VnReview
Hà Nội

Vì sao Google đã có Moto X lại còn cần Nexus?

Moto X không chạy phiên bản mới nhất của Android, được bán qua các nhà mạng và có giá ngang ngửa những chiếc smartphone cao cấp khác, thay vì như một chiếc Nexus giá rẻ. Motorola thì lại khẳng định họ chỉ là một nhà sản xuất điện thoại cho Google. Vậy chúng ta nên hiểu mối quan hệ này như thế nào?

Có thể thấy rõ dù được "chỉ đạo" của Google, nhưng thực chất Moto X vẫn là điện thoại riêng của Motorola chứ không phải của Google. Bây giờ chúng ta đã biết vai trò thực sự của Moto X - Nó không phải là một thiết bị quan trọng như những gì chúng ta đã từng nghĩ, nó không thể trở thành vai trò trung tâm đối với đội Android của Google hay có thể thay thế chương trình Nexus.;

600x366

Chương trình Nexus thực sự luôn gây ra sự hứng thú cho người dùng Android trên toàn cầu và thể hiện mục tiêu thống trị thị trường toàn cầu của Google.

Android còn phân mảnh và thiết bị Nexus thì còn nhiều hạn chế

Moto X vừa được Motorola và Google ra mắt, trong khi Google đã ra mắt một phiên bản mới của Android và máy tính bảng Nexus 7 cách đây không lâu. Có vẻ là những thành liên tiếp đến với Google ... nhưng còn nhiều vấn đề bên trong chưa thể giải quyết!

Android là một hệ điều hành nguồn mở, nhưng dù cho Google đã có nhiều nỗ lực nhưng hệ điều hành này vẫn còn bị phân mảnh nặng nề, cả ở mức phần cứng lẫn phần mềm. Chương trình Nexus của Google có thể xem là một giải pháp cho vấn đề phân mảnh này, bởi chúng luôn đi kèm theo phiên bản Android mới nhất, được cập nhật nhanh nhất (thường là ngay trong đêm giới thiệu), và nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của cộng đồng lập trình viên. Thế nhưng liệu với Nexus, Google có thể thật sự giải quyết được vấn đề phân mảnh hay không? Và mục đích thật sự của dòng Nexus là gì?

560x373

Android 4.3 chỉ là một bản cập nhật "rất nhỏ"

Mới đây Google đã cập nhật Android lên phiên bản 4.3. Đây vừa là tin tốt, vừa là tin xấu. Tin xấu đó là chúng ta vẫn chưa thấy được sự thay đổi nào đáng kể trong vòng xoay cập nhật cho các thiết bị Android khi có phiên bản mới xuất hiện. Vòng xoay đó là: Google ra mắt bản Android mới, các máy Nexus nhận được bản update (vài ngày sau tới lượt những máy Google Edition), kế tiếp là các hãng sản xuất lần lượt đưa lời hứa chung chung về thời điểm nâng cấp máy cho khách hàng của mình, có thể là vài tháng sau, thậm chí là cả năm sau. Và chính sự "chung chung" này đã khiến nhiều người cảm thấy thất vọng và mệt mỏi vì chờ đợi.

Còn tin tốt ở Android 4.3 đó là nó không mang theo mình nhiều thay đổi lớn. Giao diện và phần mềm hầu như không có gì thay đổi, những điểm mới được Google mang vào hệ điều hành này chủ yếu là để nâng cao hiệu năng, hỗ trợ giao tiếp Bluetooth Smart, tăng cường khả năng sử dụng nhiều người và trải nghiệm chơi game. Điều đó có nghĩa là các hãng sẽ mất ít thời gian hơn để đưa Android 4.3 lên thiết bị của mình. Cõ lẽ bản Android 5.0 sắp tới mới thật sự mang tính đột phá.

Google đang "mô-đun hóa" nền tảng Android

Trưởng bộ phận kĩ thuật của Android, ông Dave Burke, nói rằng "không giống những công ty khác, chúng tôi không bị ràng buộc vào nền tảng (Android) trong việc ra mắt những app mới". Bằng chứng là Google đã tách riêng và thường xuyên cập nhật các app như Hangouts, Keep, Google Music, Chrome, Drive, Gmail, YouTube, Maps cho nhiều người dùng chạy nhiều bản Android khác nhau. Thời điểm mà các app này được nâng cấp sẽ dao động trong khoảng 6 tới 8 tuần, thế nên người dùng vẫn có thể tận hưởng những điểm tốt nhất từ các dịch vụ của Google mà không phải chờ đợi mòn mỏi cho một đợt nâng cấp lớn như những gì Apple áp dụng với iOS.

