VnReview
Hà Nội

Lợi nhuận từ đào Bitcoin giảm chóng mặt

Cứ mỗi 2016 khối được thêm vào trong chuỗi tương đương khoảng 2 tuần, thuật toán của Bitcoin sẽ thay đổi độ khó để đào coin một lần. Sáng ngày 13/8, độ khó để giải mã một khối đã tăng 7,3% so với trước đó.

Mức tăng này đánh dấu lần đầu tiên có sự thay đổi đột biến kể từ khi lệnh cấm khai thác tiền mã hóa từ Trung Quốc có hiệu lực và sự việc còn cho thấy một số nhóm thợ đào Trung Quốc đã hoạt động trở lại. Mặc dù độ khó tăng khiến cho việc khai thác kém hiệu quả hơn nhưng các thợ đào vẫn đang kiếm lời rất nhiều. "Độ khó khai thác (Hashrate) vẫn đang giảm 42,1% so với đỉnh vào tháng 5/2021 trước khi lệnh cấm khai thác tại Trung Quốc được ban hành", Jason Deane, nhà phân tích tại quỹ Quantum Economics cho biết.

Ngay sau khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm, hơn một nửa máy đào trong mạng lưới Bitcoin đã ngừng hoạt động. Ít người và máy đào hoạt động đồng nghĩa với việc phải tốn nhiều thời gian hơn để xác thực các giao dịch bằng Bitcoin và tạo ra Bitcoin mới. Thuật toán của Bitcoin đã tự điều chỉnh giảm 28% độ khó vào tháng 7. Bỗng chốc cả mạng lưới quay lại giai đoạn mà chỉ mất trung bình mười phút để giải mã một khối giao dịch.

Các thợ đào còn lại trong mạng lưới đã ngay lập tức chớp lấy cơ hội. Thợ đào Brandon Arvanaghi cho biết: "Chúng tôi không bao giờ ngừng nghỉ trong lĩnh vực này. Khả năng tự điều chỉnh độ khó chính là tính năng tuyệt vời nhất của Bitcoin". Sự kiện trên trên được xem như "sự kiện thiên nga đen" cho giới đào coin, các thợ đào đã kiếm bộn tiền nhờ vào tận dụng mức giảm độ khó này. Vì thế, khi độ khó tăng trở lại, Deane cho biết lợi nhuận của các thợ đào đã giảm đi 7,3% so với vài hôm trước.

"Chúng tôi cho rằng độ khó đã giảm xuống mức thấp nhất, và kể từ đây độ khó sẽ tăng dần trở lại", Mike Colyer, CEO của công ty tiền điện tử Foundry, công ty đã hỗ trợ đem 300 triệu USD thiết bị đào coin đến Mỹ trong giai đoạn gần đây. "Cú điều chỉnh tăng đã chỉ ra rằng các thợ đào và máy móc của họ đã hoạt động trở lại. Tuy vậy hiện vẫn còn rất nhiều máy móc đang rời khỏi Trung Quốc và chúng đang tìm một nơi ở mới", Colyer tiếp lời.

De La Torre, phó chủ tịch của bể đào tiền mã hóa Poolin tại Singapore đưa ra lời giải thích: "Nhiều thợ đào Trung Quốc không thể di chuyển tới Mỹ vì các ràng buộc về luân chuyển vốn ra nước ngoài, hầu hết họ không biết nói tiếng Anh và cả đời họ chưa bao giờ rời khỏi vùng quê Tứ Xuyên của mình. Thế là họ quyết định bán tháo hết các máy đào của mình. Tình cảnh bán tháo các máy đào đang diễn ra trên khắp thế giới".

Các máy đào tiền mã hóa ASICs mới được đưa vào hoạt động trong mạng lưới gần đây hầu hết đến từ các công ty lắp ráp máy đào tiền mã hóa lớn nhất thế giới như Bitmain và Whatsminer. Các dòng máy mới này hiệu quả hơn gấp 2 lần so với các dòng máy đời cũ. Hầu hết các dòng máy đào đời cũ sẽ không còn hoạt động trở lại, điều này giúp cho mạng lưới đào tiền mã hóa trở nên xanh và sạch hơn, từ đó cũng gia tăng tính cạnh tranh về tốc độ đào giữa các thợ đào. "Các dòng máy mới có tốc độ tính toán cao hơn hẳn các dòng máy tiền nhiệm nên chúng tôi cho rằng độ khó của thuật toán đào sẽ tăng trở lại đỉnh cũ trong vòng 12 tháng tới". Whit Gibbs, CEO của công ty cung cấp dịch vụ đào Bitcoin Compass chia sẻ.

Nhà phân tích Deane tiết lộ: "Một lượng lớn các dòng máy đào ASICs mới đã được đặt hàng. Điều này là minh chứng cho độ khó sẽ tăng dần, và có thể sẽ tăng đột biến trong thời gian tới". Bên cạnh đó, CEO Foundry Colyer nhận định rằng độ khó của thuật toán sẽ tăng 10% mỗi tháng kể từ hiện tại. Ông cho rằng sẽ mất khoảng 9 đến 12 tháng để độ khó tăng gấp đôi.

Chí Tôn

Chủ đề khác