VnReview
Hà Nội

Xem tivi 3D không cần đeo kính sẽ sớm phổ biến

Hiện các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đang phát triển một công nghệ cho xem các hình ảnh 3D mà không phải đeo loại kính cồng kềnh nữa.

Theo kênh truyền hình Hàn Quốc;KBS World, giáo sư Seo Kap-yang đến từ khoa Cơ khí máy móc và hàng không (Đại học quốc gia Seoul) và các cộng sự đang nghiên cứu một phương pháp mới để nhìn được các hình ảnh ba chiều (3D).

Giáo sư Seo cho hay, một người cần sử dụng cả mắt phải và mắt trái đề nhìn được các hình ảnh 3 chiều. Khoảng cách giữa hai mắt ở người bình thường là khoảng 6 đến 7 cm và khi mắt nhận diện một vật, não bộ sẽ xử lí hình ảnh của nó thành 3 chiều.

Công nghệ 3D hiện nay sử dụng hai phương pháp, đó là phương pháp PR (patterned retarder) và dùng kính chớp. Trong những trường hợp đó, kính 3D giúp mắt nhận diện hình ảnh khác nhau qua một lớp kính chớp và rõ ràng gây bất tiện cho người dùng.

Giáo sư Seo cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã tìm ra một phương pháp mới bằng cách đặt một lớp lăng kính siêu vi bằng polymer vào tivi, nhờ đó tạo chiều sâu, giúp hiện thêm các hình ảnh ở mắt phải và mắt trái khi người xem muốn thấy ảnh 3D.

Mắt người nhận diện nhiều hình ảnh khác nhau và não bộ sẽ xử lí chúng thành hình ảnh 3 chiều. Điểm mấu chốt của màn hình 3D là đưa các hình ảnh khác nhau đó vào mắt. Các phương pháp thông thường sử dụng màng lọc ánh sáng phân cực chỉ cho ánh sáng đi theo một hướng còn phương pháp dùng kính chớp cho phép các thấu kính lần lượt tối lại ở từng mắt một rồi tạo ra ảo ảnh của hình 3 chiều. Tuy nhiên đeo kính 3D lại gây nhiều phiến toái khiến nhiều người không thích lắm. Dựa trên nhu cầu đó, thiết bị không dùng những chiếc kính cồng kềnh mà vẫn cho hình ảnh 3 chiều sắc nét đã ra đời. Nhưng các thiết bị đó vẫn có nhiều hạn chế do phụ thuộc vào góc nhìn khi chuyển từ ảnh 2D sang 3D. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu của giáo sư Seo đã bắt tay vào để khắc phục nhược điểm của phương pháp này.

Khắc phục nhược điểm của phương pháp không dùng kính 3D hiện nay

“Chúng tôi bắt đầu phát triển lớp lăng kính Lucius để cải thiện phương pháp nhìn ảnh 3D mà không phải dùng kính chuyên dụng. Loại lăng kính này giúp xem ảnh 3D ổn định hơn, bởi lớp lăng kính siêu vi polymer của chúng tôi không xen kẽ hình ảnh 2D và 3D dựa vào góc nhìn, nhờ vậy cũng sẽ giảm tình trạng mỏi mắt ở người xem. Công nghệ của chúng tôi không hoàn toàn giải quyết được vấn đề xảy ra khi chuyển từ 2D sang 3D, nhưng chúng tôi có thể điều chỉnh nhược điểm đó nhờ sự truyền sáng có hướng và sự bất cân đối của cường độ ánh sáng. Tôi tin rằng nghiên cứu của mình có thể được đưa vào tạp chí khoa học Nature bởi nó có rất nhiều ứng dụng thương mại, và đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên cấu trúc bất đối xứng về mặt quang học của lăng kính được ứng dụng để điều chỉnh ánh sáng có hướng”.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Seo đã thành công khi điều khiển được hướng ánh sáng nhờ các lớp lăng kính polymer siêu vi. Các tấm lăng kính siêu vi đó dễ dán vào màn hình tivi hay máy tính để tạo hình ảnh 3D không dùng kính.

Thời đại xem tivi 3D không dùng kính

“Chúng tôi đã chứng minh được rằng đặc tính bất đối xứng quang học có thể được ứng dụng để tạo ảnh 3 chiều. Tuy nhiên chúng tôi vẫn gặp phải một số khó khăn cần giải quyết. Ví dụ, kích cỡ điểm ảnh là khoảng 2mm và tạo ra khoảng trống mắt người nhìn thấy được. Để thu được chất lượng ảnh kín, điểm ảnh cần được co lại còn khoảng 200 micron. Do vậy, chúng tôi vẫn cần phải nghiên cứu cách thu nhỏ kích thước điểm ảnh và tăng kích thước tấm lăng kính cho phù hợp với diện tích lớn của màn hình tivi hoặc máy tính. Đây là một lĩnh vực mà sự cạnh tranh rất lớn nên mục tiêu chúng tôi đặt ra là tìm ra lời giải đáp cho bài toán trên trong một năm tới.”

Mỗi người xem tivi từ một góc khác nhau, ví dụ như ngồi trên ghế sofa, nằm trên sàn nhà và thậm chí khi đi ngang qua phòng. Để khắc phục các nhược điểm gây ra do các góc nhìn khác nhau, điểm ảnh trên màn hình phải ở kích cỡ micron. Nghiên cứu của giáo sư Seo tập trung tìm cách hiện thực hóa hình ảnh 3D nên độ phân giải vẫn còn khá thấp. Nhưng giáo sư và các đồng nghiệp của ông đã nhận thức được nhược điểm đó rất rõ ràng và quyết tâm tạo ra một tấm phim kích cỡ màn hình tivi trong năm tới. Hi vọng mục tiêu đề ra của ông sẽ sớm trở thành hiện thực.

Mỹ Anh

Chủ đề khác