VnReview
Hà Nội

Dư luận bất bình việc Viettel đòi tăng cước 3G

Việc Viettel đề xuất lên Bộ TT&TT tăng giá cước 3G với lý lẽ dịch vụ này đang được bán dưới giá thành và giá cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn "vài chục lần" so với các nước phát triển đã khiến không ít người sử dụng tỏ ra bất bình.

Bài liên quan:

Viettel "bấm bụng" đề xuất tăng cước 3G

Viettel đặt mục tiêu lợi nhuận 34.000 tỷ đồng năm 2013

Tăng cước 3G: nhà mạng thu thêm 100 tỉ lợi nhuận

Đây không phải là lần đầu tiên một nhà mạng di động tại Việt Nam đề xuất tăng giá cước dịch vụ 3G. Trước đó cách đây vài tháng, ba nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đã đồng loạt tăng giá cước đối với các gói cước 3G không giới hạn lưu lượng sử dụng.

Lý do Viettel đưa ra cho việc đề xuất tăng giá lần này là thời gian đầu cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam, để phát triển thuê bao nên nhà mạng phải đặt mức giá cước thấp hơn giá thành. Cho đến nay số lượng thuê bao sử dụng mạng 3G tăng cao do sự phổ biến của smartphone và các ứng dụng di động như OTT cũng góp phần đẩy mạnh nhu cầu sử dụng 3G. Nếu doanh nghiệp vẫn duy trì mức cước thấp như hiện nay (thấp hơn vài lần so với các nước trong khu vực và vài chục lần so với các nước châu Âu) thì không thể tái đầu tư phát triển hệ thống mạng 3G và cải tiến chất lượng dịch vụ.

Những so sánh về giá cước 3G tại Việt Nam với các nước cùng khu vực và các nước châu Âu của đại diện nhà mạng Viettel đã nhanh chóng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng mạng. Ngay dưới bài viết Viettel đề xuất tăng giá cước 3G đăng trên các báo điện tử, trong đó có VnReview đã liên tục tiếp nhận nhiều chục lời comment của độc giả bày tỏ bức xúc về việc tăng giá cước 3G.

Một trong những phản ứng của độc giả về việc Viettel tăng giá cước 3G là sự so sánh khập khiễng giữa giá cước 3G tại Việt Nam với giá cước 3G tại các nước phát triển. Nếu nói giá cước 3G tại Việt Nam thấp hơn vài chục lần so với giá cước 3G tại châu Âu để làm căn cứ cho đề xuất tăng giá thì hoàn toàn bất hợp lý vì thu nhập bình quân đầu người Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân tại các nước phát triển.

Một luồng ý kiến phản đối khác đó là trước đây các nhà mạng giảm giá/ưu đãi cước 3G để kích cầu sử dụng thì không sao, còn bây giờ là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của smartphone, tablet đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng mạng 3G cũng tăng cao thì nhà mạng lại cuống cuồng xin tăng giá cước để tận thu. Thậm chí một số ý kiến còn phê phán dưới góc độ mỉa mai là Viettel vừa mới đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 34.000 tỷ đồng trong năm 2013, phải chăng sợ không đạt nên mới phải tăng cước 3G để đạt mục tiêu đó?

Ngoài những ý kiến phản đối Viettel tăng giá cước 3G, trên một số diễn đàn như Voz, Tinhte... nhân dịp này nhiều người dùng bày tỏ sự thất vọng với chất lượng dịch vụ mạng 3G hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng nhà mạng mới chỉ chú trọng mở rộng vùng phủ sóng 3G nhưng chưa duy trì được chất lượng dịch vụ mạng đúng như cam kết với bằng chứng là tốc độ mạng quá chậm chạp, đứt kết nối và còn có nghi vấn tính cước sai (dùng ít nhưng bị bóp băng thông rất nhanh do hết dung lượng gói).

Quan điểm chung của đa số người dùng 3G là giá cả phải đi đôi với chất lượng, nếu giá tăng cao hơn nhưng chất lượng vẫn xập xệ như hiện nay thì không thể chấp nhận được.

Trong khi đó, trên mạng còn bắt gặp cách thể hiện sự bức xúc việc tăng giá cước 3G bằng thái độ thờ ơ, mỉa mai rằng việc tăng giá điện, giá xăng, giá gas đã là điều quá quen thuộc với người dân Việt Nam do đó nếu doanh nghiệp muốn tăng cước 3G thì cứ việc tăng mà không phải trình bày dài dòng. Nếu muốn tăng thì kiểu gì chả tăng được, sao cứ phải "ôn nghèo kể khổ" rằng mình đang bán rẻ hơn nước ngoài mấy chục lần làm gì?

Về đề xuất tăng giá cước 3G của Viettel, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ không can thiệp vào việc định giá cước của doanh nghiệp. Theo Luật Viễn thông, nhà nước không can thiệp vào quyền định giá của doanh nghiệp. Giá cước doanh nghiệp đưa ra thị trường là căn cứ trên thị trường và do thị trường quyết định. Giá cước phải được tính toán dựa trên giá thành.

;Chí Thành 

Chủ đề khác