VnReview
Hà Nội

Canon và Sony chiếm tới 70% thị phần máy ảnh năm 2020, Nikon bị bỏ lại

CanonSony chiếm phần lớn doanh số máy ảnh năm 2020 trong bối cảnh quy mô thị trường máy ảnh toàn cầu sụt giảm 40%. Đây là một năm cực kỳ khó khăn đối với ngành máy ảnh và theo dự đoán, thị trường sẽ còn bị thu hẹp hơn nữa trong thời gian tới.

Canon và Sony chiếm tới 70% thị phần máy ảnh năm 2020, Nikon bị bỏ lại

Theo "Khảo sát Chia sẻ Sản phẩm và Dịch vụ Quan trọng" của Nikkei, thị trường máy ảnh hiện do các công ty Nhật Bản chiếm lĩnh. Theo đó, Canon, Sony và Nikon nắm tổng 83,7% thị trường máy ảnh số, nhưng riêng Canon và Sony đã chiếm 70%: 47,9% dành cho Canon và 22,1% cho Sony. Dù là một năm khó khăn nhưng Sony và Canon thực sự đã chứng kiến sự gia tăng đối với số lượng máy ảnh xuất xưởng trong năm ngoái, Canon tăng 2,5% và 1,9% cho Sony, trong khi Nikon lại giảm 4,9%.

Nikkei cho biết, thị trường máy ảnh toàn cầu vốn đã giảm do sự phổ biến mạnh mẽ của smartphone, nhưng trong năm 2020, đại dịch coronavirus đã khiến vấn đề này trở nên trầm trọng thêm và thị trường toàn cầu giảm khoảng 40%. PetaPixel xác nhận ngành máy ảnh đã chạm đáy vào cuối mùa hè năm ngoái, trước khi kịp thời phục hồi cho kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, rõ ràng là nó không thể hồi phục hoàn toàn. Dẫu thế, bất chấp thị trường đang gặp khó khăn, Canon không chỉ tăng phị phần mà còn xuất xưởng số lượng sản phẩm nhiều hơn gấp đôi so với công ty đứng thứ hai là Sony.

Canon và Sony chiếm tới 70% thị phần máy ảnh năm 2020, Nikon bị bỏ lại

Dù Nikon gần đây đã thực hiện một bước chuyển mình mạnh mẽ khi nhận thấy sự thảm hại trong năm 2020, giúp doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng lên cũng như sự phục hồi đáng kể đối với doanh số máy ảnh kỹ thuật số, nhưng công ty không chỉ thua xa Canon và Sony về số lượng xuất xưởng mà còn tiếp tục gặp khó khăn trong việc sản xuất các sản phẩm mới, ngay cả ở hiện tại. Rất khó để xác định nhu cầu thực tế đối với các sản phẩm của Nikon bởi dẫu công ty đang sản xuất những chiếc máy ảnh mới, nhưng những thay đổi trong quy trình sản xuất đã khiến Nikon không thể sản xuất đủ số lượng cần thiết cho các sản phẩm đã ra mắt gần 1 năm trước.

Ví dụ, Nikon Z7 II vẫn chưa có hàng tại các đơn vị bán lẻ ở Mỹ. Thậm chí, chúng ta còn chẳng rõ liệu các đơn đặt hàng trước đối với những chiếc máy ảnh đó từ mùa hè năm ngoái đã hoàn thành hay chưa. Sự xuất hiện của Z FC có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng Nikon lại buộc phải trì hoãn quá trình vận chuyển do sự kết hợp của tình trạng nhu cầu tăng trưởng cũng như thiếu hụt năng lực sản xuất.

Cũng cần lưu ý, Panasonic và Fujifilm cũng là 2 cái tên cuối cùng trong danh sách 5 thương hiệu máy ảnh đứng đầu thị trường với thị phần lần lượt là 5,6% và 4,4%. Fujifilm tăng khiêm tốn 0,9%, trong khi Panasonic lại giảm 0,3%. Theo ghi nhận của Dpreview, vị trí của các nhà sản xuất máy ảnh này không thay đổi so với năm 2020, nhưng có vẻ các thương hiệu như Nikon và Panasonic đang đi sai hướng. Ngay cả Fujifilm cũng không thể phát triển với tốc độ đảm bảo độ bền vững. Fujifilm đã có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào những thị trường bên ngoài máy ảnh cũng như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Điều đó mang đến nhiều lợi nhuận hơn cho công ty.

Với việc Canon và Sony đang kiểm soát phần lớn thị trường như vậy, nhiều thương hiệu như Nikon, Fujifilm và Panasonic, cùng các thương hiệu khác vốn không thể lọt vào top 5 như Olympus và Leica, chỉ còn tồn tại bằng kỉ niệm. Trừ khi Canon hoặc Sony nhường lại một phần thị trường, một điều nhiều khả năng sẽ không thể xảy ra khi cả hai đều tăng trưởng trong năm ngoái, sẽ rất khó để các thương hiệu này tồn tại được với mức thị phần nhỏ mà mình đang nắm trong bối cảnh thị trường dần bị thu hẹp lại.

Lê Hữu theo PetaPixel

Chủ đề khác