VnReview
Hà Nội

Nơm nớp lo thiết bị kích sóng nhân rộng "vùng phủ sóng"

Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, khi tiến hành kiểm tra nguồn nhiễu đã phát hiện 20 thiết bị kích sóng (repeater) gây nhiễu tới 4 mạng di động và 1 thiết bị gây nhiễu cho 3 mạng di động. Đây là mối nguy hại cho các mạng di động nếu người dân sử dụng nhiều thiết bị này.

Các thiết bị kích sóng được bán công khai và quảng cáo tràn lan trên nhiều phương tiện như thế này

Tràn lan thiết bị kích sóng

Chỉ cần một thao tác nhỏ tìm kiếm trên Google với từ khóa "bán thiết bị kích sóng điện thoại", mất có 0,18 giây đã cho ra 319.000 kết quả. Tương tự như vậy tìm kiếm trên Google với từ khóa "bán thiết bị repeater" cũng cho ra 137.000 kết quả trong 0,29 giây. Tại hầu hết các trang thương mại điện tử như rongbay.com, muaban.com.vn, vatgia.com… đều thấy quảng cáo bán những thiết bị kích sóng rất nhỏ gọn. Điều này chứng tỏ mức độ buôn bán và sử dụng thiết bị này đang lan rất nhanh.;

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, Hà Nội đang là điểm "nóng" trong việc sử dụng thiết bị kích sóng. Khi người dân sử dụng thiết bị kích sóng không được hợp chuẩn hợp quy sẽ gây can nhiễu cho các mạng di động khác khiến thuê bao của các mạng đó không sử dụng được dịch vụ. Hiện nay chỉ có các mạng di động mới được phép sử dụng những thiết bị kích sóng vì Bộ TT&TT cấp băng tần cho các mạng di động. Đặc biệt, những thiết bị này phải qua thủ tục hợp chuẩn hợp quy.

"Đây là vấn đề nổi lên tại Hà Nội hiện nay và nếu không xử lý tốt thì việc sử dụng thiết bị kích sóng di động sẽ có nguy cơ lan rộng. Như vậy, sau nguồn nhiễu do thiết bị điện thoại cố định kéo dài sẽ là thiết bị kích sóng di động gây can nhiễu cho các mạng di động. Tuy nhiên, việc xử lý rất khó khăn vì người dân đổ lỗi do sóng của nhà mạng kém nên họ buộc phải sử dụng thiết bị", ông Đoàn Quang Hoan nói.

Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, qua kiểm tra và xử lý can nhiễu tại khu vực Hà Nội có tới 20 bộ thiết bị kích sóng gây can nhiễu cho cả 4 mạng di động và 1 thiết bị kích sóng gây can nhiễu cho 3 mạng di động. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn trên.

Cục Tần số Vô tuyến điện đã gửi văn bản sang Tổng cục Hải Quan, Quản lý thị trường để phối hợp xử lý các thiết bị kích sóng nhập khẩu đồng thời phối hợp kiểm tra xử lý những thiết bị kích sóng lậu trên thị trường. Cục cũng có văn bản yêu cầu các mạng di động phối hợp phát hiện các thiết bị gây nhiễu, đồng thời tuyên truyền đến khách hàng của mình về việc sử dụng các thiết bị đó. 

Nhà mạng khuyến cáo khách hàng không tự ý dùng thiết bị kích sóng

MobiFone cho biết đã tiến hành rà soát, kiểm tra các thiết bị phát lặp vô tuyến hiện có trên mạng lưới. Chỉ có các thiết bị của MobiFone đã được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy mới được sử dụng. Trường hợp các tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng những thiết bị nêu trên là vi phạm quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện, hành vi này có thể bị xử phạt tới 30 triệu đồng theo Điều 15, Điều 18 Nghị định 51/2011/NĐ-CP ngày 27/06/2011 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vô tuyến điện.

Phía VinaPhone cũng cho hay, để khắc phục tình trạng sóng di động yếu tại một số khu vực, rất nhiều thuê bao di động đã tự ý lắp các sản phẩm thiết bị kích sóng điện thoại di động không có chứng nhận hợp quy, gây can nhiễu cho các mạng thông tin di động. Nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây can nhiễu tần số, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ mạng di động, VinaPhone khuyến nghị khách hàng không tự ý sử dụng các thiết bị phát lặp vô tuyến điện trong hệ thống thông tin di động, đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.

Khi gặp trường hợp vùng phủ sóng kém, VinaPhone đề nghị khách hàng liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của VinaPhone để yêu cầu khắc phục, giải quyết. Sau đó, VinaPhone sẽ có biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Theo ICTnews

Chủ đề khác