560x374

Chiến lược này có hai mặt lợi và hại. Android giờ đây trở thành một nền tảng và chỉ cần cập nhật để bổ sung những tính năng, thao tác cơ bản, không phải kéo theo hàng loạt app tích hợp. Lập trình viên vẫn gặp khó khăn trong việc quyết định xem ứng dụng của mình sẽ tương thích với những phiên bản nào, nhưng ít ra với người dùng thì mọi chuyện dễ dàng và nhanh chóng hơn một chút. Còn với những ai không chấp nhận chờ đợi, các thiết bị Nexus cũng như những máy "Google Play Edition" chính là giải pháp tốt nhất.

Các thiết bị Nexus luôn có chút bí ẩn

Ở những buổi đầu khi Nexus mới ra đời, người ta tưởng rằng các thiết bị này sẽ khiến thị trường Android bị chi phối mạnh bởi người ta sẽ đổ xô đi mua máy của Google và không đoái hoài tới những nhà sản xuất khác. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng máy Nexus quả thực có bán chạy nhưng nó vẫn chưa "hot" và bán nhiều như máy Android của hãng khác.

600x337

Vậy tại sao Nexus lại xuất hiện nếu lượng người dùng không quá lớn? Google nói rằng Nexus chính là những "hào quang" có tác dụng "giáo dục" cho cả hệ sinh thái. Burke nói: "Cơ bản là chương trình Nexus cho phép chúng tôi đặt ra những tiêu chuẩn cho Android... Chúng tôi có thể trình diễn Android chạy như thế nào và hi vọng rằng nó sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thiết bị khác". Google muốn các công ty như Samsung, LG, HTC,... nhìn vào các máy Nexus để biết được Google có thể làm những gì, và họ cần phải làm gì để sản phẩm của mình trở nên tốt hơn.

Lời giải thích của Google chưa hợp lý lắm. Mặc dù những chiếc Nexus khá độc đáo, tuy nhiên cấu hình và thông số kĩ thuật của chúng thường đi sau thời đại. Camera của Galaxy Nexus thì quá tệ, Nexus 4 thì không hỗ trợ 4G LTE, một kết nối quan trọng cho các thị trường như Mỹ, trong khi các máy khác đã có từ lâu. Giờ đây Google lại bán thêm HTC One và Samsung Galaxy S4 "Google Edition" với giao diện Android gốc, thế nên chương trình Nexus lại càng không liên quan đến việc "giáo dục" nói trên.

Motorola cũng chỉ là một nhà sản xuất như bao hãng khác

Về phần Motorola, sau nhiều tin đồn, cuối cùng chiếc Moto X cũng đã được chính thức tiết lộ. Đây là chiếc điện thoại đầu tiên thể hiện sự ảnh hưởng của Google đối với sản phẩm của Motorola, thế nhưng nó vẫn là một chiếc smartphone của Motorola, không phải một chiếc điện thoại của Google. Moto X không được cài sẵn phiên bản Android mới nhất, máy được bán ra theo hợp đồng với nhà mạng và nó không sở hữu mức giá rẻ cực kì hấp dẫn như các thiết bị Nexus.

Moto X

Như vậy, với Moto X là bằng chứng, Motorola cũng chỉ là một hãng sản xuất điện thoại Android bình thường như bao công ty khác. Giờ đây, khi các chi tiết về Moto X đã xuất hiện rõ ràng và cũng đã chính thức trình làng, chúng ta có thể nói rằng trách nhiệm thúc đẩy cả hệ sinh thái Android vẫn tiếp tục nằm trong tay nhóm Android cũng như bộ phận Nexus của Google chứ không phải là Motorola.

Không chữa khỏi "bệnh" phân mảnh, nhưng Google có cách để quản lý?

Chúng ta không thể chối bỏ rằng sự phân mảnh các nền tảng Android là có thật, và nó cũng là một vần đề với Google. Nếu bạn xem sự phân mảnh này là một căn bệnh thì trong vòng 5 năm qua, mặc dù đã rất cố gắng, Google vẫn tìm ra cách khắc phục. May mắn thay, bệnh này không dẫn đến sự tiêu vong của hệ điều hành di động này, và trong thời gian qua, việc mô-đun hóa các ứng dụng cũng như thiết bị Nexus đã giúp Google "quản lý" cũng như giảm thiểu những "triệu chứng" mà người dùng phải chịu đựng. Google và cả người dùng Android dường như đã quen với chuyện đó.

Tiến Tùng

Theo The Verge

Chủ đề khác