh và quay phim khác nhau. Điều này trở nên khả thi bởi năng lực học máy đỉnh cao của Google nay đã được tích hợp vào chip xử lý hình ảnh (ISP) thay vì nằm ở một nơi nào đó khác.

Tuy nhiên, đó không phải là điều mới mẻ với các smartphone từ năm 2020, chứ chưa nói đến cuối 2021. SoC Snapdragon 855 của Qualcomm, vốn hiện diện trên mẫu Pixel 4 vào năm 2019, đã có các chức năng thị giác máy tính tích hợp vào ISP. Sau đó, Snapdragon 865 và 888 đều lần lượt cải thiện các tính năng này, cho phép các đối tác của Qualcomm sử dụng dữ liệu từ nhiều camear cùng lúc và áp dụng các hiệu ứng như HDR và làm mờ hậu cảnh thời gian thực đối với các video 4K 60fps. Google không phải là hãng đầu tiên có những ý tưởng đó, nhưng không có nghĩa họ không thể làm tốt hơn.

Tương tự, các nhà sản xuất SoC khác cũng có những con chip cảm biến điện năng thấp của riêng họ nhằm hỗ trợ cho các tính năng như nhận dạng giọng nói liên tục, màn hình thay đổi màu sắc/tông màu theo không gian xung quanh, và các tính năng khác. Các chip bảo mật, như Titan M, cũng không mới. Trên thực tế, chúng đã là một phần không thể thiếu trong những thiết bị có sinh trắc học hiện nay. Bạn sẽ thấy những tính năng tương tự trên các SoC di động từ Apple, Huawei, Qualcomm, và Samsung. Tuy nhiên, cụ thể từng tính năng sẽ có sự khác biệt.

SoC Tensor có giúp Google thoát "dớp"

CEO Google, Sundar Pichai, cho biết chip Tensor đã được phát triển suốt 4 năm trời. Google khởi động dự án này khi các chức năng AI và ML di động vẫn còn tương đối mới mẻ. Công ty này luôn dẫn đầu trên thị trường ML và dường như cảm thấy bực bội trước những hạn chế của chip đến từ đối tác, thể hiện qua những thử nghiệm Pixel Visual Core và Neural Core.

SoC Tensor là nỗ lực của Google nhằm biến tầm nhìn của họ, không chỉ đối với chip học máy, mà còn nhằm chứng minh thiết kế phần cứng có thể tác động đáng kể giúp tạo sự khác biệt cho sản phẩm cũng như mang lại những tính năng mới mẻ cho phần mềm. Liệu mọi thứ họ đang làm có giúp tạo ra một chiếc smartphone Pixel 6 với những tính năng ấn tượng mà cả ngành công nghiệp chưa ai sở hữu?

Tuy nhiên, cần nhớ rằng Qualcomm và các ông lớn khác cũng không ngồi yên trong 4 năm đó. Học máy, dựng hình máy tính, và tính toán đa tác vụ đều là những tính năng quan trọng của mọi SoC di động lớn hiện nay, không chỉ giới hạn trên những sản phẩm cao cấp. Sẽ cần thêm thời gian để biết có phải Google đơn giản là đang tái phát minh lại công nghệ để đáp ứng nhu cầu của mình, hay quả thực công nghệ TPU và SoC Tensor của họ đã đi trước mọi đối thủ khác?

Minh.T.T (Theo;AndroidAuthority)

Chủ đề khác